RFA có buổi phỏng vấn với ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu về tờ trình gửi Liên minh Châu Âu về Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam.
RFA: Liên quan đến việc Tờ trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gửi Liên minh Châu Âu về Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, HRW đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam cần được đề cập:
1) Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị;
2) Tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại;
3) Ngăn chặn quyền tự do thông tin;
4) Đàn áp quyền tự do tôn giáo;
5) Nạn bạo hành của công an.
Ông có thể giải thích vì sao chọn ra những ưu tiên này?
Phil Robertson: Việt Nam có một lịch sử về đàn áp về nhân quyền. Điều chúng tôi muốn kêu gọi EU là yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền và dùng đó làm điều kiện cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Chúng tôi liên tục kêu gọi trì hoãn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, nhưng đáng tiếc rằng điều đó đã không xảy ra vào tuần vừa rồi khi Nghị viện Châu Âu quyết định phê chuẩn thỏa thuận đó.
Chúng tôi nghĩ rằng những ưu tiên mà chúng tôi đặt ra trong tờ trình đến EU phản ánh thực tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; Việt Nam giam cầm một số lượng tù nhân chính trị đáng hãi hùng. Trên thực tế, khi nhìn xung quanh khu vực Đông nam Á, thì rõ ràng Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Khi nói đến sự đàn áp tự do ngôn luận, điều chúng tôi thấy là những tấn công trực tuyến nhắm vào các nhà hoạt động, những người tổ chức các cuộc gặp công khai thường bị côn đồ đánh đập. Đó là vấn đề về lập hội và những hạn chế trong việc thành lập các tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền.
Khi xem xét luật an ninh mạng thì chúng ta thấy có sự kiểm soát quyền tự do thông tin. Hơn thế nữa, còn có sự đàn áp quyền tự do tôn giáo. Tất cả những điều này đều là những ưu tiên cần được đề cập và giải quyết.
Và tất nhiên, còn có nạn bạo hành của công an Việt Nam khi chúng ta thấy là họ dùng sử dụng biện pháp tra tấn có hệ thống họ bắt giữ người.
RFA: Những điều khoản 109, 116, 117, 118 và 331 đã được sử dụng để giam cầm người dân vì đã biểu tình trong hòa bình, lập hội, có bất đồng chính kiến với chính phủ, và liên quan đến các hoạt động tôn giáo. Vì sao HRW cần Việt Nam sửa đổi những điều khoản này?
Phil Robertson: Đây là những quy định họ tự gọi là luật an ninh quốc gia mà chính phủ Việt Nam liên tục sử dụng để trừng phạt người dân khi họ thực hiện quyền dân sự và chính trị của mình và những người lên tiếng bất bình trước những hành động của chính phủ, như về tham nhũng. Họ sử dụng tiếng nói của họ để yêu cầu cải cách luật pháp và đây không phải là những hành động vi phạm luật hình sự.
Trên thực tế, việc hình sự hóa những vấn đề này rõ ràng đi ngược lại nghĩa vụ của Việt Nam vốn là một quốc gia đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Việt Nam tự tuyên bố rằng họ không hề lạm dụng quyền con người, vì những hành động của họ điều dựa theo luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, theo cơ bản mà nói thì bộ luật Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy Việt Nam cần sửa đổi luật lệ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua. Hoặc Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật ấy, bởi sự tàn nhẫn của nó thì không thể sửa đổi. Những điều luật đó phải được đưa ra khỏi bộ luật hoàn toàn.
RFA: Về trường hợp của Phạm Chí Dũng, một nhà báo Việt Nam bị giam giữ và buộc tội vì đã đề cập với Nghị viện châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam, phải chăng có ranh giới nào giữa việc lên tiếng chống lại chính phủ với hội đồng quốc tế và vi phạm an ninh quốc gia?
Phil Robertson: Vấn đề ở đây là chính phủ Việt Nam có thể quy bất cứ lời nói hoặc hành động của cá nhân nào vào việc vi phạm pháp luật và đưa nó vào luật hình sự. Trong trường hợp này, ông ấy đã kêu gọi Liên Minh châu Âu gây sức ép đòi hỏi cải thiện về nhân quyền đối với Việt Nam trong hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam. Ông ấy nên được cảm ơn thay vì bị cầm tù.
