Tôi có thể sai nhưng “đồng chí” Mác không bao giờ sai?
Ông Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản vừa có bài “cãi” trên VTC về vụ ông viết bài “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc” đăng trên báo Đầu tư bị dư luận chỉ trích.
Bài cãi của ông nói lên ông đọc khá nhiều thứ mà người ta xếp vào hàng kinh điển. Có lẽ đọc nhiều quá mà cái mảng thực tiễn để kiểm tra lý luận ông không đến xỉa gì tới như số phận của học thuyết Mác – Lê, số phận của các quốc gia đã áp dụng học thuyết đó bây giờ ra sao và đặc biệt đảng CSVN bây giờ nó đang như thế nào. Với ông, cứ bám chặt vào kinh điển là ăn chắc. Trong suốt bài cãi nổi lên một ý là, các người chỉ trích tôi nói đảng trở thành dân tộc nhưng ý ấy đâu có phải của tôi mà là ông Mác, ông Ăng Ghen đấy chứ. Tôi nói, các người có thể chỉ trích, chứ còn hai ông ấy nói thì các người có dám cãi không. Tương tự như khi tranh luận điều gì đó, người ta hay chẹn họng nhau: “Cãi đài hở? (có câu “đài bảo báo đăng” chứ biết đâu đài báo cũng tào lao lắm). Đúng là học gạo có khác.
Không chỉ thế, ông còn mang ông Hồ Chí Minh ra để chứng minh cho việc đảng trở thành dân tộc. Ông dẫn “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”, rồi ông Hồ đã phát triển Tuyên ngôn ấy ra sao. Ông còn lôi cả ông Lê Nin vào cuộc, toàn những nhà kinh điển cộng sản cả. Ông nào cũng trí tuệ, hiểu sâu biết rộng, lời nào cũng quan trọng, cũng là chân lý. Chưa hết, ông trích dẫn cả mấy bạn đọc ủng hộ ông, kể những câu chuyện xung quanh việc xây dựng Tháp Eiffel để tăng tính thuyết phục nữa. Nghĩa là bài cãi của ông khá kỳ công, có lớp lang cẩn thận.
*
Vấn đề đặt ra về tít bài viết của Nhị Lê là tại sao đảng lại trở thành dân tộc được. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải đưa ra khái niệm thế nào là đảng, thế nào là dân tộc, từ đó mà kết luận đảng có trở thành dân tộc được không (chưa nói đến có xứng đáng không). Biết làm sao, ông viết thế nào thì người ta buộc phải hiểu theo đúng ngôn ngữ và văn phạm của ông. Nhưng Nhị Lê không làm thế mà ông giải thích bạn đọc có nhiều trình độ khác nhau, tức là bóng gió đổ cho ai không hiểu ông thuộc trình độ thấp, bài viết của ông “không dành cho số đông”. Ông cho rằng “bạn đọc phải tự nâng mình lên”, nghĩa là phải có đủ trình độ mới hiểu được những gì ông viết.
Ông dẫn ý kiến độc giả ủng hộ ông cho rằng, dân tộc không chỉ là danh từ mà còn là tính từ. Nhưng rõ ràng, chữ dân tộc ở tít bài của Nhị Lê trong vai trò danh từ. Nếu ông nói đảng mang tính dân tộc thì nó lại là vấn đề khác. Viết thế, dẫu không đúng nhưng không đến nỗi nực cười, người ta cũng không có nhiều thời gian để tranh cãi.
Tựu trung, ông né câu hỏi tại sao đảng lại trở thành dân tộc được mà đổ cho Mác để chẹn họng người khác: “Đấy là Mác nói chứ không phải Nhị Lê nói”. Tức là ông mặc định những ông kễnh sinh ra học thuyết Mác – Lê là chân lý, đã nói là phải đúng. Nhưng đây không phải là khoa học tự nhiên mà có thể dùng định lý để chứng minh cho kết luận này, kết luận khác.
Đó là tư duy theo kiểu “Nhị Lê có thể sai chứ Mác không bao giờ sai”. Nhưng khi Nhị Lê đã bám chặt vào Mác, trung thành từng chữ của Mác thì Nhị Lê cũng không thể sai. Cách giải thích này làm thui chột tư duy của con người.
Bẽ bàng
Thế nhưng không phải ai cũng u mê như ông Nhị Lê. Có người trăn trở, có đúng là Mác nói vậy không.
Blog Phạm Nguyên Trường đăng bài của Vũ Duy Kỳ chỉ ra không phải ông Mác nói thế mà là do người dịch sai. Trong “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”, đoạn:
“Since the proletariat must first of all acquire political supremacy, must rise to be the leading class of the nation, must constitute itself the nation, it is so far, itself national, though not in the bourgeois sense of the word”.
Được dịch (sai) thành:
“Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.”
Và tác giả dịch lại:
Vì giai cấp vô sản trước hết phải có được uy quyền về chính trị (chứ không phải “giành được chính quyền”), phải tự vươn lên thành giai cấp dẫn dắt dân tộc, phải tự mình mang tầm vóc dân tộc (chứ không phải trở thành dân tộc), cũng có nghĩa là tự nó phải mang tính dân tộc, tuy không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu từ này.”
Thế mà lâu nay, các nhà tuyên giáo ta trong đó có cả ông Nhị Lê và hàng triệu sịnh viên, học sinh Việt Nam học như vẹt những khái niệm quái đản như “giai cấp dân tộc”, “đảng tự mình trở thành dân tộc”. Vì vậy mới sinh ra cái tít “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”.
Việc học, đọc là để nâng cao kiến thức của mình. Nhưng trước khi biến kiến thức của người khác thành kiến thức của mình, cần phải biết cái đúng, sai, hay, dở trong những điều ta học, đọc. Đó mới là cách của người biết làm chủ bản thân. Trong những luận văn của sinh viên, do không đủ tự tin, hoặc không được phép viết theo ý mình nên đều phải trích dẫn rất nhiều kinh điển để làm chỗ dựa: Mác đã nói, Ăng Ghen đã nói, Lê Nin đã nói, Hồ Chí Mình đã nói chứ không bao giờ có chuyện “theo tôi”. “tôi cho rằng”. Bài cãi của ông Nhị Lê cũng không thoát khỏi khuôn sáo đó.
Như vậy là từ khi du nhập chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, học sinh, học viên vẫn học trước tác của ông chuyển ngữ chứ không phải là của ông Mác, Ăng Ghen. Rồi đảng cũng thế, đang đi theo con đường của ông chuyển ngữ chứ chẳng phải con đường của ông Mác hay ông Lê nin nào cả.
Vậy mà ông Nhị Lê vẫn cứ viết được bài ca ngợi đảng ngày càng trở thành… dân tộc. Rồi khi bị phản ứng, bài cãi của ông cũng căn cứ vào mấy câu dịch sai này mà “hùng biện”. Thế mới tài./.
Leave a Comment