“Gia đình năm nay đi chơi Đường Hoa Nguyễn Huệ theo một cái trend mang tên Coronavirus rất đặc trưng Tết Canh Tý”.
Một ông bạn già của tôi đã nhắn tin như vậy kèm tấm hình chụp gia đình bạn ấy dạo Đường Hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn chiều tối mồng Hai Tết.
Ông bạn kể hồi trưa mồng Hai Tết lúc đi uống cà phê ở quán gần dinh Độc Lập, thấy có xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 dừng lại, rồi đổ xuống xe là mấy nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ trắng toát như thường thấy trong phim Mỹ ở những vụ chiến tranh sinh học. Một người đàn ông trang phục đen, dáng vóc trung niên, đầu hơi hói đang chuẩn bị bước lên xe cứu thương này.
Nghe nói mấy khách ở quán cà phê kể ông khách nói tiếng Tàu đó tự nhiên đang cà phê thì bị ói, thiên hạ nghi nhiễm virus đến từ bên Tàu nên vội gọi 115. Tin tức hành lang còn cho hay ông khách đã được cho ‘bay về bển’ vào chiều mồng Hai Tết. Ông khách nói tiếng Tàu này sang Việt Nam đã 7 ngày; trong đó, 5 ngày đi Phú Quốc và về TP.HCM được 2 ngày nay thì bất ngờ bị như vậy.
Một ông bạn của người viết đang làm công việc trực tòa soạn ngày Tết, kể rằng dồn dập nhận tin tức đầy hoang mang của dân chúng, vì chuyện nhà nước Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận những chuyến bay chở khách từ Trung Quốc sang. Có lẽ đây chính là nguyên do dẫn tới việc tận đảo Phú Quốc của Việt Nam đang có 2 bệnh nhân là du khách Trung Quốc, một người 39 tuổi và người kia 26 tuổi đang được cách ly theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur Sài Gòn. Bên cạnh là 19 người tiếp xúc với 2 ca bệnh nghi ngờ này cũng đang được theo dõi sức khoẻ.
Ông bạn nhà báo kể sáng mồng Hai Tết, nhận tin bệnh viện Đà Nẵng đang điều trị cách ly cho 10 bệnh nhân bị sốt. Khu vực cách ly để điều trị cho những người này nằm tại tầng 4 Khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện.
Các bệnh nhân này đều bị sốt trên 38 độ khi nhập viện. Trong tổng số 10 bệnh nhân thì có 6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam và 1 người Cộng hòa Séc. Những người trên đều tiếp xúc với du khách Trung Quốc trước khi có dấu hiệu sốt. Trong đó, 3 người Việt là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn. Đáng ngại là trong số 6 người khách Trung Quốc, có 1 người mới bay từ Vũ Hán sang vào chiều mồng Một Tết; chiều ba mươi Tết, có 2 người Trung Quốc đến từ Vũ Hán cũng đã phải nhập viện tại Đà Nẵng vì nghi nhiễm Coronavirus.
Trưa mồng Hai Tết, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng xác nhận với báo chí rằng trên địa bàn vừa có một người Trung Quốc tử vong, và cơ quan này đang thực hiện kiểm tra, giám sát. Diễn biến như sau, sáng mồng Một Tết, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng nhận thông tin bệnh viện Hoàn Mỹ tiếp nhận trường hợp bệnh nhân người Trung Quốc chết lâm sàng trước khi nhập viện. Bệnh nhân trên trên Li Yan, giới tính nữ, sinh năm 1954, trú tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bệnh nhân nhập cảnh vào thành phố Đà Nẵng vào tối hai mươi chín Tết trên chuyến bay số hiệu VJ8859 của Hãng hàng không Vietjet Air.
Bà Li Yan lưu trú tại một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Trong 3 ngày bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh bình thường, không ho, không sốt. Người nhà khai tối ba mươi Tết, bệnh nhân thấy mệt nên về phòng nghỉ sớm. Rạng sáng mồng Một Tết, người nhà phát hiện bệnh nhân hôn mê nên đưa bệnh nhân vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn; thang điểm hôn mê Glasgow: 3 điểm, da niêm mạc tím tái, mạch, huyết áp không đo được, phổi không thông khí…
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, Đà Nẵng sẽ đón tổng cộng tới 93 chuyến bay đến từ các tỉnh, thành ở Trung Quốc.
