Trân Văn – VOA
Ngày 18 tháng 3, tại Hội nghị toàn quốc để “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta đang đối diện với một “thử thách lớn” vì phải “nuôi ăn 104 triệu người”.
Tuyên bố vừa kể làm nhiều người giận dữ vì đó là bằng chứng cho thấy sự trịch thượng tới mức vô lối trong nhận thức của ông Phúc – đại diện những cá nhân đang đảm nhận vai trò lãnh đạo quốc gia. Thời nào, ở đâu các hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng chỉ được ủy nhiệm quản trị, điều hành và dân chính là đối tượng phải nuôi tất cả.
Có thể vì vậy, tờ Dân Trí đã sửa lại tựa bài tường thuật hội nghị vừa kể, từ “Thủ tướng: Thử thách lớn ‘nuôi ăn’ 104 triệu người” thành “Thủ tướng: Phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống” (1). Tuy nhiên một số người đã chụp lại tựa gốc, bài gốc và ảnh chụp vẫn còn được lưu trên ở nhiều nơi trên mạng xã hội (2).
Đó là chưa kể đã có một số người chỉ cho những người khác cách tìm lại dấu vết phát ngôn khuấy động dư luận của ông Phúc: Tuy đã sửa tựa, sửa bài để bảo vệ Thủ tướng nhưng Ban Biên tập tờ Dân Trí quên chỉ đạo sửa thẻ định vị bài tường thuật vừa kể trên website của Dân Trí, thành ra thẻ định vị vẫn còn tên “nuôi ăn 104 triệu người.
***
Cũng vào ngày 18 tháng 3, một người đồng nhiệm với ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, đã mượn Đài Truyền hình Quốc gia để tâm tình với người Đức về dịch viêm phổi Vũ Hán. Tuyen Nguyen – một người Việt cư trú tại Đức đã dịch, giới thiệu những tâm tình này trên facebook, đồng cảm với tâm trạng, tán thành các suy nghĩ, đề nghị của Thủ tướng Đức, nhiều facebooker, diễn đàn điện tử đã giới thiệu bản dịch của Tuyen Nguyen và kẻ viết bài này tin rằng mọi người nên xem qua…
Thưa toàn thể đồng bào,
Hiện tại virus Corona đã làm thay đổi cuộc sống trên đất nước chúng ta đến mức kịch tính. Khái niệm về sự bình thường, về cuộc sống nơi công cộng, về quan hệ xã hội – tất cả đều bị thách thức, một sự kiện chưa từng có trước đây.
Trong số các bạn, hàng triệu người không thể đi làm, trẻ em không thể đến trường hoặc nhà trẻ, rạp hát, rạp phim, cửa hàng phải đóng cửa và có lẽ điều khó khăn nhất là chúng ta không còn những cuộc gặp gỡ vốn dĩ là lẽ đương nhiên. Tất nhiên trong tình hình này mỗi người trong chúng ta đều đặt ra rất nhiều câu hỏi đầy lo âu, cuộc sống rồi sẽ tiếp tục như thế nào?
Hôm nay tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp bất thường vì tôi muốn nói với các bạn: Trên cương vị là Thủ tướng, tôi và các đồng nghiệp trong chính phủ liên bang ra chỉ thị gì trong tình huống này. Đó là một việc đương nhiên của một nền dân chủ công khai: Chúng tôi phải có những quyết định chính trị thật rõ ràng minh bạch và giải thích chúng. Chúng tôi phải biện luận cho quyết định của mình để tất cả có thể hiểu và đồng cảm.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ vượt qua thử thách này, nếu tất cả mọi công dân thực sự tuân thủ nghĩa vụ của họ.
Xin các bạn hãy để tôi trình bày: Tình hình rất nghiêm trọng! Các bạn cũng nên nghiêm túc nhìn nhận sự việc này. Kể từ ngày nước Đức thống nhất, không, từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai, chưa hề có thách thức lớn như thế này đối với đất nước chúng ta, nó bắt tất cả phải cùng nhau hành động.
Tôi muốn giải thích cho các bạn, chúng ta đang ở đâu trong đại dịch này, chính phủ liên bang và nhà nước phải làm gì để bảo vệ cộng đồng để giới hạn những thiệt hại về kinh tế, xã hội cũng như văn hóa. Nhưng tôi cũng muốn chuyển đến các bạn sứ mệnh, tại sao lại cần đến sự giúp đỡ của các bạn và mỗi một cá nhân riêng lẻ có thể đóng góp được gì.
Trước hết về đại dịch – tất cả những gì tôi nói với các bạn đều là kết quả của những cuộc họp thường trực giữa chính phủ liên bang với các chuyên gia của Viện Robert Koch, các nhà khoa học và những nhà vi trùng học khác: Toàn thế giới đang tập trung cao độ nghiên cứu, nhưng vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể cũng như vaccine.
Chừng nào chưa có kết quả cụ thể thì chỉ có một phương án duy nhất và đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành động của chúng ta: Phải kìm hãm bớt sự lây lan của virus, kéo dài nhiều tháng để câu giờ. Đó là thời gian đợi để có thể bào chế ra thuốc kháng và vaccine. Nhưng đó cũng là thời gian để những người đã nhiễm bệnh được chăm sóc tốt nhất.
Nước Đức có hệ thống y tế tuyệt vời, có lẽ là một trong những nước có hệ thống y tế tốt nhất thế giới. Điều đó có thể cho chúng ta niềm tin. Nhưng các bệnh viện của chúng ta sẽ hoàn toàn quá tải nếu trong một thời gian rất ngắn nhiều người bị nhiễm nặng virus Corona.
Đó không chỉ đơn thuần là những con số trừu tượng theo thống kê, mà đó chính là ông bà, cha mẹ hoặc bạn đời của bạn. Họ đều là những người cùng chúng ta sống trong một quần thể, mỗi con người, mỗi sinh mạng đều quý giá.
Nhân đây, trước hết, tôi muốn gửi đến tất cả các y bác sĩ, lực lượng chăm sóc hoặc bất cứ ai phục vụ và làm việc trong các bệnh viện, trong hệ thống y tế của chúng ta. Các bạn đang ở tuyến đầu của cuộc chiến. Các bạn là những người đầu tiên thấy bệnh nhân và những điều phức tạp trong việc lây nhiễm. Ngày nào các bạn cũng gặp những ca bệnh mới, các bạn luôn có mặt vì mạng sống của người khác. Công việc các bạn đang làm thật to lớn, tôi cám ơn các bạn bằng cả trái tim mình.
Tóm lại: Làm sao để con virus chậm lại trên con đường mà nó đang hoành hành ở nước Đức. Và như vậy chúng ta phải hạn chế đến mức tối đa giao tiếp xã hội cũng như cuộc sống nơi công cộng, coi đó như yếu tố sống còn. Tất nhiên với tất cả sự nghiêm túc và khả năng định lượng, bởi vì nhà nước vẫn hoạt động, hoạt động cung ứng đương nhiên vẫn tiếp tục bảo đảm và chúng ta cố gắng bảo đảm các hoạt động kinh tế càng nhiều càng tốt.
Tất cả những điều gây nguy hại cho con người, làm tổn hại đến cá nhân cũng như tập thể chúng ta phải giảm thiểu. Chúng ta phải hạn chế người này lây cho người khác ở mức quyết liệt nhất như có thể. Tôi biết rõ việc hạn chế này gây ra những hậu quả nghiêm trọng như thế nào: Không hội họp, không hội chợ trưng bày, không có các sự kiện văn hóa và trước hết đóng cửa trường học, trường đại học, nhà trẻ, không được chơi trên sân chơi. Tôi biết rõ việc đóng cửa này đã được liên bang và các tiểu bang đã thống nhất, làm tổn thương đến cuộc sống cũng như những điều đáng lẽ là đương nhiên của nền dân chủ trên đất nước chúng ta. Đó là những ngăn cấm chưa từng có ở Đức.
Các bạn hãy cho tôi được nhấn mạnh: Đối với những người như tôi, những người đã từng đấu tranh không mệt mỏi cho tự do đi lại thì những quy định hạn chế này chỉ có thể biện luận là điều bất đắc dĩ, không còn cách nào khác. Trong một thể chế dân chủ những quyết định như thế này không hề dễ dàng và chỉ có tính tạm thời. Hiện tại không thể bỏ được, chỉ vì mục đích cứu người.