Trên thực tế, trước hành động giam cầm đối với ông Dũng của chính phủ Việt Nam, người đứng đầu Nghị viện Châu Âu đã viết thư cho Việt Nam yêu cầu cho một lời giải thích và cũng yêu cầu trả tự do cho ông ấy. Tuy nhiên, phản hồi của Việt Nam lại rất xúc phạm. Điều đó đáng lẽ cũng đủ khiến cho EU xem xét lại, nhưng thật đáng tiếc, một số quốc gia trong EU chỉ quan tâm đến việc kinh doanh thay vì phải đứng lên vì quyền con người.
RFA: Còn về việc yêu cầu sửa đổi điều khoản 74 và 173 cho phép quyền được hỗ trợ pháp lý cho tất cả những người bị giam giữ thì sao?
Phil Robertson: Cách hành xử của Việt Nam đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia là không cho phép người bị bắt giam có quyền được luật sư hỗ trợ. Cơ bản mà nói thì hành động đó đã vi phạm quyền được xét xử công bằng và minh bạch. Tòa án Việt Nam hoàn toàn bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam, nên quyết định kết tội đã được đưa ra trước khi bị cáo ra tòa. Ở mức tối thiểu nhất, họ nên có quyền được đại diện bởi luật sư ngay lúc bị bắt giam. Những gì chúng ta thấy được là những tù nhân thường bị công an Việt Nam tra tấn; họ bị đánh đập và bạo hành ép buộc thú nhận tội.
Toàn bộ quá trình điều tra được hoàn thành trước khi luật sư thậm chí có cơ hội tiếp cận họ. Những gì chúng ta đã thấy, hết lần này đến lần khác, là các nhà hoạt động xã hội liên tiếp bị công an Việt Nam tra tấn. Họ đã bị đánh đập và bắt thú nhận rằng họ đã làm điều gì đó vi phạm pháp luật. Nếu họ được tiếp cận với luật sư và gia đình mình ngay khi bị bắt, thì tình trạng trong khi bị giam giữ của họ sẽ được kiểm chứng. Điều đó có thể sẽ giúp làm giảm các trường hợp bị tra tấn bởi công an và chính quyền.
RFA: Ông có nghĩ rằng bộ Luật Lao động vừa được sửa đổi gần đây đáp ứng các điều kiện tiên quyết được đưa ra trong các thỏa thuận thương mại với EU không?
Phil Robertson: Tôi nghĩ rằng việc sửa đổi bộ Luật Lao động là bước đầu tiên, nhưng Chính phủ Việt Nam đang có ý đồ. Một mặt thì bảo sẽ cho phép thành lập công đoàn tự do theo dự luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng trên thực tế, ý đồ của Chính phủ Việt Nam là buộc các công đoàn phải xin chính quyền để được cấp phép thành lập. Theo tôi, Việt Nam phải có một quyết định thiết thực để cho phép người lao động thành lập công đoàn riêng, được tự do lựa chọn công đoàn và có quyền quyết định sự liên kết giữa công đoàn mình với bất kỳ tổ chức hay liên đoàn lao động nào khác.
Thêm nữa, phải cho phép người lao động được đặt ra các thỏa thuận hoặc đình công nếu cần thiết. Đây là những điều khoản cơ bản về luật lao động, nhưng lại không được đề cập đến trong lần cải cách bộ Luật Lao động của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nói rằng họ đang mở cửa, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn luôn bảo thủ, kiểm soát tình hình.
RFA: Vậy chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trước khi thỏa thuận thương mại đi vào hiệu lực?
Phil Robertson: Luật Lao động cần tiếp tục được cải cách, vì lần sửa đổi vừa rồi không có hiệu quả. Chính phủ Việt Nam cần biết rằng, đúng là họ đã đi được một quãng đường, nhưng đích đến của quyền tự do thành lập công đoàn cho người lao động Việt Nam vẫn còn rất xa.
RFA: Ông có nghĩ Luật An ninh mạng ở Việt Nam được thông qua vào năm ngoái vẫn còn đáng quan ngại?
