Khoa trưởng ĐH Harvard đã bí mật hợp tác với Trung quốc như thế nào?
Tòa án Liên bang Hoa Kỳ bắt đầu xử vụ án ngày 3/2/2020. Theo SCMP, cáo buộc của công tố viên là: Giáo sư Charles Lieber, Khoa trưởng khoa Hóa-Sinh của Đại học Harvard danh giá nhất Hoa Kỳ, bị buộc tội nói dối và che giấu mối quan hệ với Trung Quốc. Cáo buộc cho thấy: ông đã nhận lương tháng (50 ngàn USD cùng hơn 150 ngàn chi phí hoạt động hàng tháng cùng 1,5 triệu USD để bắt đầu một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Vũ Hán).
Đây là một MẶT TRẬN MỚI, Kei Koizumi, một nhà tư vấn khoa học và cố vấn khoa học và công nghệ cho Nhà Trắng trong chính quyền Obama nói.
Chính quyền Trump đang áp dụng các chiến thuật ngày càng tích cực chống lại hành vi trộm cắp bí mật công nghệ qua việc bắt giữ một giáo sư nổi tiếng thế giới và tiến hành hàng loạt cuộc điều tra vào các trường đại học hàng đầu.
Andrew Lelling, luật sư của quận Massachusetts, đã nói với báo chí rằng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc điều tra vào các trường đại học và cao đẳng hàng đầu HK vì có một số liệu (chưa công bố) là các nơi này đã nhận khoảng 6,5 tỷ USD là quà tặng từ nước ngoài (phần lớn từ Trung Quốc và các quốc gia khác) và điều này là vi phạm luật liên bang.
Theo cáo trạng hình sự, Lieber nhận tiền lương tháng và nhận cả hơn 1,5 triệu đô la Mỹ để bắt đầu một phòng thí nghiệm tại Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT). Việc trả tiền được thông qua vỏ bọc là một Kế hoạch tuyển chọn các nhà khoa học nước ngoài có tên “Một nghìn tài năng” được Bắc Kinh đưa ra từ năm 2008.
Các nhà phân tích pháp lý cho biết có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy GS Lieber, tác giả của hơn 340 bài báo được in trên các tạp chí khoa học thế giới đã cố tình che giấu các liên kết và tài trợ từ Trung Quốc dành cho mình, LS Lelling nói.
Theo cáo trạng, việc thanh toán diễn ra như sau: ông nhận một nửa số tiền ở Mỹ, bằng USD và giữ phần còn lại ở nước ngoài trong tài khoản ở ngân hàng Trung Quốc. Bằng chứng: thư của người liên lạc từ ĐH Vũ Hán đã viết cho ông năm 2017 “Chúng tôi sẽ giúp bạn đổi tiền mặt cho bạn khi bạn đến Vũ Hán”..
Cáo trạng cũng cho biết thêm: Lieber đã không nhìn nhận rằng ông đã làm việc cho Bắc Kinh từ 2012, khi báo cáo với ĐH Harvard vào năm 2018 và cũng nói vậy với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Sau khi ông cam kết không làm việc với Bắc Kinh, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã cấp cho ông và tổ chức nghiên cứu tại khoa của ông khoản tài trợ 15 triệu USD.
“Tôi đã mất rất nhiều đêm không ngủ được vì lo lắng về tất cả những điều này…” ông Lieber đã viết cho một cộng sự nghiên cứu vào năm 2018.
Bị buộc tội, một tội nghiêm trọng là: khai báo sai với các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, Lieber phải đối mặt với án tù 5 năm và mức phạt tối đa là 250.000 USD.
Lieber là nhà khoa học có vị trí cao nhất bị bắt giữ, đến nay.
Vào ngày 28 tháng 1, khi bắt GS Lieber, Bộ Tư Pháp HK tuyên bố ông ta là một trong ba người từ Boston phải đối mặt với các cáo buộc liên quan Trung Quốc. Hai người còn lại: một nhà nghiên cứu ung thư tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess và một cựu sinh viên tại Đại học Boston (BU).
Sinh ra và được đào tạo tại Hoa Kỳ, Lieber là thành viên của cả hai học viện khoa học và y học cấp quốc gia của Hoa Kỳ. Làm việc tại Harvard từ năm 1991, ông đã đi tiên phong trong công việc tổng hợp hóa học các dây nano và sự kết hợp của chúng vào các thiết bị khác nhau, từ bóng bán dẫn đến bộ phát sáng và cảm biến. Gần đây nhất, phòng thí nghiệm của ông đã phát triển các lưới dây nano mềm, dẻo có thể được tiêm vào não hoặc võng mạc của động vật và có thể “tháo rời” ra và quấn quanh các tế bào thần kinh, sau đó có thể nghe lén thông tin liên lạc (như) điện giữa các tế bào. Từ năm 2011, ông bắt đầu hợp tác với Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) tại Trung Quốc. Và mối quan hệ này có thể là trung tâm của những vi phạm bị cáo buộc của ông.
Vụ bắt giữ Lieber được xem là mở đầu cho một chuyên án của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ có tên “Sáng kiến Trung Quốc”, bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Đầu tháng 2/2020, chính quyền Trump đã đưa ra một chiến lược chống gián điệp kinh tế và công nghệ, chủ yếu chống Bắc Kinh ăn cắp công nghệ và sở hữu trí tuệ nước Mỹ, nhằm làm xói mòn ưu thế kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ.
Các vụ trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ thiệt hại tới 600 tỷ USD mỗi năm, theo số liệu cơ quan đại diện thương mại Mỹ. Các quan chức FBI mô tả rằng: bảo vệ bí mật học thuật là một mắt xích chính yếu để ngăn chặn sự mất mát.
Tuy nhiên, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, cho đến lúc này cho biết: họ chưa bao giờ nghĩ rằng GS Lieber làm gián điệp !
Câu hỏi nhức đầu: Là khoa trưởng ở một đại học lớn hàng đầu nước Mỹ và thế giới, là nhà khoa học danh tiếng và có uy tín, đã nhận lương GS của Mỹ, và vừa nhận 15 triệu USD cho công trình nghiên cứu y khoa, vì sao ông Lieber vẫn bí mật hợp tác với TQ và ĐH Vũ Hán.
Chắc đâu chỉ vì tiền?
Leave a Comment