Chính vì thế từ đầu tuần đến giờ việc kiểm soát biên giới và hạn chế nhập cảnh đối với một số nước láng giềng quan trọng đã có hiệu lực.
Đối với nền kinh tế, các hãng lớn cũng như các xí nghiệp nhỏ, các cửa hàng, quán ăn, người làm nghề tự do thì đây là thời kỳ rất khó khăn. Những tuần tiếp theo còn khó khăn hơn. Tôi hứa với các bạn: Chính phủ liên bang sẽ làm tất cả những gì trong khả năng cho phép để giảm bớt hậu quả về kinh tế và trước hết là giữ được chỗ làm việc. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động vượt qua thử thách to lớn này.
Tất cả các bạn có thể tin rằng, việc cung cấp lương thực thực phẩm sẽ được bảo đảm mọi lúc mọi nơi. Nếu một ngày trên kệ bày hàng không còn hàng thì sẽ được cung cấp ngay để bù lại. Tôi muốn nói với những người đi siêu thị một điều: Dự trữ là điều dễ hiểu như từ trước đến giờ vẫn xảy ra nhưng phải có chừng mực. Tồn trữ cứ như không bao giờ có lại nữa thật vô nghĩa và còn có nghĩa là ích kỷ không nghĩ đến người khác.
Các bạn hãy để cho tôi cám ơn những người mà từ trước đến giờ hiếm khi được nhận lời cảm tạ. Trong những ngày này, ai thu ngân hoặc bầy hàng lên kệ trong các siêu thị là những người thực sự vất vả. Cám ơn vì các bạn luôn làm việc vì đồng bào và đúng nghĩa là để giữ cho cửa hàng hoạt động.
Bây giờ tôi xin nói đến vấn đề mà tôi cho là khẩn cấp nhất: Tất cả các biện pháp nhà nước đưa ra sẽ thất bại nếu chúng ta không có một phương thức hiệu quả chống lại sự lây lan rất nhanh của virus: Đó chính là chúng ta! Virus tấn công không phân biệt ai nên tất cả mỗi cá nhân đều phải góp sức. Điều đầu tiên chúng ta phải nhìn nhận thật nghiêm túc rằng vấn đề chính hiện nay là gì. Không hoảng loạn, nhưng cũng đừng nghĩ rằng, anh này hay chị kia làm sao bị được. Không ai được đứng ngoài cuộc. Tất cả phải cố gắng hết mình.
Đại dịch đã cho chúng ta thấy: Chúng ta tuyệt vời như thế nào nếu ứng xử đầy trách nhiệm với người khác và qua đó hành động chung của chúng ta sẽ bảo vệ sinh mạng của chính mình, chúng ta sẽ mạnh lên.
Trách nhiệm là của tất cả mọi người. Chúng ta không thụ động chấp nhận sự lây lan của virus. Chúng ta có một cách chống: Chúng ta phải giữ khoảng cách với nhau. Lời khuyên của các nhà vi trùng học rất rõ ràng: Không bắt tay nhau, rửa tay thường xuyên và kỹ càng, đứng cách nhau ít nhất một mét rưỡi và tốt nhất không nên gặp những người lớn tuổi, vì đây là nhóm người nguy cơ bị nhiễm rất cao.
Tôi biết những đòi hỏi của chúng tôi gây phiền nhiễu. Chúng tôi muốn rằng đáng lẽ trong thời điểm khốn khó này con người phải gần gũi nhau hơn. Chúng tôi cũng biết sự ấm cúng giữa người với người là gần nhau hay được tiếp xúc với nhau. Nhưng hiện tại, làm ngược lại mới đúng. Tất cả phải thực sự hiểu điều này: Trong lúc này giữ khoảng cách với nhau là trách nhiệm giữ gìn cho nhau.
Thăm nhau với ý tốt, những chuyến đi không phải quá cần thiết đều có thể là những tác nhân lây bệnh và như vậy đừng để xảy ra. Có lý khi các chuyên gia nói: Ông bà và cháu trong thời điểm hiện nay không nên gần nhau. Ai tránh được những cuộc gặp mặt không cần thiết lúc này, tức là đã giúp những người hàng ngày đang phải chăm sóc các ca nhiễm trong các bệnh viện. Như vậy chúng ta đã cứu mạng sống của người khác. Đó là điều thực sự khó đối với nhiều người, và không nên sợ: Không ai sẽ bị bỏ mặc một mình, họ là những người có sự tin tưởng và đòi hỏi chính đáng được chăm sóc. Như một gia đình, với trách nhiệm xã hội, chúng ta sẽ tìm hình thức khác để giúp nhau.
