Nguyễn NaM – (VNTB)
Một cái Tết Canh Tý đang nhuốm mùi thuốc súng ở chính trường Việt Nam.
Rất có thể đó là những cái tên quen thuộc mà dân chúng chờ đợi suốt hơn cả chục năm qua: Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải. – http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/thong-cao-bao-chi-ky-hop-42-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong
Hồi chuông báo tử đang gióng?
Chiều 8-1, Ủy ban kiểm tra Trung ương ra thông cáo báo chí kỳ họp 42, theo đó trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, các đảng viên quan chức sau đây được xướng tên: ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố; ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố.
Tương tự ở Hà Nội, danh sách của ‘bảng phong thần’ có: ông Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên phó thủ tướng. “Đàn em” của ông Hoàng Trung Hải được gọi tên trong danh sách ‘củi lò’ này ở Tổng công ty thép Việt Nam, gồm: ông Mai Văn Tinh, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); ông Đậu Văn Hùng, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc; ông Trần Văn Khâm, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT; ông Trần Trọng Mừng, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc; ông Đặng Thúc Kháng, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT; Lê Phú Hưng, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc; ông Ngô Sỹ Hán, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên phó tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Một số quan chức ‘triều đại’ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nằm trong ‘bảng phong thần’ lần này: ông Văn Trọng Lý, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Tài, nguyên hàm vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; ông Đỗ Cảnh Dương, tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hữu Vũ, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Nhìn từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm: có thật chỉ là ‘một tay che trời’?
Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
“Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội. Đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy” – Thông cáo Báo chí Kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có đoạn viết như vậy.
Ông Lê Thanh Hải giữ vị trí lãnh đạo TP.HCM trong suốt gần 20 năm, trong khoảng thời gian xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm như “vừa trải qua một trận ném bom thời chiến” là nhận xét của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ đầu tiên (1997-2001) kể từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996.
Thực tiễn có phần nghiệt ngã hơn. Bom đạn có thể giật sập nhà cửa nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng. Nhưng những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán. Thủ Thiêm là một tình huống điển hình về sự tùy tiện của chính quyền địa phương trong quá trình đô thị hóa, thực thi công vụ trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng và lâu dài.
Thực tế, người dân Thủ Thiêm từng có cơ hội chấm dứt kiếp nạn cách nay hơn chục năm. Theo xác nhận của kết luận từ cơ quan Thanh tra Chính phủ, việc chấp hành quy định pháp luật về trình tự, thủ tục triển khai giải phóng mặt bằng của TP.HCM, trực tiếp là quận 2 có nhiều trường hợp chưa đầy đủ, chưa đúng quy định như: không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng; Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng đã căn cứ vào quy định của UBND TP.HCM ban hành kèm theo các quyết định số 135/2002/QĐ-UB, số 123/2006/QĐ-UBND và số 06/2009/QĐ-UBND để lập bản chiết tính, dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cho từng tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất mà không lập phương án tổng thể để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí bồi thường.
Liệu có phải ở đây là câu chuyện của ‘một tay che trời’?
Hồ sơ vụ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết ngày 22-9-2008, UBND TP.HCM ban hành văn bản số 549/UBND-PCNC-M gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất không phải lập phương án tổng thể, và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý tại văn bản số 977/VPCP-KNTN ngày 3-10-2008.
Không phải UBND TP.HCM không biết đã làm trái quy định pháp luật. Nhưng thay vì cầu thị sửa sai, pháp nhân công quyền này lại tìm cách “hợp thức hóa” bằng văn bản đồng ý đó của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Luật Tổ chức Chính phủ 2001 quy định quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng về đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ “… quyết định, chỉ thị của UBND và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên”. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng không có thẩm quyền cho phép chủ tịch, UBND cấp tỉnh, thành phố làm trái luật.
Nhưng, được văn bản đồng ý của Thủ tướng, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành QĐ 06/2009 về việc bỏ qua thủ tục lập phương án tổng thể để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí bồi thường.
Như vậy, Luật Đất đai bị vô hiệu hóa không chỉ bởi bàn tay của chính quyền địa phương, mà còn có trách nhiệm tiếp tay từ chính quyền trung ương. Nếu Chính phủ thời điểm đó thực hiện tròn vai người kiểm soát, buộc hệ thống chính quyền địa phương tuân thủ pháp luật, tấn bi kịch Thủ Thiêm biết đâu đã dừng lại từ 2008, với cả dân lẫn chính quyền.
Bên cạnh đó, những định chế sẵn có như tòa hành chính không đủ thẩm quyền, chuyên môn, sự độc lập để giải quyết những xung đột như Thủ Thiêm, bị tác động bởi lợi ích kinh tế đan xen quyền lực chính trị…
Một cái Tết Canh Tý đang nhuốm mùi thuốc súng ở chính trường Việt Nam.
Leave a Comment