Như vậy là sau vụ cô Nguyễn Hồng Nhung bị nhiễm thì hôm nay Việt Nam đã có ca nhiễm thứ 18. Thực ra việc xuất hiện ca nhiễm mới không có gì là bất ngờ vì Việt Nam đang ở sát nách Trung Cộng, và đồng thời việc giao thương của Việt Nam hiện nay là khá rộng, dễ dàng đi khắp thế giới. Trong tình huống này thì sự bình tĩnh của mọi người sẽ khiến cho chính quyền dễ dàng hơn trong công tác đối phó với dịch bệnh, và cũng chính sự bình tĩnh nó cũng giúp ta an toàn hơn. Xin đừng hốt hoảng!
Mọi người cần chú ý, sự hoảng loạn sẽ đưa đến những việc làm thiếu suy nghĩ chứ không ích lợi gì cả. Như ta biết, ngay khi có thông tin cô Nguyễn Hồng Nhung bị dương tính thì cả khu phố cô đang sống lại chọn cách chạy trốn sự cách li. Cách li có gì đáng sợ mà mọi người phải chạy trốn? Việc cách li ít nhất có 2 cái lợi: thứ nhất, cách li là để hạn chế việc lây lan; thứ nhì, cách li là để phát hiện kịp thời những ai lây nhiễm. Mà như ta biết, việc phát hiện kịp thời nó sẽ quyết định đến sự sống chết của bệnh nhân, vậy tại sao phải chạy trốn cách li?
Thời gian ủ bệnh khoảng 14 ngày thì ta chấp nhận cách li 14 ngày. Sự thiệt hại về kinh tế trong 14 ngày ấy nói cho cùng nó còn rẻ hơn là việc nhiễm bệnh mà phát hiện muộn. Mạng sống là vô giá nên không thể đem sự thiệt hại tiền bạc ra cân đo đong đếm với nó được. Vì thế nên điều quan trọng là mọi người hãy bình tĩnh và chấp nhận biện pháp dập dịch của chính quyền đưa ra.
Nếu bạn bị nhiễm nhưng chưa có triệu chứng, bạn chọn cách chạy trốn thì khi bệnh bùng phát bạn có can đảm tiếp tục chạy trốn tiếp không? Nếu đã có bệnh mà tiếp tục chạy trốn thì không những bạn đã gieo mầm bệnh ra cho người thân, gieo bệnh ra cộng đồng và đồng thời nó làm cho bệnh tình của bạn trở nên quá muộn. Mà như ta biết, thời gian nó quan trọng với người nhiễm bệnh như thế nào không? Chỉ cần có đúng một từ “kịp thời” thì đủ giành lấy mạng sống của bạn khỏi tay tử thần rồi. Vậy tại sao phải trốn chạy để nhận lãnh hậu quả nhỉ?
Một anh chàng thiếu suy nghĩ đang đi giữa sa mạc, vì cơ thể bị vã mồ hôi nên anh ta nảy ra ý định trốn chạy khỏi nắng trời. Nói là làm. Anh ta chạy khắp nơi để tìm bóng râm, nhưng hỡi ôi chạy cả buổi mà chẳng thấy một bụi cây nào cả. Cuối cùng, anh ta đã chết vì kiệt sức. Còn những người khác, thay thì chạy trốn họ bình tĩnh tìm ngay trong hành lý của mình những dụng cụ có thể chống nắng, và họ cũng đến được đích an toàn.
Vâng! Những gì khi đã không thể tránh được thì sự bình tĩnh có thể giúp ta lướt qua cơn đại họa. Vì nền giáo dục tồi mà sinh ra ý thức kém. Nhưng nói cho cùng thì nay là thời của internet, chúng ta có thể học hỏi những điều hay từ internet để cải thiện bản thân mình thành con người có ý thức tốt kia mà? Trong giao thông, khi một chiều bị kẹt thì người Việt có xu hướng chèn xe qua chiều ngược lại để đi “cho nhanh”. Thế nhưng vì ý thức kém và sự thiển cận mà cả 2 chiều lưu thông đều bị kẹt cứng vì chính hành động “cho nhanh” ấy. Và tất nhiên là tất cả đều bị chôn chân tại chỗ.
Hốt hoảng làm gì? Và tranh thủ làm gì khi mà chúng ta không thể tránh? Một lần nữa việc dọn nhà chạy trốn sự cách li của dân Việt đã cho thấy sự thiển cận nguy hiểm ấy. Rất có thể sự thiển cận này sẽ biến Việt Nam thành ổ dịch thứ 2 như Trung Cộng. Và đến lúc đó bạn chạy đi đâu? Hay lúc đó bạn đã xanh cỏ và để lại cho xã hội một hậu quả khủng khiếp? Lời khuyên là hãy bình tĩnh, nếu có nhiễm thì phải tuân thủ việc cách li, đấy là cách an toàn nhất cho bản thân và cho cả cộng đồng. Hoảng loạn chẳng ích gì cả.
-Đỗ Ngà-
Link: https://vnexpress.net/…/ca-nhiem-ncov-thu-18-o-viet-nam-406…
Leave a Comment