Phil Robertson: Dĩ nhiên rồi! Luật An ninh mạng thông qua được Chính phủ Việt Nam dùng để đàn áp các nhà hoạt động xã hội và gây áp lực với các công ty như Facebook. Facebook đã bị chỉ trích rất nhiều khi gỡ bỏ nội dung tại Việt Nam, nhưng đó là do họ liên tục chịu áp lực từ chính quyền Việt Nam. Họ phải tuân thủ các lệnh của chính phủ Việt Nam. Thực tế mà nói thì những nội dung bị gỡ bỏ không hề vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng do Facebook đặt ra, nhưng chính phủ lại cho rằng những nội dung này vi phạm luật an ninh quốc gia hoặc trái với lịch sử Việt Nam, hoặc bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Chính phủ Việt Nam viết ra một bộ luật mập mờ chủ yếu để cấm những nội dung như vậy.
RFA: Theo ông, luật này cần được sửa đổi thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế?
Phil Robertson: Không hề có cam kết sửa đổi luật an ninh mạng từ chính phủ Việt Nam. Theo cơ bản, phần lớn của bộ luật này cần được bãi bỏ, nhất là khi nói về nội dung bị cấm, như nội dung chống lại đảng, chính phủ, hay hình ảnh của các nhà lãnh đạo. Người dân cần được quyền tự do lên tiếng phê phán chính phủ. Chính phủ Việt Nam nên đổi tên luật này thành luật kiểm soát mạng thay vì là luật an ninh mạng.
RFA: Việt Nam cần phải làm gì để chấm dứt nạn bạo hành của công an?
Phil Robertson: Như tôi đã đề cập trước đó, trước hết người dân cần có quyền được đại diện bởi luật sư ngay khi bị bắt giam và được tiếp cận với gia đình mình để nhìn thấy tình trạng bị giam giữ thế nào. Luật sư và gia đình cần được cho phép vào thăm những lần sau đó để tiếp tục theo dõi tình hình. Thêm nữa là cần phải đưa những công an đã tra tấn tù nhân ra pháp luật, vì đã có quá nhiều tình trạng công an đánh đập và tra tấn tù nhân. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã chết khi bị giam giữ bởi công an. Những công an tham gia đánh đập và gây ra cái chết của các nạn nhân phải bị trừng phạt chứ không phải được chuyển đi nơi khác hoặc đưa ra khỏi ngành.
Thực tế cho thấy, công an Việt Nam tự biết họ không phải lo sợ trách nhiệm khi tra tấn tù nhân, dù đó là tù nhân chính trị hay thường dân. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có đưa ra một báo cáo năm 2014 đề cập đến nhiều trường hợp tra tấn chết người của công an Việt Nam do vi phạm giao thông hay một vi phạm nhỏ nào khác. Có một thanh niên khoảng 21 hoặc 22 tuổi, khỏe mạnh nhưng lại chết trong trại giam sau khi bị bắt. Chính quyền sau đó đưa ra những lý do rất khó tin như suy gan hay bệnh tim, nhưng trong thực tế thì họ đã bị đánh đến chết.
Phải chấm dứt những hành động như vậy. Chính người dân là cấp trên của công an, chứ không phải Đảng. Việt Nam cần phải có một cuộc cải cách bộ ngành công an từ trên xuống dưới để có thể đưa những hành vi như thế này ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
RFA: HRW đã rất tích cực trong việc kêu gọi cải thiện thành tích nhân quyền từ chính quyền Hà Nội, nhưng trong thực tế những kêu gọi đó đã bị lờ đi. HRW sẽ làm gì để giúp đòi hỏi quyền cho người dân Việt Nam cũng như ở những nơi khác?
Phil Robertson: Đòi hỏi về nhân quyền của chúng tôi không bị phớt lờ, mà liên tiếp bị tấn công bởi chính phủ Việt Nam 24/24. Chúng tôi đã bị tấn công bởi các ấn phẩm khác nhau vào tuần trước. Thật ra, Chính phủ Việt Nam đang rất tức tối khi biết rằng chúng tôi giám sát tình hình nhân quyền nước họ rất chặt chẽ và luôn đòi hỏi phải tuân thủ theo luật quốc tế. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa Chính phủ Việt Nam ra Hội đồng Nhân quyền và các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, chúng tôi sẽ gây áp lực buộc Mỹ, EU và các nước có cùng lập trường phải yêu cầu Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình nếu muốn tiếp tục quan hệ đối tác giữa các bên.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á và chính phủ nước này cần phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu không cam kết cải thiện.
Nguồn: RFA
Leave a Comment