Phạm Phú Khải – VOA|
Nạn dịch Coronavirus, bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, cho đến hôm nay đã giết chết 132 người, với gần 6 ngàn người mắc nhiễm, và tiếp tục lây lan ra khắp thế giới. Nó đã làm giao động các thị trường tài chánh và rúng động nỗi lo ngại toàn cầu. Úc cũng có năm trường hợp bị nhiễm. Ngoài Úc và Trung Quốc thì có hơn 50 trường hợp trên 13 quốc gia bị nhiễm.
Tuy nhiên tin mừng là các nhà khoa học tại Viện Peter Doherty về Nhiễm trùng và Miễn dịch thuộc thành phố Melbourne, Úc châu (Melbourne’s Doherty Institute, hay tên chính thức là The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity) cho biết sáng nay 29 tháng Giêng năm 2020 rằng virus Corona đã được trồng thành công lần đầu tiên theo văn hóa tế bào bên ngoài Trung Quốc. Đây là một bước đột phá đáng kể vì nó sẽ cho phép điều tra và chẩn đoán chính xác virus trên toàn cầu. Các nhà khoa học tại Melbourne đã thực hiện được điều này khi có được virus Corona trong tay (một người tại Melbourne đã được xét nghiệm là có virus này), do đó đã giúp cho các nhà khoa học có khả năng thực sự xác nhận và xác minh tất cả các phương pháp thử nghiệm, và so sánh độ nhạy và các đặc tính của chúng.
Tuần trước, một nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Hoàng gia Melbourne (The Royal Melbourne Hospital), từng là đồng nghiệp của vợ tôi, cho biết rằng một khu đặc biệt của bệnh viện đã được thiết lập để nghiên cứu, phòng ngừa và chữa trị virus Corona. Quả thật nước Úc có một văn hóa rất hay: luôn luôn quan sát mọi diễn biến trên thế giới, dù xa xôi đến mấy, và luôn chủ động trong nỗ lực tìm cách giải quyết những vấn đề, thử thách đe dọa đến an ninh, hòa bình của khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề sức khỏe.
Vấn đề y tế, sức khỏe trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay có nguy cơ lan tràn rất nhanh và rất rộng, như chúng ta đã thấy qua virus Corona. Trước đây, chúng ta cũng chứng kiến hệ quả lớn lao của những bệnh chết người như Ebola, cúm/Influenza, Dengue v.v… Sức khỏe tinh thần và ô nhiễm môi trường/không khí cũng là những thử thách lớn lao cho nhân loại, dù không nguy hiểm chết người như các bệnh dịch virus trên.
Trong những năm tới và thập niên tới, nhân loại sẽ phải đối đầu với bao thử thách lớn lao khác. Và sau đây là những vấn đề quốc tế liên quan đến an ninh toàn cầu.
Một, là sự trổi dậy của Trung Quốc, thách thức Hoa Kỳ, có thể ảnh hưởng lên nền hòa bình và an ninh khu vực và thế giới. Trung Quốc vẫn biện minh họ trổi dậy trong hòa bình, nhưng càng ngày họ càng tỏ vẻ hung hăn. Đó là điều phần lớn thế giới quan ngại. Hiện tượng này còn được gọi là bẫy Thucydides. Trước mặt, cuộc thương chiến Mỹ Trung có nguy cơ gây suy thoái sâu rộng.
Liên quan đến sự trổi dậy của Trung Quốc là vấn đề Biển Đông, phần biển mang tính chiến lược. Một phần ba hàng hóa toàn cầu đi qua đây, trị giá 3 ngàn tỷ đô la về thương mại, cùng với lượng hải sản cũng như dầu hỏa và khí đốt tại đây. Trong khi đó Trung Quốc muốn dành lấy phần lớn tại chủ quyền Biển Đông, gây ra nhiều tranh chấp giữa nhiều quốc gia (như Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam).
Hai, là sự thất bại của các chế độ độc tài/các nhà nước (failed states) thường đưa đến sự di cư/tản to lớn trên toàn cầu, từ Nam Mỹ đến Trung Đông, cũng như các quốc gia tại châu Phi. Theo UNHCR thì hiện nay đang có khoảng gần 26 triệu người tị nạn/muốn xin tị nạn. Tổng cộng có khoảng 71 triệu người bị di tản trên toàn cầu. Và con số này ngày càng gia tăng, điển hình như Venezuela trong thời gian qua, chẳng hạn. Trong những năm tới, với ảnh hưởng của nạn hâm nóng toàn cầu (global warming), thì nhiều nơi sẽ bị chìm dưới mực nước biển, do đó sẽ càng gia tăng số người bị di tản (displaced) nhiều hơn nữa.
Ba, là dân số thế giới ngày càng gia tăng, có thể lên đến 10 tỷ người năm 2050. Theo United Nations thì dự đoán dân số sẽ lên đến 9.8 tỷ năm 2050, và 11.2 tỷ năm 2100. Thực phẩm và bao nhiêu nhu cầu khác để cung cấp cho dân số toàn cầu gia tăng như thế là khủng khiếp, trong khi môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm. Nước Úc có diện tích lớn và đất đai còn thưa thớt, trong khi đại đa số các quốc gia khác, nhất là Trung Quốc và Việt Nam v.v… thì đất đai, ruộng vườn để sống, để trồng trọt, v.v… ngày càng hiếm hoi. Hơn nữa, sự chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia, và trong thế giới toàn cầu hôm nay, sẽ không chỉ là vấn đề của quốc gia đó mà sẽ là vấn đề của khu vực và toàn cầu. Ngoài ra là các nạn buôn lậu người (human trafficking) và nạn chuyển nhập lậu người (human smuggling); các tội phạm xuyên quốc gia (transnational crimes), từ thuốc phiện, mãi dâm, vũ khí, hóa chất, những hàng hóa hay động vật bị cấm v.v… thì ngày càng quy mô và phức tạp.
Bốn, là chính trị quyền lực đã trở lại ‘trả thù’. Chẳng hạn, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, hay nói chung là những căng thẳng và xung đột tại Trung Đông/vùng Vịnh Ba Tư. Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ và Bắc Hàn cũng không có gì tiến triển tốt hơn. Mỹ và Nga vẫn có rất nhiều vấn đề với nhau, nhất là hai quốc gia còn hàng ngàn đầu đạn nguyên tử v.v… Và châu Âu vẫn lo ngại mối đe dọa từ Nga.
Năm, là nạn khủng bố toàn cầu (terrorism). Nó vẫn tiếp tục là mối quan ngại to lớn hiện nay.
Sau cùng, chủ nghĩa dân túy, dân tộc, bộ lạc và cường quyền đang gia tăng trong khi xu hướng dân chủ bị thoái lui. Chính trị bản sắc (identity politics) tiếp tục gây chia rẽ sâu sắc ngay tại các quốc gia có nền dân chủ tiên tiến hàng đầu.
Liên Hiệp Quốc cũng liệt kê nhiều vấn đề quốc tế ảnh hưởng lên toàn cầu mà không một quốc gia nào có khả năng giải quyết một mình. Bao gồm: Các thử thách tại châu Phi; lão hóa (ageing); bệnh AIDS; năng lượng nguyên tử (atomic enegery); các dữ kiện lớn để phát triễn bền vững (Big data for sustainable development); trẻ em; thay đổi khí hậu; giải thực dân (decolonisation); dân chủ; chấm dứt nghèo khổ; thực phẩm; bình đẳng giới tính; sức khỏe, nhân quyền; luật pháp và công lý quốc tế; di dân; đại dương và luật về biển; hòa bình và an ninh; dân số; tị nạn; nước; và giới trẻ. Tất cả các vấn đề này có nguy cơ dẫn đến xung đột trên bình diện vùng/khu vực hay toàn cầu.
Cho nên tinh thần chủ động như Úc, và tinh thần phối hợp vì mục tiêu chung của nhân loại, là tối cần thiết để hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu được duy trì và bảo đảm trong những ngày tháng cũng như những thập niên tới./.
Leave a Comment