Ngay từ bây giờ đã có nhiều hình thức sáng tạo để kháng lại virus và hậu quả xã hội của nó. Bây giờ đã có những cháu thu Podcast (hình và âm thanh) gửi cho ông bà để họ không cảm thấy cô đơn.
Tất cả chúng ta phải tìm cách để thể hiện cảm xúc và tình cảm: Dùng Skype, điên thoại, thư điện tử và có thể lại viết thư. Bưu điện cũng sẵn sàng chuyển thư. Bây giờ người ta đã nghe đến những ví dụ tuyệt vời về giúp đỡ những người lớn tuổi không thể tự đi mua sắm được. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ còn nhiều những việc đáng nói khác. Là một cộng đồng xã hội, chúng ta sẽ thể hiện việc không bỏ rơi một ai, không để ai cô độc.
Tôi kêu gọi các bạn: Hãy giữ nghiêm những quy định có hiệu lực trong thời gian này. Chính phủ sẽ liên tục kiểm tra để hiệu chỉnh kịp thời và bổ sung những gì cần thiết.
Tình hình thay đổi liên tục, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật và ứng xử phù hợp bằng những hình thức khác. Trong trường hợp đó, chúng tôi cũng sẽ lý giải rõ ràng.
Chính vì thế tôi cũng xin các bạn: Đừng tin những lời đồn đoán mà hãy tin vào những thông tin chính thức, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chúng ta là một thể chế dân chủ, không sống trong sự bắt buộc mà dùng sự chia sẻ kiến thức cũng như tôn trọng cộng tác. Đây là một nhiệm vụ lịch sử mà chỉ khi sát cánh cùng nhau chúng ta mới có thể vượt qua.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này. Nhưng con số nạn nhân mất mát như thế nào? Chúng ta phải mất bao nhiêu con người yêu quý? Câu trả lời phần lớn nằm trong tay chúng ta. Chúng ta quyết tâm cùng nhau hành động. Chúng ta chấp nhận những hạn chế về tự do vừa đưa ra và đoàn kết bên nhau.
Tình hình rất căng thẳng và chưa biết thế nào. Điều đó có nghĩa là: Nó phụ thuộc vào tính kỷ cương của mỗi con người, tuân thủ các quy định và thực hiện nó trong thực tế. Chúng ta phải thể hiện, dù việc như thế này chưa từng có tiền lệ, chúng ta hành động bằng trái tim và sự nghiêm túc để cứu người. Tất cả chúng ta đều phải có nghĩa vụ thực hiện, không có ngoại lệ, không trừ một ai. Hãy chú ý đến sức khỏe của bạn và người thân.
Cám ơn các bạn!
***
So với Đức, thời gian Việt Nam đối diện với dịch viêm phổi Vũ Hán dài hơn. Tuy số lượng người lây nhiễm, phải cách ly và tổn thất nhân mạng ít hơn nhưng tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán đối với kinh tế – xã hội của Việt Nam có lẽ không kém trầm trọng hơn. Tuy nhiên đã có viên chức hữu trách nào của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta thưa chuyện với đồng bào ta thẳng thắn, chân thành và tạo được sự tin cậy, đồng tình sâu rộng như thế?
Trước giờ, dân Đức vẫn dùng lá phiếu của chính họ để lựa chọn những người lãnh đạo quốc gia như bà Angela Merkel, hoặc loại bỏ những cá nhân bất xứng mà dịch viêm phổi Vũ Hán chính là một loại thước để đo tâm lực, trí lực, năng lực. Dân ta xem lá phiếu của chính mình như thế nào để đảng ta có thể nhận… ủy nhiệm mang tính vĩnh viễn, chủ động sắp đặt nhân sự lãnh đạo quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta và do vậy mà trở thành chủ quan đến mức có thể thản nhiên bảo rằng phải “nuôi ăn 104 triệu người”?
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/nguyenhuuvinh.basam/posts/212609069987996
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1069890673396217&id=100011258821919
Leave a Comment