Quyền không tham gia Mặt trận Tổ quốc

- Quảng Cáo -

Nguyễn Nam (VNTB)|

Một vị thượng tọa thuộc tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chia sẻ với người viết rằng khi nào mà chính quyền bãi bỏ quy định tổ chức tôn giáo phải là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì khi ấy mới tạm gọi là bắt đầu có nhân quyền trong lãnh vực tôn giáo.

Mặt trận Tổ quốc là một ‘hòa đồng tôn giáo’ dưới sự lãnh đạo chung của Đảng?

Trong một bản tin phát trên kênh VTV ngày 26/9/2014 về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, có nội dung rằng, một trong những điểm mới của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 là việc tập hợp, quy tụ được đại biểu của 13 tôn giáo được công nhận tại Việt Nam tham dự Đại hội. Các đại biểu của các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, đạo Hồi, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… sẽ cùng các tổ chức chính trị xã hội, các dân tộc, giai cấp tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng, phát triển mái nhà chung đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Quảng Cáo -

Khi ấy, theo báo chí, Hòa thượng Thích Thiện Tâm (1928-2017), phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhận xét: “Mặt trận Tổ quốc là mái nhà chung để đoàn kết trong tôn giáo mình và các tôn giáo. Tôi thấy vai trò của Mặt trận rất cao quý”.

Nhiệm kỳ đại hội đó là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Về lý thuyết, theo điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì đây “là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, điều 4 của Hiến pháp ghi rằng ở Việt Nam chỉ có một đảng chính trị, và đảng đó giữ quyền lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Ở điều 4 mang tên “Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã trao cho Mặt trận Tổ quốc quyền ‘tập hợp’ và ‘giám sát’ các tổ chức tôn giáo.

Chuyện ‘giám sát’ thì không mấy ngại ngần, nhưng ràng buộc kiểu ‘tập hợp’ các tổ chức tôn giáo với yêu cầu là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lại cho thấy đây là một hình thức của bắt buộc các tôn giáo phải tham gia chính trị, và việc tham gia này được yêu cầu là phải ủng hộ thể chế chính trị hiện tại, vì đây là một Hiến định. “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” đang là phương châm bắt buộc của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, là một ví dụ.

Nhân quyền trong tôn giáo là gì?

Từ chuyện EVFTA vừa được ký kết với nhiều kỳ vọng về nhân quyền ở Việt Nam sẽ được củng cố thực thi đầy đủ hơn, cho thấy riêng về việc các tổ chức tôn giáo cũng cần đến sự tôn trọng về các quyền trong tham gia vào Mặt trận Tổ quốc, hay việc gia nhập hoặc rời bỏ một tổ chức chung nào đó như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR), một số khía cạnh liên quan đến nội dung Điều 18 ICCPR sau đó được Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc làm rõ thêm trong Bình luận chung số 22 (được thông qua tại phiên họp lần thứ 48 của Ủy ban năm 1993), với các nội dung chính như sau (trích): “Kể cả khi một tôn giáo, tín ngưỡng được coi là hệ tư tưởng chính thức trong hiến pháp, điều lệ, tuyên ngôn của các đảng cầm quyền, hay trong hoạt động thực tiễn thì nó cũng không được dẫn đến việc vô hiệu hóa các quyền và tự do theo Điều 18 hay bất cứ các quyền khác được ghi nhận trong Công ước, cũng như không được tạo ra sự phân biệt đối xử đối với những người không chấp nhận hoặc phản đối tư tưởng đó”.

Như vậy, trở lại với ý kiến của vị thượng tọa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thì nếu như vào năm 1981, vì nhiều lý do khác nhau, hàng ngũ giáo phẩm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đồng ý về chính sách của nhà nước, trong thành lập một tổ chức mới mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc, để rồi sau này nhiều vị giáo phẩm nhìn nhận lại và tuyên bố rời bỏ tổ chức chung ấy, thì đó là một quyền cần phải được tôn trọng.

Trong quá khứ, khi các lãnh đạo tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố rời Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thì theo tài liệu cho biết, ngày 24 tháng 2 năm 1982, UBND TP.HCM ra Quyết định trục xuất hai Hoà thượng Thích Huyền Quang (1919 – 2008), Thích Quảng Độ (1928 – 2020) về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, chùa Ấn Quang là trụ sở của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cưỡng chiếm. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết. Mất trụ sở và nhân sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngưng trệ mọi hoạt động.

Giờ là năm 2020 với chuyện Việt Nam đã cam kết thực thi về nhân quyền ở rất nhiều các thỏa thuận về hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương, mà mới nhất là EVFTA.

Liệu mai đây nhà nước Việt Nam có chấp nhận về mặt thủ tục hành chính, một tổ chức tôn giáo vốn đã hình thành trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo năm 1963 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tôn chỉ về nhân quyền theo đúng cách hiểu Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 (UDHR)?

Thay lời kết

Trên nguyên tắc pháp lý thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn, bởi vì giáo hội không đặt sự tồn tại của mình trong nguyên lý cá biệt, mà đặt sự tồn tại của mình trong lòng dân tộc và nhân loại. Điều này có nghĩa dân tộc Việt Nam còn thì giáo hội còn, nhân loại còn thì giáo hội còn, nhưng còn như thế nào là tùy thuộc vào tài năng lãnh đạo của từng vị trong từng giai đoạn.

Điều này cũng đúng với các tôn giáo khác không đồng ý ‘dưới trướng’ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và họ đang có nhiều tên gọi, như Cao Đài Chơn truyền, Cao Đài Độc Lập, Hòa Hảo Chơn Truyền, Hòa Hảo Độc Lập, Tin Lành Chuồng Bò… Thậm chí đã vài năm nay đã có một tổ chức gọi là Hội Đồng Liên Tôn Giáo tại Việt Nam, bao gồm các tôn giáo không là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here