Khi lực lượng chính phủ tấn công vào làng Đồng Tâm vào khuya ngày 9 tháng 1, người dân khắp nước nghe tin với tâm trạng hoang mang. Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một vụ cưỡng chế đất bình thường như xưa nay vẫn xảy ra trên khắp mọi miền đất nước nhưng tới khi nghe tin có người chết và nhất là lực lương tấn công cũng có ba công an tử thương thì dư luận vỡ ra những đồn đoán chung quanh những cái chết này. Không ít người cho rằng công an bị người dân Đồng Tâm tấn công khi bị bao vây nhưng nhiều người chứng minh ngược lại khi cho rằng không có người dân nào dám tấn công lực lượng công an đông đào và hùng hậu như vậy ngoại trừ họ bị lâm vào đường cùng như vụ án anh em Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng với “trận đánh đẹp” của Đại tá công an Đỗ Hữu Ca.
Cho tới sáng cùng ngày thì người dân bên ngoài Đồng Tâm biết thêm một ít thông tin nhờ… hệ thống Công an. Mọi tờ báo không có tin tức riêng mà được một bản tin do Bộ Công an phát ra và vì vậy người dân lại càng bị bao vây giữa bốn bức tường thông tin. Bất kể lực lượng đông đảo của người sử dụng Facebook chăm chăm vào Đồng Tâm, chính quyền tỏ ra rất cao tay khi phong tỏa mọi con đường vô hình lẫn hữu hình để thâm nhập vào bên trong Đồng Tâm nơi có gần 9.000 người sinh sống và làm việc.
Rồi báo chí được thêm tin từ Bộ Công an cho biết có ba công an tử thương trong trận tấn công này. Tên tuổi của cả ba người được công khai và sáng ngày 11 tức hai ngày sau khi tử thương cả ba được truy thưởng huân chương chiến công hạng nhất từ Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an về việc phong liệt sĩ, truy thăng quân hàm trước thời hạn cho 3 người đã hy sinh.
Ba người được truy tặng Huân chương gồm: đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động); trung úy Dương Đức Hoàng Quân (cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô) và thượng úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội).
Theo thiếu tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết quyết định này dựa trên đề xuất của Bộ Công an. Trước hết là truy thăng quân hàm vượt cấp với 3 chiến sĩ. Hai là công nhận 3 người hy sinh là liệt sĩ. Ba là đề nghị truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Và bốn là tổ chức lễ tang 3 chiến sĩ theo nghi thức Công an nhân dân tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Cùng lúc đó là cái xác của cụ Lê Đình Kình được cơ quan công an giao trả về cho gia đình.
Khi những cơn sóng bất mãn về các tấm huân chương trao đi thì cái chết của cụ Kình tiếp tục làm chúng trở thành sóng thần, ít ra trên mạng xã hội, hầu như không ai là không biết đến cái tên Lê Đình Kình cùng hình ảnh của ông tràn ngập hệ thống mạng xã hội Việt Nam. Người ta công khai buồn bã, khóc than và nhất là lên án kẻ đã bắn vào ông, một cụ già 84 tuổi đời với 58 tuổi đảng. Một cụ ông minh mẫn đến kỳ lạ, nhớ và kể vanh vách những diễn biến về Đồng Tâm từ bao nhiêu năm qua mà không cần liếc qua một trang giấy nào. Có xem video của ông Andre Menras khi về chính ngôi nhà của cụ quay lại những gì mà cụ nói người ta khó tin đây là một con người của bạo loạn. Trong từng lời từng chữ, cụ khẳng định việc làm của mình là chống lại bất công, sai trái của những ai cố tình lèo lái vụ Đồng Tâm vào ba chữ “tranh chấp đất”. Cụ khẳng định ý đồ của nhiều người chức quyền muốn lấy đất Đồng Tâm vì nó liên quan tới tập đoàn Viettel, nơi từng có một sĩ quan làm việc cho Viettel khẳng định với cụ là đất Đồng Tâm đã được chính quyền huyện Mỹ Đức bán cho tập đoàn này.
Dưới cái nhìn của rất nhiều người quan tâm tới vụ Đồng Tâm thì cụ Lê Đình Kình là một anh hùng thực sự. Anh hùng vì cụ dám đứng ra chống lại cả hệ thống. Vời gần 60 năm sinh hoạt đảng cùng với những chức vụ nhỏ nhất là Chủ tịch Hợp Tác xã, rồi Trưởng công an, rồi Bí thư UBND Xã Đồng Tâm cụ Kình không lạ gì tâm ý của đảng trước các vấn nạn gai góc về đất đai. Biết nhưng cụ không sợ hãi, cụ đứng lên trước người dân Đồng Tâm năm lần bảy lượt bị khủng bố, bắt giữ, đánh đập, thương tồn thân xác đến tàn tật nhưng cụ không chùn chân. Đã vậy cụ còn cho phép cả nhà mình từ con đến cháu, quây quần chung quanh cụ như những con chim nhỏ bé núp dưới đôi cánh đại bàng để cùng nhau sống còn với miếng đất của mình và của nhân dân.
Cái chết của cụ kéo theo sự tù tội của con cháu cùng hệ lụy không đếm hết của người dân Đồng Tâm. Có lẽ đây là cái chết của một đảng viên gây thương tổn xã hội nhiều nhất. Nó khiến người dân thương cảm bao nhiêu thì hệ thống đảng lại bị dằn xóc bấy nhiêu. Người đứng trong đảng còn lương tri thì chắt lưỡi tiếc cho một hành động được họ đánh giá là “nông nỗi’. Người có chức phận lên án cụ là kẻ phản động chống đảng… cũng không hiếm người nhanh chóng bị cào vào làn sóng dư luận viên cho rằng cụ bị mua chuộc…Mọi biểu hiện đều cho thấy hình ảnh của cụ không những sẽ biến mất sau cái chết như chính quyền mong đợi mà nó lại bùng lên như ánh đuốc trong đêm tối soi rọi những góc khuất nhất của vụ án Đồng Tâm.
Người dân nhắc tới cụ Kình luôn đi kèm tới lời lẽ không hay về ba công an tử thương trong vụ tấn công Đồng Tâm. Có người nhắc tới như một sự đáng tiếc vì dù sao ba người cũng thi hành công vụ mà chết, có người giận cá chém thớt cho rằng hành vi tấn công nhân dân vào đêm tối sẽ chuốc hậu quả không thể khác hơn, nhưng một luồng dư luận khác lại công phẫn với người ký quyết định trao tặng huân chương mà không để ý tới sự bất mãn của nhân dân trước cái chết của cụ Kình.
Ba cái huân chương này không khác gì là vật hối lộ cho một quyết định nông nỗi. Nó chứng tỏ hành vi chữa cháy, an tâm những người có mặt trong trận càn Đồng Tâm và nhắn nhủ với lực lượng vũ trang rằng dù gì đi nữa thì họ cũng sẽ được đảng bao che nếu họ biết vâng lời đảng.
Cụ Lê Đình Kình là một nỗi đau của đảng vì cụ không vâng lời đảng và vì vậy cụ được nhân dân tôn kính. Không có bất cứ thứ huân chương nào đáng tôn quý bằng những cái cúi đầu thinh lặng tưởng nhớ của người dân. Cụ được người dân cả nước đồng lòng nhớ tới và vì vậy cụ vĩnh viễn là một biểu tượng nhân cách trong thời đại mà sự luồn cúi được tôn vinh trong cả hệ thống./.
Leave a Comment