Tuyển sinh đại học cho mùa dịch Covid-19 – học sinh hoang mang

Bộ Giáo Dục và Đào Tạo vừa có công văn gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2)
- Quảng Cáo -

Người viết: Anh Hoàng

Từ nhiều năm nay Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã áp dụng thi trung học phổ thông và lấy điểm để xét tuyển đại học và cao đẳng cho học sinh. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã có công văn gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2). Thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; kì thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11/8/2020.

Trước đây, hầu hết các trường đại học đều dựa vào kết quả kì thi trung học phổ thông để xét tuyển đại học, trừ một số trường đại học tư thục, một số nhỏ trường đại học công đào tạo các lĩnh vực đặc biệt như trường đại học thanh nhạc, điện ảnh, hay các chương trình liên kết tại các trường đại học có hình thức xét tuyển thông qua điểm học bạ hoặc tổ chức các kì thi riêng. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh bùng phát chưa biết khi nào chấm dứt như hiện nay, một số trường đại học đã thay đổi hình thức xét tuyển để tránh trường hợp kì thi THPT không thể diễn ra. Cụ thể, trường đại học Văn Lang thông báo không nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT trực tiếp tại các văn phòng tuyển sinh, thay vào đó trường nhận hồ sơ bằng 2 hình thức: đăng ký xét tuyển online hoặc nộp qua đường bưu điện. Tương tự, Theo đề án tuyển sinh dự kiến do trường công bố, năm nay, Đại Học  Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) thêm phương thức tuyển sinh từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại Học Quốc gia TP.HCM tổ chức (5% chỉ tiêu). Ngoài ra, trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho 2 phương thức truyền thống: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia (70% chỉ tiêu), xét tuyển học bạ THPT lớp 12 (25% chỉ tiêu). Ngoài ra, nhiều trường khác cũng cũng có phương án thay thế để tuyển sinh nếu kỳ thi THPT diễn ra quá muộn hoặc không được tổ chức.

Vậy với hình thức mới này dù chỉ diễn ra một năm vì sự cố ngoài mong muốn nhưng đây có phải là một phương án tốt cho cả học sinh và các trường đại học hay không, để trả lời cho câu hỏi này cần phân tích các hình thức tuyển sinh để có thể đưa ra câu trả lời chính xác

- Quảng Cáo -

Hình thức truyền thống xét tuyển dựa vào kết quả kì thi THPT

Hình thức tuyển sinh này là tổ chức thi THPT ở ngay các cơ sở địa phương, trước học sinh sẽ đăng kí nguyện vọng vào các trường đại học mình mong muốn, các trường đại học sẽ cử các giảng viên đến các địa phương coi thi để đảm bảo sự công bằng, khách quan. Sau khi kết thúc kì thi, dựa vào điểm đầu vào đại học mà các trường đại học công bố, học sinh sẽ biết mình trúng tuyển hay không, học sinh trúng tuyển phải đáp ứng yêu cầu đó là điểm đầu vào theo khối ngành trường họ đăng kí phải thấp hơn hoặc bằng điểm thi tốt nghiệp của họ ở khối ngành đó. Hình thức này vẫn tồn đọng những hạn chế đó là các trường đại học chỉ kiểm soát được tình trạng không gian lận trong thi cử tại phòng thi, còn điểm thi vẫn do nhóm giáo viên chấm thi ở các sở giáo dục quyết định. Điển hình trong kì tuyển đại học năm 2019, tại Sơn La, Hòa Bình và Bắc Giang bộ phận chấm thi của sở đã nhận hối lộ nâng điểm cho nhiều em học sinh.

Hình thức tuyển sinh xét điểm học bạ của học sinh

Đây là hình thức được nhiều trường đại học tính đến khi sự bùng phát dịch Covid-19 có thể khiến kì thi THPT không thể diễn ra, hình thức này đang gây tranh cãi và hoang mang cho nhiều học sinh bởi nhiều học sinh suốt ba năm học chỉ tập trung học ba môn học tính điểm xét đại học các môn học khác chỉ học cầm chừng đủ để thi tốt nghiệp , nay áp dụng hình thức xét học bạ sẽ khiến họ bị thiệt thòi. Ngoài ra, tình trạng nâng điểm chạy thành tích vẫn diễn ra tràn lan ở nhiều trường THPT, nếu xét tuyển dựa vào điểm học bạ dù chỉ là giải pháp tạm thời vì dịch Covid-19 cũng sẽ là không công bằng cho nhiều học sinh, nhiều học sinh có năng lực sẽ bị bỏ sót.

Hình thức tuyển sinh dựa vào điểm thi do các trường đại học tự tổ chức

Nhiều trường đại học tính đến phương án tự tổ chức thi cho các học sinh đăng kí nguyện vọng tại trường đó. Đây sẽ là hình thức tốt vì các đại học sẽ tự chủ kì thi chọn lựa được những cá nhân xuất sắc nhất tránh được tình trạng tiêu cực gian lận trong thi cử khi chính các giảng viên của các trường đại học này sẽ giám sát kì thi và thuê giáo viên chấm thi cho kì thi của họ. Tình trạng gian lận sẽ giảm mức tối đa, khi chính họ chọn lựa học sinh cho trường đại học của họ.

Dù hình thức xét học bạ chỉ là giải pháp nhất thời nhưng từ sự hoang mang của học sinh đã phản ảnh thực trạng giáo dục Việt Nam hiện tại, chương trình học quá nặng, kiến thức tràn lan. Học sinh phải học theo hình thức đối phó, chỉ tập trung vào môn thi đại học. Các trường đại học chưa được toàn quyền kiểm soát quá trình tuyển sinh đầu vào, dẫn đến nhiều học sinh đỗ đại học không đủ năng lực để theo học chương trình đại học và gặp nhiều khó khăn để tốt nghiệp và khó xin việc làm khi ra trường . Tất cả những tiêu cực này cần sớm giải quyết vì giáo dục là gốc rễ phát triển của mỗi quốc gia theo câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Phan Chu Trinh “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Nguồn tham khảo:

http://baodansinh.vn/dich-covid-19-lui-thoi-gian-thi-thpt-quoc-gia-sang-thang-8-2020-20200313153214006.htm

https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-tai-hoa-binh-bi-can-khai-da-nhan-hon-1-ti-de-sua-bai-nang-diem-20190920202340035.htm

https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm

https://thanhnien.vn/giao-duc/vu-gian-lan-thi-cu-nghiem-trong-o-bac-giang-de-nghi-ky-luat-nhieu-can-bo-giao-vien-64475.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here