Quảng Cáo

Hãy tự cứu mình trước!

Quảng Cáo

Nghi Yên – (VNTB) – Người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ?!

Cho tới ngày 26 tháng 1 con số nhiễm bệnh cúm do virus corona hay virus Vũ Hán tăng lên 1.823 người với 55 ca tử vong. Khách du lịch bị nhiễm bệnh từ Trung Quốc đã được phát hiện ở 13 quốc gia khác nhau như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

Dịch bệnh này tương tự như dịch Sars do một loại virus cùng họ với virus corona đã làm hơn 8000 người nhiễm bệnh và 10% trong số đó đã bị thiệt mạng trong năm 2002 và 2003. Virus lần này có lẽ sẽ không nguy hiểm đến như vậy.

Theo Reuters, với tỷ lệ lây nhiễm như hiện nay thì số người nhiễm bệnh vào ngày 4 tháng Hai có thể lên đến 140.000 người và rất khó kiểm soát.[1]

Tác động kinh tế từ dịch Sars

Vào tháng 5 năm 2003, số lượng hành khách đi lại ở Trung Quốc đã giảm hơn 40% so với một năm trước đó. Cửa hàng, nhà hàng và khách sạn đều bị thiệt hại. Tăng trưởng hàng quý giảm xuống 3,5% từ hơn 12% vào thời điểm bệnh Sars bùng phát dữ dội.[2]

Trong trường hợp virus Vũ Hán, hầu hết hy vọng rằng phản ứng nhanh hơn của chính phủ có thể có nghĩa là mất ít thời gian hơn để chế ngự. Nếu các chuyên gia kết luận rằng loại virus này không nguy hiểm như loại gây ra sars, Trung Quốc cũng có thể nới lỏng các biện pháp kiểm soát khi ra vào Vũ Hán trước khi thiệt hại kinh tế lớn xảy ra. Đảm bảo tính minh bạch có thể làm giảm sự hoảng loạn.

Tuy nhiên, người Trung Quốc hiện di chuyển nhiều hơn so với hồi đầu những năm 2000. Có khoảng 450.000 người đi lại hàng ngày bằng tàu hỏa ở Hồ Bắc. Con số này nhiều gấp đôi lượng hành khách hàng ngày ở Quảng Đông vào năm 2002 khi tỉnh đó trở thành điểm nóng của sars. Với mạng lưới tàu cao tốc được xây dựng trong thập kỷ qua, hành khách từ Vũ Hán sẽ đi xa hơn và nhanh hơn so với những người ở Quảng Đông hồi đó. Trung Quốc cũng kết nối nhiều hơn với thế giới. Năm 2018, khoảng 205.000 người đã bay vào và ra khỏi Trung Quốc mỗi ngày, nhiều gấp sáu lần so với thời điểm dịch Sars.

Thời điểm bùng phát làm cho việc kiểm soát trở nên khó khăn vì đây là thời điểm năm mới và hàng triệu người đi lại khắp nơi để gặp gỡ người thân. Hành khách vẫn được kiểm tra nhiệt độ để phát hiện sốt. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh có thể một tuần hoặc hơn, vì vậy một số người bị nhiễm bệnh có thể không bị phát hiện.

Nền kinh tế lớn hơn nhưng ít xáo trộn hơn so với năm 2003. Trong thời kỳ dịch sars bùng nổ, một số lĩnh vực lớn phát triển mạnh ngay cả khi những nơi khác gặp khó khăn. Xuất khẩu tăng 35%. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nhà ở tăng mạnh. Tuy nhiên, ngày nay, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn nhiều – chỉ 0,5% trong năm 2019. Doanh số bất động sản đã bắt đầu giảm sau một thời gian dài bùng nổ. Và Trung Quốc khó có thể tăng chi tiêu thêm cho cơ sở hạ tầng vì đã xây dựng rất nhiều trong thập kỷ qua. Trong vài ngày đầu tiên sau khi số lượng nhiễm bệnh được xác nhận trong tháng này, chứng khoán Trung Quốc đã giảm khoảng 5% và có thể sẽ sụt giảm thêm. Trong thời gian có dịch sars, chỉ số index của Hồng Kông đã giảm gần 20%.

Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch sars vốn chiếm khoảng 40% GDP. Ngày nay tỷ lệ đó cao hơn 50%. Nhưng chi tiêu của người tiêu dùng có thể trở vẫn duy trì vì sự tăng trưởng lớn trong mua sắm trực tuyến. Nếu họ không ra ngoài thì có thể tiếp tục mua hàng tại nhà.

Trung Quốc cũng đã phục hồi nhanh sau dịch sars. Đến nửa cuối năm 2003, họ đã trở lại mức tăng trưởng hai con số.

Ngày tận thế?!

Thế nhưng bức tranh của dịch cúm corona có vẻ đã khác hẳn khi thông tin về những bệnh viện quá tải ở Vũ Hán được truyền đi.

Một cư dân Vũ Hán, bà Xiaoxi, 36 tuổi, gọi đó là “ngày tận thế” khi chồng bà bị bốn bệnh viện từ chối cho nhập viện vì quá tải dù chồng bà đã ho ra máu. Người dân cũng phải tự trả tiền thuốc trị bịnh có thể lên tới cả nghìn nhân dân tệ một ngày (144 đô la).

Trong khi đó tại hành lang bệnh viện, xác người chết được cuốn vải để ở đó mà không có ai để giúp dọn đi.

Trong một khu chợ thực phẩm, các quầy hàng trống không sau vài ba ngày bị phong toả.

Bà Xiaoxi không dám đi về nhà vì sợ rằng có thể sẽ lây bệnh sang cho con gái nhỏ và bố mẹ chồng. [3]

Việt Nam hành động đúng mực?

Người dân có vẻ vẫn còn thờ ơ với dịch bệnh vì họ chỉ mới thấy người bệnh là người Trung Quốc và chính phủ vẫn chưa quyết đoán trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Các chuyến bay từ Trung Quốc vẫn tiếp tục được cho hạ cánh mang theo hàng chục ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam mà không tài nào phát hiện được ai đã có sẵn mầm bệnh trong người.

Tổng cục du lịch vẫn chấp nhận khách lữ hành vì cho rằng họ không có thẩm quyền đóng cửa khẩu. Chính phủ vẫn không cương quyết vì cho rằng tổ chức Y tế Thế giới chưa lên tiếng cảnh báo toàn cầu hay tăng mức báo động.

Một điều dễ thấy là từ tác động của dịch Sars lên nên kinh tế đặc biệt là khu vực dịch vụ mà Tổng cục dụ lịch lẫn chính phủ vẫn còn quá nhẹ tay với du khách đến từ Trung Quốc. Đóng cửa khẩu đồng nghĩa với thất thu lớn cho ngành du lịch trong dịp tết và theo đó sẽ kéo tốc độ tăng trưởng vốn đã không thể tăng nhanh hơn được nữa xuống theo. Và đây là điều chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không bao giờ mong muốn.

Thôi thì, người dân lại phải tự mình cứu mình trước khi chính phủ chịu ra tay cứu họ.

[1] https://www.reuters.com/article/us-china-health-transmission-idUSKBN1ZO0QW?

[2] https://www.economist.com/china/2020/01/23/the-coronavirus-discovered-in-china-is-causing-global-alarm

[3] https://www.scmp.com/news/china/society/article/3047613/china-coronavirus-wuhan-residents-describe-doomsday-scenes

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux