Biện pháp kỷ luật mà Bộ Chính Trị vừa quyết định trong phiên họp ngày 20 tháng Ba vừa qua dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Phú Trọng đối với hai ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân về những sai phạm liên quan đến dự án Thủ Thiêm là quá nhẹ.
Ông Lê Thanh Hải chỉ bị phe ông Nguyễn Phú Trọng cách chức nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn nhiệm kỳ 2010-2015, trong khi vẫn được cho tiếp tục giữ chức nguyên Ủy viên Bộ chính trị ở hai nhiệm kỳ 2006-2010 và 2011–2016. Còn ông Lê Hoàng Quân thì chỉ bị cảnh cáo, vẫn giữ chức vụ nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Sài Gòn.
Trong đảng quy, đảng Cộng sản Việt Nam quy định biện pháp kỷ luật đối với một đảng viên gồm có 4 bậc từ thấp lên cao: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức và Khai trừ. Dựa theo 4 bậc này thì việc ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức – mà lại là cái chức đã bị thu hồi ông Hải không còn làm nữa, đó là nguyên bí thư thành ủy Sài gòn nhiệm kỳ 2010 – 2016, trong khi ông Hải vẫn còn giữ hàm ủy viên bộ chính trị, thì biện pháp kỷ luật này rõ ràng chỉ là làm cho lấy có mà thôi.
Trong các đảng Cộng sản nói chung và Việt Nam nói riêng, khi một đảng viên leo lên hàng trung ương đảng, thì mơ ước của họ là ngồi vào ghế ủy viên bộ chính trị và nếu phe nhóm của mình mạnh thì leo lên hàng Tứ trụ. Khi leo lên hàng Tứ trụ (Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội) thì ngoài những ưu đãi về quyền lực, khi qua đời còn được đảng tổ chức quốc táng và được cấp cho một số đất đai để làm “đền thờ” như đền thờ Trần Đại Quang ở Ninh Bình, đền thờ Phan Văn Khải ở Củ Chi, v.v.
Còn đối với những người thuộc hàng ủy viên bộ chính trị thì khi về hưu, mọi bổng lộc không có gì thay đổi. Nghĩa là khi còn làm việc hay khi đã nghỉ hưu vẫn được ở nhà của chính phủ nếu muốn, và mọi di chuyển, đi lại kể cả chăm sóc sức khoẻ đều được những ưu đãi đặc biệt.
Chính những bậc thang được quy định bổng lộc như vậy trong hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN, người ta không ngạc nhiên về kết quả kỷ luật đối với ông Lê Thanh Hải và trước đó là ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chỉ bị mức kỷ luật khiển trách trong vụ làm thất thoát 3000 tỷ đồng trong dự án đầu tư mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên do Trung Cộng đầu tư xây dựng.
Nhưng việc ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân chỉ bị kỷ luật nhẹ còn có một nguyên do khác, quan trọng hơn, đó là nhờ bóng của ông Trương Tấn Sang.
Trước khi được đưa vào hàng Tứ trụ trong vai trò Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016, ông Trương Tấn Sang giữ vai trò Thường trực ban bí thư, phụ tá cho Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, vì thế mà có nhiều triển vọng trở thành Tổng bí thư khi Nông Đức Mạnh về hưu trong nhiệm kỳ 2011-2016. Nhưng ông Sang bị rơi vào cuộc đấu đá quyết liệt với phe ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó đang là Thủ tướng về việc tranh nhau ghế Tổng bí thư. Cuộc chiến bất phân thắng bại, rốt cuộc ông Trương Tấn Sang đã ủng hộ để cho ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ Tịch Quốc Hội, lên làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 2011-2016 như là trái độn.
Khi lên làm Tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng rất cô thế và gặp rất nhiều áp lực từ phe Nguyễn Tấn Dũng nên đã phải hợp tác với phe Trương Tấn Sang và phe ông Đinh Thế Huynh – đang là Thường trực Ban bí thư, để chống lại phe ông Nguyễn Tấn Dũng bằng chủ trương chống tham nhũng. Cuộc chiến chống phe Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu bùng nổ từ năm 2012, khi ông Trọng lấy lại chức Chủ tịch phòng chống tham nhũng từ tay ông Nguyễn Tấn Dũng, thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương để giảm bớt quyền lực của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Những thay đổi quyền lực nói trên, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của ông Trương Tấn Sang vào lúc dó, một mình ông Nguyễn Phú Trọng khó thành công vì phe Nguyễn Tấn Dũng không những chiếm hầu hết ở các Bộ, trong Trung ương đảng mà còn có rất nhiều tiền để khuynh loát trong nội bộ. Lê Thanh Hải vốn là đàn em của Trương Tấn Sang từ lúc ông Sang làm Bí thư Thành Ủy Sài Gòn nhiệm kỳ 1996-2000, nên nhờ đó mà Lê Thanh Hải đã không những xây dựng quyền lực của mình trong Thành ủy, mà còn trở thành lãnh chúa Sài Gòn từ năm 2006 khi bước lên ghế Ủy viên Bộ chính trị nhiệm kỳ XI (2006–2011) và nhiệm kỳ XII (2011-2016).
Một điều dị thường khác đối với ông Nguyễn Phú Trọng là từ lúc lên làm Tổng bí thư khóa XI và khóa XII, hầu như không lần nào ông đặt chân đến sinh hoạt các đảng bộ tại Sài Gòn nói riêng và ở miền Nam nói chung. Ông Trọng chỉ đến Sài Gòn vài lần để dự ngày lễ kỷ niệm 30 tháng Tư, và một lần sau cùng là đến Kiên Giang – nơi ông đã bị đột quỵ vào ngày 17 tháng Tư, 2019.
Với một Tổng bí thư không hề đặt chân đến miền Nam, nhất là Sài Gòn, thì làm sao ông Trọng có thể hiểu rõ được những sai trái của cán bộ đối với các dự án phát triển Thủ Thiêm, cùng những tai họa mà hàng ngàn dân oan tại vùng đất này phải gánh chịu. Mà nếu ông Nguyễn Phú Trọng có muốn thọc tay vào giải quyết rốt ráo cũng không được vì sẽ phải đối đầu lại những người đã từng giúp ông Trọng dành lấy quyền lực trong cuộc chiến với phe Nguyễn Tấn Dũng.
Kết cuộc Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân đã không trở thành củi vì phe Nguyễn Phú Trọng không dám đụng đến băng đảng Lê Thanh Hải – Trương Tấn Sang, trong lúc chuẩn bị nhân sự đại hội 13./.
Leave a Comment