Nếu tôi nuôi một con bò dùng làm sức kéo thì nhiệm vụ của tôi là nuôi nó ăn để nó tồn tại để tôi khai thác sức kéo. Về bản chất thì con bò thuộc sở hữu của tôi, nó không có quyền từ chối ra đồng bất kỳ lúc nào tôi cần. Nếu tôi muốn một con người làm việc cho tôi, người đó có quyền đòi hỏi mức lương và quyền lợi trước khi họ quyết định. Về bản chất là, giữa tôi và người lao động là mối quan hệ mua bán. Người lao động có quyền của họ, quyền quyết định nên bán sức lao động cho tôi hay không?!
Nói đến hợp tác xã thì người Việt hay nghĩ ngay đến mô hình kinh tế tập trung đặc trưng của chế độ CS thuần chủng thời trước “đổi mới” 1986. Và nay, mô hình doanh nghiệp kiểu hợp tác xã vẫn còn tồn tại trong nền kinh tế đa thành phần hiện nay. Thế nhưng mấy ai biết bản chất của “hợp tác xã” hôm nay nó hoàn toàn khác với mô hình “hợp tác xã” của những ngày trước “đổi mới” năm 1986? 2 loại hợp tác xã hoàn toàn khác nhau xin chớ nhầm lẫn.
Thực ra “hợp tác xã” nói đơn giản nó là “góp vốn làm ăn chung” mà thôi. Mô hình này xuất phát từ thời con người sống thành từng bộ lạc chứ không phải đến thời Cộng Sản mới có. Thế rồi qua năm tháng mô hình này phát triển dần như hôm nay. Ngày nay, hợp tác xã thực ra nó là người mẹ đẻ ra mô hình công ty cổ phần. Về cơ bản, hợp tác xã và công ty cổ phần mang DNA giống nhau. Sự khác nhau cơ bản là ở công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu, và vốn mỗi người góp được tính dựa trên số cổ phiếu mà mỗi người nắm giữ mà thôi. Người góp vốn trong hợp tác xã được gọi là xã viên, người góp vốn trong công ty cổ phần gọi là cổ đông. Thực ra giữa xã viên và cổ đông không khác nhau mấy, chỉ khác nhau ở tên gọi. Như vậy rõ ràng, tựa như cổ đông thì người xã viên trong hợp tác xã có tư cách như người chủ chứ không phải là như người làm thuê hay nô lệ. Xã viên làm chủ doanh nghiệp nên về bản chất, hợp tác xã là một loại hình kinh tế tư nhân như loại hình công ty cổ phần mà thôi.
Lại nói về “hợp tác xã” của Cộng Sản thuần chủng, thì bản chất nó khác hoàn toàn hợp tác xã đúng nghĩa như ngày nay. Hợp tác xã thời bao cấp chỉ là cách mượn tên thôi chứ họ không hề vay mượn bản chất. Vì sao? Vì như mô hình hợp tác xã thời đó, thì cơ bản là nhà nước sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất. Mà tư liệu sản xuất là gì? Đó là tất tần tật những gì có thể làm ra sản phẩm bao gồm như: nguyên liệu, lực lượng lao động, công cụ lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên vv.. Mà như ta biết, lực lượng lao động chính là con người. Trong mô hình hợp tác xã kiểu này thì nhà nước sở hữu luôn con người tựa như họ sở hữu con trâu hay con bò và nuôi nó để cung cấp sức kéo vậy. Như vậy loại “hợp tác xã” này chỉ là hợp tác xã trá hình. Bản chất của nó là loại kinh tế tập trung với nhà nước làm chủ nô và xã viên hoàn toàn không có bất kỳ một quyền sở hữu nào trong hợp tác xã đó cả. Nó không phải là loại hình kinh tế tư nhân như hợp tác xã đúng nghĩa.
