Kim đồng hồ văn minh đã ngừng lại trước câu khẩu hiệu tôi bắt đầu thấy hằng ngày ở trong hẻm sau ngày địa ngục trần thế mở ra ấy – “Dù cho bão táp mưa sa/ Khách lạ đến nhà trình báo công an.” Cuộc đời ngày hôm qua không còn nữa. Bức màn tre đã đóng sập xuống cuộc đời của hàng triệu người dân miền Nam, trong đó có tôi đang học lớp đệ lục.
Ngôi nhà vắng ba bị ở tù cải tạo ở ngoài Bắc, sau đó vắng tiếp chị đầu đã vượt biên. Chẳng bao lâu vắng tiếp hai anh em phải vào Sài Gòn để nương thân với người chú. Đồ đạc trong nhà cũng vắng nốt để sinh sống. Má tôi bắt đầu đội thúng gạo đi bán ở chợ gần ga, anh em tôi đi mót cá ở bến cá, hay đi bán nước trà ở nhà ga. Còn lại mình tôi với mấy đứa em nhỏ non dại trong căn nhà gần như trống trải.
Nhưng vắng nhất là những cuốn sách và báo tôi thường đọc ở cuộc đời cũ chỉ mấy tháng trước đó. Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi, Thời Nay, Thằng Vũ, Con Thúy, Dũng Đa Kao, Điệu Ru Nước Mắt, Con Sáo Của Em Tôi, Cánh hoa chùm gởi, Tam Quốc Chí, Bố Già, Papillon Người Tù Khổ Sai, những sách của Remarque… Cây tâm hồn bắt đầu khô lá vì thiếu nước.
Những người bạn tinh thần ấy đã bị tịch thu, bị quăng vào lửa, bị xé rời ra để bán ve chai, bị vất vội vàng xuống cống, bị dùng làm giấy vệ sinh. Kim đồng hồ văn minh chạy trở lại nhưng ngược chiều.
Nhiều buổi sáng nhìn nắng vàng mới chiếu trên sân và nghĩ đến một ngày dài dằng dặc và trống vắng, tôi muốn gặp lại những người bạn chân tình ngày cũ ấy, muốn ngửi lại mùi của bạn, đọc lại bạn, tìm lại cảm giác say mê sung sướng êm đềm ngày xưa khi tôi ngồi đọc sách ở ngoài sân dưới bóng cây mận, nằm đọc trong mùng vào buổi tối lúc bên ngoài mưa gió đi về, vào buổi trưa khi trời miền Trung nắng gắt và mồ hôi toát ra rất nhiều, đọc vào buổi chiều khi hoàng hôn phủ ráng hồng.
Thằng bé tôi thèm đọc nên nó bắt đầu đọc sách miền Bắc. Thép Đã Tôi Thế Đấy, Con Đường Đau Khổ, Dấu Chân Người Lính, Hòn Đất, Buổi sáng, Những Khoảng Cách Còn Lại… Cây tâm hồn được tưới một nguồn nước khác nhưng lá không thể nào xanh tươi. Hận thù, giai cấp, cách mạng, đấu tranh, bạn thù bay lên như đàn ong vỡ tổ chích vào tâm hồn còn trinh bạch thơ ngây ngày trước. Cây tâm hồn chao đảo trước cơn gió nghịch mới từ phương Bắc lồng lộng thổi đến.
Tôi bắt đầu đi dạo vào buổi chiều. Từ nhà tôi đi đến bờ sông Hàn và đôi khi đến Cổ viện Chàm nằm ở cuối bờ sông để thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản phần nào. Đôi khi tôi dừng lại ở quầy báo bên bờ sông đối diện bưu điện để đọc cọp, và thỉnh thoảng ghé vào phòng thông tin ngay ngã tư đường Hùng Vương và Yên Bái để đọc vội tất cả các tờ báo. Đọc để mà đọc và để biết chút ít về thế giới bên ngoài bức màn chứ thú đọc sách đã gần như không còn nữa.
Cuộc sống nghèo khổ, đớn hèn trôi lờ đờ và vật vờ như những cánh bèo sát bờ sông. Buồn và cô độc, tôi đã tự học tiếng Anh say mê, học dưới đèn dầu khi cúp điện, học bên lò bếp nấu bằng trấu, học khi đi dạo, học khi làm việc nhà, học và học.
Ngày nọ, người hàng xóm cho tôi cuốn sách tiếng Anh rất dày, ngoài bìa in hình một Kim tự tháp lớn giữa sa mạc cát vàng. Cuốn sách nói về lịch sử văn minh thế giới với rất nhiều ảnh và tranh. Một kho báu vô giá đối với tâm hồn khao khát tìm hiểu, khao khát mở ra chân trời tinh thần mới. Tôi đọc nó bất kỳ lúc nào rảnh. Tôi đọc nhiều đến nỗi má tôi hay la: “Đa thư loạn tâm“. Nhưng má tôi không biết rằng đối với tâm hồn tôi kim đồng hồ văn minh bắt đầu chạy bình thường và đúng chiều chỉ nhờ sách ấy. Cánh cửa lớn của cuộc đời cũ đã đóng lại nhưng cửa sổ tâm hồn mới bắt đầu mở ra để tiếp tục đón nhận những làn gió mát và dòng nước mới. Cuốn sách khổ lớn dày hơn 500 trang ấy là chiếc phao cứu sinh tinh thần đời tôi.
