Sau năm 1975, ngồi dưới mái trường XHCN, cô giáo dạy chính trị kể chuyện TBT Lê Duẩn sang thăm Liên Xô. Đồng chí TBT chứng kiến cảnh đang lúc mây đen phủ kín bầu trời nhưng không chịu mưa, hạn hán kéo dài, Liên Xô ta đã bắn tên lửa lên đám mây và lập tức trời đổ mưa. Về nước, đồng chí TBT tuyên bố và thành Nghị quyết: 10 năm sau Việt Nam sẽ làm được điều kỳ diệu mà Liên Xô đã làm! Không chỉ bắn lên đám mây có sẵn mà còn kéo mây trên thế giới về Việt Nam để bắn!
Khi thi môn chính trị với câu hỏi về con đường Công nghiệp hóa XHCN, tôi kể lại chuyện cô giáo đã kể và liên hệ thêm với huyền thoại Hậu Nghệ dùng cung tên bắn rơi Mặt Trời để ngợi ca huyền thoại thời đại chúng ta. Tôi múa bút sang cả ca dao hiện đại “Ông thần ông thánh thì gạt một bên/ Để cho ông Nông hội lên làm Trời”. Nông hội là Đảng ta. Thời hợp tác xã, Nông hội là Trời thật, muốn nắng có nắng muốn mưa có mưa, thậm chí muốn sấm sét có sấm sét… Tôi còn tưởng tượng ra Đảng ta có khả năng tận dụng được sấm sét để thực hiện “điện khí hóa” phục vụ cho “công nghiệp hóa”.
Thời đó tôi chẳng biết gì về thế giới tư bản ngoài 2 tri thức: một là từ thực tiễn chế độ Mỹ -Ngụy ở miền Nam, toàn ma túy và gái đĩ; hai là từ trong sách vở, cuộc sống u ám như mây đen phủ kín bầu trời, tất cả đang giãy chết. Tôi đưa hết vào bài làm và kết luận cuộc chiến “ai thắng ai” đã đến hồi kết khi mặt trời tỏa sáng rực rỡ ở Việt Nam và phe XHCN.
Bài thi của tôi được cô giáo cho 10 điểm và được quảng bá cho toàn trường. Cô lấy tôi làm gương về một nhà tuyên giáo thiên tài trong tương lai. Tự hào lắm, đến mức tôi không còn biết tôi là ai nữa.
Hôm qua về quê ăn giỗ. Ông chú họ tôi khoe nhà ông bây giờ thứ gì cũng có. Máy cày, máy cuốc, máy lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy rửa chén… Ông có 6 đứa con gái lấy chồng thành phố, mỗi đứa mang về cho một thứ. Ông ở quê, nhưng rất công nghiệp. Tôi chúc mừng chú đã tiến nhanh tiến mạnh lên công nghiệp hóa. Nói đoạn tôi hỏi: “Chú xem còn thiếu gì nữa không?” Chú nghĩ chưa ra. Tôi gợi ý, đã là công nghiệp hóa thì là máy móc làm thay chân tay, chúng ta không cần mó tay vào cái gì hết. Mắt ông bỗng sáng lên: “Nhà tao còn thiếu cái máy ỉa”!
Vậy là cả nhà cụng ly chúc mừng. Tất cả hoan hỉ như là sẽ có máy ỉa thật. Tôi trịnh trọng tuyên bố: “Bây giờ đã bước sang 2020, thời hạn cuối cùng cho chúng ta bước sang kỷ nguyên công nghiệp hóa toàn diện. Hy vọng các nhà “công nghiệp hóa” sẽ làm được điều cả thế giới không làm được: sáng chế ra máy ỉa. Từ đó mỗi khi ỉa chúng ta không cần ngồi rặn và mó tay vào đít nữa”.
Lại cụng ly chúc mừng máy ỉa. Rồi cả nhà thi nhau ăn cho hết cái mâm cao cỗ đầy vì không phải lo chuyện ỉa.
Tôi mô tả hình ảnh cái máy ỉa cho mọi người hình dung. Rằng khi ta ăn no, no bao nhiêu cũng được, máy sẽ tự động tiêu hóa và tự động xả ra cứt, tự động làm vệ sinh và xử lý môi trường, thậm chí tự động tái chế thành… thực phẩm mới.v.v… và .v.v…
Cả nhà há hốc mồm ra mà nghe, mà tưởng tượng. Thằng em tôi bụng xấu, ăn no hay bị đau bụng, nó hỏi: “Ăn quá no có bị đau bụng không anh?” Tôi cười: “Hỏi ngu. Nếu Mỹ hay Nhật mà có máy ỉa thì ắt không thể giải quyết được đau bụng. Nhưng đã là máy của ta thì ăn tuồn tuột và ỉa tuồn tuột, vì ta có công nghệ bôi trơn”. Nghe thế ai cũng tự hào thốt lên “hay quá!” và vỗ tay.
Khi tôi còn đang huyên thuyên tuyên truyền về công nghiệp hóa và chức năng của máy ỉa thay người thì bất ngờ mẹ tôi đưa luôn cả đôi đũa đang gắp thịt dí thẳng vào mũi tôi và mắng: “Tiên sư mày! Tiến sĩ mà bốc phét như cái thằng nhà quê vô học vậy! Mày có biết tao vẫn phải ỉa đồng không? Ỉa xong cho chó liếm thì có chứ có máy ỉa nào?”
Leave a Comment