Quảng Cáo

Đập Rào Nan đe dọa sẽ là quả bom nước dội xuống đầu dân chúng

Quảng Cáo

Các linh mục Giáo hạt Hòa Ninh, Quảng Bình phát lời kêu gọi Hiệp Thông yêu cầu dừng xây dựng đập Rào Nan để tránh đe dọa của viễn cảnh quả bom nước đang đung đưa trên đầu cư dân.

Thư kêu gọi Hiệp Thông được linh mục Giáo hạt Hòa Ninh thuộc Giáo phận Hà Tĩnh đồng ký tên vào ngày 27/12/2019. Trong thư kêu gọi, quý linh mục cho biết, nếu đập Rào Nan được xây dựng cao lên sẽ tạo thành “quả bom nước” treo lơ lững trên đầu người dân của 9 xã vùng nam Quảng Trạch, và yêu cầu nhà chức trách cần phải “giải trình dự án một cách công khai và rộng rãi”.

Thư kêu gọi hiệp thông cũng nói tới việc “chính quyền dùng đủ cách, như dụ dỗ, dọa dẫm, chạy chọt, và nhất là dùng truyền thông để bêu xấu người dân và linh mục, thậm chí họ còn hăm dọa giết các linh mục”. Vụ việc đe dọa này xuất phát từ việc vào giữa tháng tám năm 2019, một số linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như những anh chị em lương dân đã cầm băng rôn đến khu vực đập Rào Nan để phản đối dự án.

Theo tài liệu mà người viết được tiếp cận, dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan có vị trí xây dựng tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Đây là một dự án nằm trong nguồn trái phiếu của chính phủ, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, thẩm định và phê duyệt.

Dự án với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Phương án xây dựng công trình thuỷ lợi Rào Nan sẽ dựa trên hệ thống kênh đã có. Dựa trên nền móng của đập dâng tràn cũ, đập dâng tràn mới sẽ xây dựng bằng bê tông cốt thép dài 177,4m và cao 7m.

Tại dự án hệ thống thủy lợi trọng điểm Rào Nan, vấn đề tranh cãi nổi lên giữa người dân vùng dự án và nhà quản lý liên quan đến vị trí tuyến công trình. Dự án này chỉ cách hộ dân gần nhất là 150m, nếu có sự cố vỡ đập sẽ uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống của hàng thăm hộ dân trong thôn. Sợ hãi về quả bom nước lơ lững đó hoàn toàn hợp lý ở bối cảnh có nhiều ý kiến lo lắng về sự cố, mất an toàn công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, diễn biến bất thường.

Bà Nguyễn Thị Thu, người dân sống sát chân đập tràn cũ cho biết: “Xây đập thì cũng được, nhưng phải di dời lên cách đập cũ 5km, dân chúng tôi không cho xây dựa trên đập cũ, bình thường mùa mưa bão nước đã lên cao quá nửa chúng tôi rồi, nay xây dựng đập thuỷ lợi mới thì chúng tôi còn lo sợ gấp trăm lần, nếu sự cố đập mà vỡ thì cả thôn chúng tôi sẽ bị xóa sổ. Đã có rất nhiều cuộc họp và tất cả người dân ở Thôn không đồng tình triển khai xây dựng Dự án”.

Tiếp lời, bà Phan Thị Thuỷ, thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, chia sẻ nỗi niềm: “Dân chúng tôi khổ lắm, đây gần như là thượng nguồn sông Rào Nan, nên mùa mưa bão là chúng tôi ảnh hưởng nặng nhất, nước lũ dâng cao đến quá nữa nhà, với dòng chảy siết lũ cuốn trôi tất cả những gì có thể. Cứ sau một trận lũ lụt như thế, dân chúng tôi đã khiếp sợ rồi. Mà bây giờ chắn ngang dòng sông, xây đập cao 7m, mùa mưa lũ, đập quá gần dân, rồi lỡ đập vỡ thì dân chúng tôi bị trôi sạch à?”.

Ngày 30/12/2019, công thông tin điện tử của Công an tỉnh Quảng Bình có bài viết “Triển khai dự án thủy lợi Rào Nan: Hợp lòng dân, lợi ích kinh tế lớn” – https://conganquangbinh.gov.vn/trien-khai-du-an-thuy-loi-r…/. Bài viết có đoạn: “Không có đập Rào Nan dân đây quá khổ, thiếu gạo, thiếu lương thực, nhưng từ khi có Rào Nan đến nay đời sống người dân được cải thiện rõ rệt”. Nhận định đó của bài viết là nói về câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước, lúc chính quyền miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho xây dựng đập này ở bờ bắc sông Gianh.

