nguyenvandai’s blog – RFA
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19), Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước”.
Vậy loại “virus trì trệ” mà Nguyễn Xuân Phúc đề cập ở đây được biểu hiện như thế nào trong nền kinh tế? Xin trích dẫn các số liệu từ bài báo “Nhận diện “virus trì trệ” trong nền kinh tế” của tác giả Lương Bằng:
“Chặng hạn với Dự án nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải sốt sắng báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi hơn 1,5 năm nay, chủ trương đầu tư của dự án chưa được UBND tỉnh Đồng Nai xem xét quyết định. Sự việc cấp bách đến nỗi ngày 29/11/2019, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo quá trình triển khai các thủ tục và xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án, nhưng hết tháng 1/2020 tỉnh Đồng Nai vẫn chưa phản hồi.
Còn dự án nhiệt điện Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang ở trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, đến nay vẫn phải chờ cơ chế chính sách để “giải cứu” khi nhiều nội dung đã vượt tầm của tập đoàn, của bộ.
Nhiều dự án khác đang “đứng hình” cũng nằm ở trạng thái chờ chính sách giải nguy như Long Phú 1, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2…
Có doanh nghiệp sốt ruột khi muốn đầu tư vào sân golf mà phải dừng lại vì những cơ quan chức năng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tạm dừng thẩm định hồ sơ dự án vì thiếu cơ sở pháp lý.
Trong lĩnh vực đầu tư công, việc chậm giải ngân đã trở thành vấn đề nóng bỏng trong 2 năm gần đây. Sau nhiều biện pháp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cũng chỉ dừng lại ở con số thấp. “Đến ngày 31/12/2019 giải ngân vốn đầu tư phát phát triển nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 62,94% dự toán, ước đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán giải ngân đạt 73-75% dự toán”, đó là số liệu nêu trong báo cáo chính thức của Bộ Tài chính.
Đó là tỷ lệ giải ngân thấp đến báo động, bất chấp việc Bộ Tài chính định kỳ công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; rồi có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán vốn đầu tư. Chính phủ cũng tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tình hình giải ngân vốn đầu tư năm 2019 tại các bộ và địa phương. Nhưng vốn đầu tư công vẫn chảy nhỏ giọt vào nền kinh tế trong khi không ít trong số đó vẫn phải trả lãi vay.
Còn việc cổ phần hóa doanh nghiệp cũng rất chậm chạp, vài năm nay không cải thiện là bao. Bộ Tài chính cho biết: Năm 2019 chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn rất chậm. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa.
Lũy kế từ năm 2017 đến nay, có 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28%); số còn phải cổ phần hóa theo kế hoạch là 92 doanh nghiệp (tương ứng 72%).”
Đó chỉ là một vài ví dụ nêu lên về tình trạng trì trệ trong nền kinh tế dưới sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam.
Nhưng có phải chỉ có loại “virus trì trệ” hay còn những loại virus nào khác trong hệ thống chính trị của chế độ cộng sản?
Thực tế đã chứng minh rất rõ ràng rằng loại “virus trì trệ” cùng với các loại “virus cửa quyền, hách dịch”, “virus sợ trách nhiệm”, “virus tham nhũng”,…, đều được sinh ra từ loại “virus cộng sản”. Đây không chỉ là loại virus nguy hiểm nhất đối với đất nước Việt Nam mà với cả thế giới.
Nhân dân Việt Nam đừng bao giờ tin rằng chính quyền cộng sản có thể chống được các loại virus “trì trệ”, “cửa quyền, hách dịch”, “sợ trách nhiệm”, “tham nhũng”,…
Leave a Comment