“Hãy yêu nhau đi, bên đời nguy khốn“

- Quảng Cáo -

Pham Doan Trang|

Tôi không phải người có đức tin. Tôi không theo tôn giáo nào và cũng không bao giờ đọc giáo lý, kinh thánh hay sách về tôn giáo, tâm linh nói chung. Nhưng không hiểu sao tôi có một niềm tin rằng sự lương thiện và tình yêu là nền tảng cho sự tồn tại của thế giới.

Tôi nghĩ đất nước Việt Nam tồn tại cho đến nay cũng vì sự lương thiện (và ở chừng mực nào đó là tình yêu) vẫn còn sống.

Cho dù luật pháp không được thực thi, công lý như trò hề, và nền tảng đạo đức đã lung lay, sa sút từ hàng chục năm qua, vẫn tồn tại một thứ gọi là lương tâm xã hội. Đó là sự lên án của xã hội đối với cái xấu, cái ác, và khuyến khích, động viên các giá trị tốt đẹp. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trên không gian mạng, là diễn đàn duy nhất để người dân có thể lên tiếng (dù không phải hoàn toàn tự do, an toàn) ở Việt Nam hiện nay.

- Quảng Cáo -

Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự tồn tại của lương tâm xã hội. Cuối năm 2013, khi một xe chở bia gặp tai nạn, dân chúng đổ xô đến cướp bia. Ngay sau đó, hàng trăm comment trên Facebook lên án hành vi hôi của, đồng thời kêu gọi giúp đỡ tài xế Hồ Kim Hậu để anh đền cho công ty. Điều đó đáng quý, nhưng còn đáng quý hơn nữa là anh Hậu đã trả lại số tiền hỗ trợ hơn 220 triệu đồng, còn công ty cũng không bắt anh phải bồi thường.

Cộng đồng mạng cũng đã phê phán hành vi bẻ cành, cướp hoa tại các lễ hội hoa; lên án thủ phạm người lớn trong những vụ bạo hành trẻ em; ngăn chặn lối hành xử kém văn minh, phân biệt giàu nghèo, kỳ thị địa phương, v.v.

Tôi nhớ TS. kinh tế Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), vừa từ chức) từng nói với tôi rằng: “Dân chúng Việt Nam nhìn chung cũng rất thuần hậu, chất phác, nếu có lúc nào đấy đám đông manh động thì là cục bộ thôi. Chứ ai cũng vô cảm, độc ác, không lương tri cả thì chắc chắn xã hội sụp đổ”.

Nói một cách khác, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện vẫn là nền tảng, nhờ lương tâm xã hội vẫn còn.

Có thể tôi sai, hoặc tôi lý tưởng hóa thực tế. Nếu có ai đó nghĩ tôi đạo đức giả cũng được.

Nhưng tôi tin sự lương thiện và tình yêu sẽ tạo ra sức mạnh để cả cộng đồng có tên là Việt Nam thoát khỏi đại dịch do virus Corona gây ra.

Nói như thế không có nghĩa là quốc gia nào, dân tộc nào bị virus Corona tấn công thì họ đều gian ác, bất lương. Nhưng tôi nghĩ, xã hội nào mà sự lương thiện là nền tảng vững chắc, tình yêu thương và lòng nhân ái là tình cảm phổ quát, cái tốt lấn át cái xấu, thì cộng đồng ấy sẽ vượt qua đại dịch với ít tổn thương, thiệt hại hơn những nơi khác rất nhiều.

Những tuần vừa qua, chúng ta chứng kiến “dịch chửi” tràn lan, song hành cùng dịch nCovid-19. Người ta chia bè kết phái, công kích cá nhân, mỉa mai, miệt thị nhau nơi nơi, vì đủ các lý do, nhưng thường là đều có liên quan ít nhiều đến tình hình đất nước hiện nay. Người ta kết tội và chửi rủa những bệnh nhân “thiếu ý thức”, chê trách “Việt kiều hốt hoảng về nước tránh dịch”, phê phán những ai đi cách ly mà còn “chảnh chó, đòi hỏi”… Cái đáng nói là, ở đây đều là những cáo buộc do sự phán xét chủ quan mà có, chứ những nạn nhân kia có tội hay không cũng còn là điều gây tranh cãi.

Mùa dịch bệnh, thương nhau còn không hết, thù ghét nhau làm chi? Thời gian chăm sóc và bảo vệ gia đình, bạn bè người thân còn thiếu, lên mạng tấn công người khác làm chi?

Điều quan trọng hơn cả là: Những lời chỉ trích, những cảm xúc tiêu cực chỉ gây tổn thương chung và làm tất cả chúng ta yếu đi, với tư cách một cộng đồng./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here