Bài báo của Công an tỉnh Quảng Bình có đoạn mang tính ‘chụp mũ’, hình sự hóa quan hệ dân sự: “Trong thời gian qua, một số đối tượng phản động đã tung tin, bịa đặt nhằm gây mất lòng tin trong nhân dân về dự án đập thủy lợi Rào Nan. Chúng còn tung tin cho rằng, nhân dân Linh Cận Sơn đã móc nối, nhờ cậy các “Linh mục” để rao giảng, cản trở việc thi công Dự án thủy lợi Rào Nan”.

Rộng đường dư luận, xin trích ghi ở đây các số liệu ở bài viết về tỉnh Quảng Bình trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, cơ quan báo chí nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: “Trong 133 hồ đập do địa phương quản lý, theo báo cáo của các huyện, thành phố, thì chưa có tổ chức nào được chính quyền huyện, xã bàn giao quản lý đích thực. Các HTX nông nghiệp, thôn chỉ làm dịch vụ chuyên khâu tưới, còn công tác quản lý đơn thuần chỉ là quản lý hành chính chung. Các hồ đập không có hồ sơ lưu trữ, thiếu các thông số về hồ chứa và cán bộ quản lý hồ không có trình độ chuyên môn nên những quy định về quản lý hồ, đập thực hiện không đầy đủ”.

“Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cũng xác nhận, việc quan trắc trong mùa mưa bão chủ yếu quan trắc mực nước hồ. Có nghĩa là, cán bộ xem, quan sát mực nước hồ bằng mắt thường để phục vụ công tác vận hành. Vì vậy có thể nói, nằm trong rốn bão lũ, nhưng Quảng Bình vẫn đang còn sơ sài trong quy trình vận hành hồ chứa nước”.

“Trong mùa mưa lũ, phần lớn các hồ chứa tại Quảng Bình được vận hành theo cơ chế kinh nghiệm có sẵn”.

“Hiện nay, chỉ mới có hồ chứa nước Vực Tròn đã được kiểm định (năm 2016) còn lại chưa thực hiện kiểm định an toàn đập. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh thì Quảng Bình có 5/9 hồ (dung tích trên trên 10 triệu m3 nước), đã tích nước trên 10 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp cần kiểm định. Có 133/141 hồ (dung tích dưới 10 triệu m3) có thời gian tích nước trên 7 năm chưa được sửa chữa, nâng cấp”.

Các đoạn trích ở trên nằm trong bài “An toàn hồ đập ở Quảng Bình: Còn đó nỗi lo”, phát hành ngày 10/12/2019 –https://nongnghiep.vn/an-toan-ho-dap-o-quang-binh-con-do-no…

Nhắc lại, không như những gì mà trang thông tin điện tử Công an tỉnh Quảng Bình đã đăng hôm 30/12/2019 (nguồn đã dẫn), theo người dân tại thôn Linh Cận Sơn cho biết, họ không phản đối việc xây dựng dự án nhưng lo ngại việc xây đập thủy lợi gần nhà sẽ gây nên tình trạng lũ lụt khi có mưa lớn và có mong muốn di dời con đập của dự án này lên cách dân 5km hoặc hạ thấp độ cao của đập.

Những năm 2010, 2013 và 2016 tại xã Quảng Sơn đều xảy ra lũ lớn. Trải qua các trận lũ lụt lớn này hầu hết những người dân trong thôn Linh Cận Sơn đều có mong muốn di chuyển con đập lên cách xa dân để an toàn hơn khi có lũ về.

Trước yêu cầu soạn thảo các phương án di dời hoặc làm nhà chống lũ để người dân có thể trú tránh trong các trường hợp khẩn cấp ở dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan, cho đến nay phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn từ chối, với lý do được đăng trên nhiều tờ báo: “Dự án đã được các chuyên gia đầu ngành khảo sát kỹ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh của bất kỳ một cá nhân, hộ gia đình nào, vì vậy, không có lý do gì chúng ta phải tính phương án di dời dân”. (https://www.nguoiduatin.vn/250-ho-dan-lo-dap-thuy-loi-350-t…)

Tuyên bố chắc nịch đó khiến không ít người nhớ đến ông Nông Đức Mạnh từng ‘hùng hồn’ (hay ‘hùng hổ’) phát biểu: “Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp đang mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng theo lời kêu gọi của đại hội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta sẽ tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng và của dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng”.

(Trích phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại lễ kỷ niệm chiến thắng 30-4, Ngày quốc tế lao động 1-5 và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ngày 28-4-2006) –https://tuoitre.vn/viet-nam-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-nam-…

https://vietnamthoibao.org/vntb-dap-rao-nan-de-doa-se-la-q…/

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux