Người dân Tây Yên tại Phường Kỳ Thịnh, Thị xã Kỳ Anh bắt quả tang Công ty Năng lượng An Việt Phát san lấp mặt bằng, bằng chất thải nguy hại của Formosa, với diện tích 9,56 ha. Địa điểm này nằm ngay đầu nguồn nước của người dân; bắt đầu từ Yên Thịnh – TDP Tây Yên, chảy theo sông Quyền và qua một số phường khác.
Như vậy, nếu chất thải này chưa được xử lý đúng chuẩn thì chất độc sẽ ngấm vào lòng đất, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với người dân trong hiện tại cũng như tương lai.
Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cho đó là chất thải không nguy hại, đã được hợp chuẩn, hợp quy qua công văn số 3949/STNMT-CCMT ngày 23 tháng 12 năm 2019.
Tuy nhiên, trong công văn số 495/CAT-CSMTr do ông Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an Tỉnh Hà Tĩnh đã gửi tới các Sở, ban ngành trước đó thì lại có báo cáo hoàn toàn khác biệt:
“Quá trình hoạt động của dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hằng năm là 3.360.500 tấn. Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70.000 tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày, từ khi đi vào hoạt động đến nay lượng bùn này phát sinh khoảng 128.000 tấn, được tái sử dụng sản xuất, xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng xỉ thép đang lưu trữ tại dự án (tồn kho) khoảng 780.000 tấn”.
Giám đốc công an Hà Tĩnh nhấn mạnh trong công văn này: “Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN-MT cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác (như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường); Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý”.
Như vậy, chúng ta biết rằng, từ ngày đi vào hoạt động, dự án Formosa đã phát sinh ra một số lượng chất thải khổng lồ chưa được kiểm định, giám sát kỹ lưỡng của các tổ chức độc lập mà chỉ “ vừa đá bóng vừa thổi còi” nên thiếu tính khách quan, chính xác.
Chỉ với 3000 tấn chất thải đã phủ kín 9,5ha đất đầu nguồn nước thì với 3.360.500 tấn hiện có sẽ được đem đi san lấp ở những đâu?
Rồi 60 năm nữa lượng chất thải sẽ lớn đến thế nào?
Tương lai của con cháu chúng ta sẽ ra sao?
Chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ để những tổ chức XHDS về môi trường trong nước và quốc tế được quyền tham gia giám sát quy trình xử lý chất thải của những khu công nghiệp như Formosa hiện nay./.
Leave a Comment