Chính sách lớn – xuất khẩu culi

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Hiện nay người Việt ở Mỹ thế hệ đầu tiên hầu hết đã nghỉ hưu, còn người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ 2 được hưởng một phần của nền giáo dục nước Mỹ thì họ cũng đang coi nước Mỹ là tổ quốc mà họ phụng sự, còn nước Việt trong họ đã trở thành hình ảnh thứ 2 sau hình ảnh quốc gia mà họ đang sống. Với người Việt thế hệ thứ 3 được sinh ra và lớn lên hoàn toàn dưới môi trường ngoại quốc thì hình ảnh nước Việt trong họ đã trở nên xa lạ. Và cũng từ đây, họ sẽ chỉ biết đất nước mà họ được sinh ra và lớn lên mà thôi.

Đó là sự chuyển hóa thế hệ rất tự nhiên mà không một cộng đồng di cư nào tránh khỏi. Chính vì thế mà lượng kiều hối về Việt Nam từ những người Việt sống ở hải ngoại gởi về cho gia đình vơi dần là điều chắc chắn. Mà nếu chính quyền CS để lượng kiều hối sụt giảm thì sẽ đưa đến tình trạng khan hiếm đô la làm chính phủ thiếu dự trữ ngoại tệ. Mà thiếu hụt dự trữ ngoại tệ thì chính phủ khó mà kiểm soát được thị trường ngoại hối, điều đó kéo theo việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn. Hiện nay kiều hối rót về Việt Nam chủ yếu qua 2 đường: thứ nhất là do Việt Kiều đang định cư ở nước ngoài gởi về; và thứ nhì là tiền công lao động do những người đi “xuất khẩu lao động” gởi về. Với nguồn kiều hối từ khối việt kiều rõ ràng hiện nay đang giảm, thì muốn tăng kiều hối tất nhiên chính quyền CS phải đẩy mạnh “xuất khẩu lao động” như là một chính sách lớn của đảng và nhà nước.

Ngày 16/11/2019 trên báo Hải Quan có bài viết “Vốn ngoại vào Việt Nam giảm nhưng vẫn rất lạc quan”, đã cho biết vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Như ta biết, năm 2019 là năm mà Trung Quốc lâm vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nên theo lý mà nói, Việt Nam sẽ tăng đầu tư nước ngoài do đón lấy nguồn vốn ngoại đang rút ra khỏi Trung Quốc chứ tại sao lại giảm? Và bức tranh cho thấy, nền kinh tế Việt Nam chưa thoát nghèo nhưng đã bắt đầu đi vào thời kỳ xuống dốc của nó. Ai cũng biết, nền kinh tế Việt Nam đang dựa vào những doanh nghiệp ngoại quốc rất lớn, doanh nghiệp ngoại quốc chiếm đến gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nếu nguồn đầu tư ngoại đang giảm thì cũng đồng nghĩa rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khó mà duy trì ở mức cao được.

- Quảng Cáo -

Mỗi năm kiều hối gởi về Việt Nam một lượng chiếm khoảng 8% GDP, nó luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Mà nói cho cùng lượng tăng trưởng GDP ấy nó không phản ánh giá trị thực sự của hàng hóa đã gia tăng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì sao? Vì đơn giản những thứ chi phí vô ích cũng được tính vào đấy như: chi để sửa chữa công trình kém chất lượng do tham nhũng, hay lượng tiền khổng lồ thất thoát do tham nhũng cũng tính vào GDP thông qua khoản chi tiêu chính phủ vv… Nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì chắc chắn nguồn thu mgoại tệ sẽ tăng, nhưng mà ai cũng biết, xuất khẩu của Việt Nam hết 70% phụ thuộc các doanh nghiệp ngoại, mà nguồn đầu tư ngoại quốc đang giảm thì làm sao đẩy mạnh xuất khẩu? Đây là bài toán khó cho chính quyền CS. Còn doanh nghiệp trong nước thì có thể nói, thực lực còn rất yếu nên không thể buộc khối doanh nghiệp này đẩy xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ cho quốc gia được. Như vậy bài toán nào cho chính quyền CS tăng nguồn thu ngoại tệ? Mọi ngả đường đều khó, chỉ còn tăng xuất khẩu lao động là nằm trong tầm tay của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mà thôi.

Hôm ngày 02/01/2020 trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có đăng bài “Gần 150.000 người đi làm việc ở nước ngoài, mức kỷ lục trong 6 năm” đã cho biết kết thúc năm 2019 đã có gần 150 ngàn người Việt tỏa đi khắp thế giới làm culi, tăng hơn 22% so với kế hoạch được đưa ra. Đây là con số tăng rất lớn nếu như ta biết ngày 18/10/2019 trên trang Tạp Chí Bảo Hiểm Xã Hội cho biết từ khoảng 8 năm trước thì chỉ khoảng 100 ngàn người xuất khẩu lao động mà thôi.

Số người xuất khẩu lao động vượt dự tính đến 22% đã nói lên rằng, năm 2019 người dân Việt Nam tìm cách đi nước ngoài mãnh liệt như thế nào, và vụ 39 người chết lạnh trong container nhập cư lậu vào Anh Quốc hôm tháng 10/2019 vừa rồi đã nói lên điều đó. Thông qua con số tăng đột biến này chúng ta thấy gì? Nó cho chúng ta thấy rằng, thị trường lao động trong nước đang bị co lại. Hay nói đúng hơn nền kinh tế Việt Nam vốn không đủ khả năng tạo công ăn việc làm cho công dân nước mình nay lại còn bị teo tóp nên đẩy người dân túa đi khắp thế giới làm culi. Và chính điều đó tạo nên con số vượt dự tính của của chính quyền.

Cho dù năm 2019 vừa rồi chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo tăng trưởng GDP đến 7% nhưng qua hình ảnh thị trường lao động trong nước đang co hẹp, nó đã cho chúng ta thấy bóng dáng của một nền kinh tế suy thoái. Nói chung, nền kinh tế Việt Nam có tăng trưởng nhưng không hề phát triển, ấy vậy trong bài “Thủ tướng: Giảm đà phát triển để an toàn là tư duy không thể chấp nhận” được đăng trên tờ Vneconomy, ông thủ Phúc đã nhầm lẫn giữa “tăng trưởng” và “phát triển”. Một con người nắm sinh mệnh nền kinh tế đất nước mà không phân biệt giữa tăng trưởng và phát triển thì rõ ràng, ông này chẳng khác nào một người mù đang cầm lái con tàu kinh tế của đất nước.

Có người cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc biết nhưng ông ta cố tình mị dân, nhưng theo tôi thì ông ta không biết, vì sao? Vì đơn giản, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hiện nay đang theo đuổi con số tăng trưởng mà không hề chú ý đến phát triển nội lực nền kinh tế đất nước. Sẽ không có con đường khả dĩ nào cho đất nước nếu cứ để tồn tại cái thể chế này và cách chọn người lãnh đạo kiểu như hiện nay.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:
https://haiquanonline.com.vn/von-ngoai-vao-viet-nam-giam-nh…

https://www.thesaigontimes.vn/…/gan-150000-nguoi-di-lam-vie…

http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/…/moi-nam-ca-nuoc-co-hon-1…

http://vneconomy.vn/thu-tuong-giam-da-phat-trien-de-an-toan…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here