Người bạn và người thầy khai tâm và khích lệ tinh thần tôi rất nhiều chính là cuốn sách Mỹ ấy. Giờ đây ốc đảo tâm hồn tôi bắt đầu xanh tươi giữa sa mạc cách mạng khô cằn. Từ đấy tôi bắt đầu lùng sục và mua những cuốn sách tiếng Anh cũ hay mượn sách từ những người quen và bạn bè. Mỗi cuốn sách là niềm vui mới, khám phá mới. Có nhiều cuốn tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng tôi vẫn luôn quay về với cuốn sách lịch sử thế giới ấy. Tôi đặt nó ở đầu giường. Theo thời gian, nhiều trang sách bị quăng, gáy sách bắt đầu mòn và mép sách đen lại và cáu bẩn vì mồ hôi tay.
Ba tôi đi tù về. Ông gần như suy sụp hoàn toàn về tinh thần và tối ngày lo cho mấy con heo để phụ vợ. Tôi nộp đơn thi đại học trở lại. Tôi thi đậu vào đại học khoa tiếng Anh và ba tôi lúc này đi làm thợ mộc. Ba tôi đóng cho tôi một cái rương lớn để mang theo ra Huế.
Ngày đầu tiên khi mới nhận giường ở trong phòng có độ chục sinh viên ngoại ngữ mới và cũ, một sinh viên lớp trên nằm trên giường tầng trên quăng xuống cho tôi tờ báo New Times của Liên Xô và nói tôi dịch một bài đã chọn trước. Tôi đứng cạnh giường dịch một mạch từ đầu đến cuối. Cả phòng kinh ngạc. Chính, một sinh viên Nga văn người Nha Trang, nói “Sao không vượt biên?” Tôi cười và mời cả phòng một chầu cà phê để làm lễ nhập phòng.
Trưa hôm sau, thầy Thành dạy môn thể dục gọi tôi ra ngoài và yêu cầu tôi đi cùng với thầy lên sân thượng của trường. Tôi linh cảm điều gì đấy không hay. Đến nơi, thầy nói đại ý rằng vì Việt là người tàn tật (tôi bị tật bẩm sinh ở tay và chân bên trái) cho nên nhà trường phải thử xem Việt có đủ sức khỏe theo học không. Nói xong, thầy bảo tôi xách một xô nước đầy đi qua đi lại. Tôi gắng sức cầm xô nước lên, nhưng chỉ đi được vài bước thì bỏ xuống. Xô nước quá nặng và nền sân thượng thì đầy rêu trơn. Xô nước quá nặng so với cuốn đại tự điển Anh Việt Nguyễn Văn Khôn tôi hay dùng. Nhưng tủi nhục trong lòng trước chuyện này còn nặng nề và ám ảnh hơn rất nhiều lần.
Sáng ngày hô sau tôi nhận giấy báo không được theo học vì lý do sức khỏe. Tôi cũng đoán được kết cục nên không buồn lắm chỉ tiếc công của ba tôi bỏ ra cả tuần lễ để đóng cái rương. Tôi mời hết cả phòng đi uống cà phê để chia tay. Cả bọn kéo nhau đi đến quán ở gần cuối đường Nguyễn Huệ. Đang đi chúng tôi chợt thấy thầy Khải trưởng phòng đào tạo của trường đạp xe đến. Thầy gọi tôi lại và nói trường đã nghĩ lại và quyết định cho Việt đi học trở lại.
Chương trình học tiếng Anh 5 năm rất nhẹ nên tôi có rất nhiều thời gian rảnh. Tôi bắt đầu mua sách tiếng Anh ở các tiệm sách cũ để đọc. Cuốn sách tiếng Anh gây ấn tượng nhất tôi đọc được là cuốn Siddhartha của nhà văn Đức Herman Hesse. Rồi Chùm nho uất hận, Chuột và Người của John Steinbeck, sách của Albert Camus và của Somerset Maugham v.v…
Năm năm sau ra trường tôi mang về nhà tấm bằng không bao giờ dùng đến và một rương đầy sách tiếng Anh. Tương lai mờ mịt. Cha mẹ bắt đầu già yếu. Anh em lao động phu phen vất vả. Và khẩu hiệu “Dù cho bão táp mưa sa/ Khách lạ đến nhà trình báo công an.” vẫn còn ở đầu hẻm.
Tôi bắt đầu đi dạo trở lại như những năm trước nhưng không còn đọc báo cọp nữa. Cuộc đời tôi vẫn là những cánh bèo trôi vật vờ với rác rưởi lưu cửu ở bờ sông Hàn. Tôi sống không nhiều mơ mộng sau khi ra trường, đôi khi chỉ mơ đi làm để có tiền mua những cuốn sách tiếng Anh, nếu may ra tìm được, để tiếp tục bảo vệ và nuôi dưỡng ốc đảo tâm hồn mình dưới bóng tối toàn trị dày đặc.
Trong thời gian này tôi đọc lại những cuốn sách trong rương cũ. Đôi lúc sau khi đọc xong một cuốn sách tôi ngước nhìn lên bầu trời và nghĩ rằng đôi tay mình mới vừa chạm đến mép ngoài của nền văn minh tinh thần con người đang hiện hữu ở một tinh cầu xa xăm đâu đó bên ngoài bức màn đang tiếp tục đè xuống và làm rạn vỡ biết bao nhiêu châu ngọc tâm hồn con người.
Leave a Comment