Ghi nhận tại Sài Gòn, hầu hết ý kiến đều phản ứng việc chính phủ Việt Nam quá ỷ y khi vẫn mở cửa để đón khách du lịch từ Trung Quốc, ngay cả khi ở Việt Nam bắt đầu nhận bệnh nhân là du khách Trung Quốc bị nhiễm con virus giết người này.
Mọi chuyện chỉ dừng ở mức giới hạn từ ngày mồng Ba Tết, vì chính phủ Trung Quốc cấm các chuyến đi du lịch nước ngoài theo nhóm đối với cư dân Trung Quốc. Lưu ý ở đây là ‘cấm theo nhóm’, còn với cá nhân riêng lẻ thì không.
Với tâm lý ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, nhiều cư dân ở những nơi có đông khách du lịch Trung Quốc như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận và cả Sài Gòn, đều nói rằng cần kiên quyết ‘tạm cấm cửa’ với tất cả khách du lịch có hộ chiếu đường lưỡi bò. Lý do: lo ngại lớn nhất từ chuyện ý thức về dịch bệnh của số đông khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam rất tệ hại.
Sáng mồng Hai Tết, tin tức cập nhật từ báo chí cho hay bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa thông báo kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona bệnh nhi Trung Quốc thứ hai bị cách ly tại Khánh Hòa. Bệnh nhi 10 tuổi người Trung Quốc này đã được bệnh viện Quân y 87 tại thành phố Nha Trang chuyển viện đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa vào sáng 30 Tết và đã được cách ly để theo dõi, điều trị và xét nghiệm về virus corona.
Trước đó, một bệnh nhi người Trung Quốc 7 tuổi đã được bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa cấp giấy nhận, cho xuất viện để trở về Trung Quốc vào tối giao thừa Tết Canh Tý.
Ở ca bệnh nhi kể trên có tình tiết mô tả rõ nét về một ‘Trung Quốc xấu xí’. Theo đó, bác sĩ Nguyễn Đông – giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa kể, “sau khi quậy các thầy thuốc đang điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, mẹ bệnh nhi Trung Quốc đã yêu cầu cung cấp số điện thoại của giám đốc bệnh viện.
Từ 15g đến hơn 18g chiều 30 Tết, mẹ của bệnh nhi người Trung Quốc đó đã liên tục gọi điện thoại chửi giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới rất nhiều. Buộc lòng bệnh viện phải mời công an địa phương đến làm việc, lập biên bản vi phạm của thân nhân bệnh nhi người Trung Quốc đó để ổn định trật tự…”.
Tính đến tối mồng Hai Tết, theo con số công khai từ nhà chức trách Việt Nam, hiện miền Trung đang có 24 bệnh nhân được theo dõi về nhiễm Coronavirus.
Có lẽ tạm khép câu chuyện ăn Tết thời Corona Wuhan ở ngày mồng Hai Tết bằng thông tin rất cần thiết cho hành khách hay chọn bay hãng VietJet Air: Thông tin chính thức từ Cục Hàng không Việt Nam chiều mồng Hai Tết cho biết trong các ngày 24, 25, 26 và dự kiến ngày 27/1 – tức mồng Ba Tết, Hãng hàng không VietJet Air thực hiện 4 chuyến bay chở khách Trung Quốc quay về thành phố Vũ Hán, trong đó có 2 chuyến bay từ Đà Nẵng đến Vũ Hán, và 2 chuyến bay từ Cam Ranh đến Vũ Hán.
Việc thực hiện các chuyến bay kể trên được Cục Hàng không Trung Quốc và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Đây là chuyến bay hỗ trợ hành khách quay trở lại Vũ Hán và không chở khách tới Việt Nam.
Thắc mắc lớn nhất ở đây là sao không chở trả khách Trung Quốc về thành phố khác của Trung Quốc mà chở về thành phố Vũ Hán, ngay ổ dịch của con vi – rút mang tên Vũ Hán – Corona Wuhan?
Tính đến tối ngày mồng Hai Tết, theo con số công bố của Cục Hàng không Việt Nam, mỗi ngày có 260 chuyến bay đến Việt Nam từ Trung Quốc, với khoảng 200.000 hành khách Trung Quốc vào Việt Nam./.
Leave a Comment