Nếu hôm nay bạn đi làm việc cho một hợp tác xã, thì bạn hoàn toàn có quyền ngã giá với đại điện hợp tác xã đó để đi đến hợp đồng mua bán sức lao động (tức hợp đồng lao động) thì trước đây không phải vậy. Trước đây người dân không có quyền lựa chọn mà bạn bị bắt buộc phải làm. Vì sức lao động của bạn thuộc sở hữu của chủ (tức nhà nước) nên bạn không có quyền ngã giá với phía sử dụng lao động. Bạn phải bị bắt đi làm vô điều kiện, mặc dù bạn được họ tặng cho mỹ từ “xã viên”. Như vậy là xã viên trong thời Cộng Sản Thuần chủng trước đây khác hoàn toàn với xã viên hiện nay. Lúc trước xã viên là nô lệ, ngày nay xã viên là ông chủ.
Còn nhớ thời đó, cứ vào mỗi lúc đầu buổi sáng hoặc buổi chiều, thì hợp tác xã cho người đánh kẻng vang khắp các xóm làng tựa nhu như thứ tín hiệu tập trung súc vật vậy. Và mỗi khi nghe kẻng, các “xã viên” phải hối hả vác cuốc vác xẻng ra đồng như là những tù nhân bị buộc lao động khổ sai. Tất cả mọi thành phẩm của sức lao động của xã viên được đưa về kho của nhà nước như là một dạng trưng thu, xã viên được nuôi ăn bằng hình thức phát tem phiếu, mục đích là làm sao để xã viên tồn tại được trong điều kiện tối thiểu để cung cấp sức lao động cho hợp tác xã. Đó không phải là trả tiền mua sức lao động mà nó là một hình thức nuôi trâu nuôi ngựa để khai thác sức kéo mà thôi. Chỉ khác là xã viên biết nhận tem phiếu để đổi lấy thực phẩm chứ không đợi chủ mang cỏ đến vứt vào máng. Như vậy nói thẳng ra, mô hình hợp tác xã trong chế độ Cộng Sản thuần chủng về bản chất nó là một chế độ nuôi nhốt nô lệ để sử dụng họ như súc vật. Thời đó Cộng Sản lấy từ “hợp tác xã” chỉ mục đích là để che đậy bản chất này thôi chứ nó không phải là hợp tác xã đúng nghĩa, xin mọi người chớ nhầm.
Được biết, ngày 27/03/2020 trên báo Thanh Niên cáo bài viết “Bộ Chính trị: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu”. Trong nội dung bài viết có nói về chủ trương của Bộ Chính Trị về việc biến Việt Nam thành một đất nước chủ yếu dựa vào mô hình “hợp tác xã” trong tương lai. Việc làm được xem như là một lộ trình Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng câu hỏi đặt ra là, ý của Bộ Chính Trị là loại hợp tác xã nào? Hợp tác xã đúng nghĩa hay hợp tác xã trá hình như trước đây ĐCS từng áp dụng? Vì như ta thấy ở tựa bài, họ nói đến “kinh tế tập thể” nên ta có thể hiểu đó là loại hợp tác xã trá hình kiểu thời bao cấp.
Thế nhưng khi đọc vào bài viết, chúng ta thấy họ lại đề cập đến mô hình hợp tác xã trong thời kì kinh tế đa thành phần hiện nay. Mà như đã phân tích trên, mô hình hợp tác xã hiện nay là loại kinh tế tư nhân với xã viên làm chủ không phải là loại hợp tác xã trá hình với xã viên làm nô lệ như trước đây. Sự giống nhau tên gọi đã làm Bộ Chính Trị nhầm lẫn luôn bản chất. Điều này cho thấy Bộ Chính Trị chỉ thấy từ “hợp tác xã” là vơ ngay là chúng giống nhau tất. Từ đây chúng ta có thể thấy Bộ Chính Trị hoặc không nghiên cứu hoặc dốt quá nghiên cứu không ra. Với bản chất như vậy thì thử hỏi năng lực ở đâu mà họ có thể đưa đất nước đến với tiến bộ? Thật bất hạnh thay cho số phận của một đất nước!
Leave a Comment