Cuộc thương chiến Mỹ – Trung đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam một “phép lạ” như nhiều chuyên gia quốc tế đã dự báo. Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 đã hưởng lợi rất lớn từ cuộc thương chiến này khi nhịp độ xuất khẩu hàng hoá gia tăng từng tháng một. Từ những công ty bỏ chạy khỏi Trung Quốc tìm đất đứng ở Việt Nam để sản xuất, đến đủ loại hàng hoá đội lốt để tránh thuế quan Mỹ đã đẩy cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu của Việt Nam đạt con số bất ngờ 263 tỷ Mỹ Kim.
Phải thừa nhận kinh tế Việt Nam được mùa trong năm 2019 vì hàng xuất khẩu đã tăng mạnh khi so với những năm trước. Từ khi vào được WTO, Việt Nam trở thành một thị trường khá quen thuộc đối với Mỹ. Vì thế, các đợt áp thuế vừa qua của chính phủ Trump buộc các công ty Mỹ tìm mua hàng ở Việt Nam nhiều hơn để tránh thuế quá cao khi mua hàng Trung Quốc như trước đây.
Một ví dụ cụ thể, đèn và các vật dụng trang trí trong mùa lễ Giáng Sinh 2019 và Tết Dương Lịch 2020, các công ty Mỹ tránh mua hàng gốc từ Trung Quốc mà tìm mua từ Việt Nam với mức thuế quan rẻ hơn nhiều. Trong thực tế, nhiều công ty Việt Nam đã nhập những linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc để gia công và dán nhãn “Made in Vietnam”. Việt Nam tỏ ra hài lòng khi vừa gia công, vừa né thuế cho Trung Quốc và thu lợi về mình.
Nhưng không chỉ có thế mà Việt Nam thu về được hàng trăm triệu đô-la lợi nhuận. Mà còn có những mặt hàng khác như điện tử, sắt thép có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng góp phần vào sự thịnh vượng nhất thời cho Việt Nam. Chính nhờ vậy mà hôm 27 Tháng Mười Hai, trong Hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ Công Thương, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc lớn tiếng khoe hoạt động thương mại năm 2019, tạo một dấu ấn bất ngờ khi kim ngạch xuất khẩu lên đến 263 tỷ Mỹ Kim, và toàn ngành đạt 516 tỷ Mỹ Kim.
Và trong cơn hào hứng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đòi Bộ Công Thương sang năm 2020 phải đẩy con số này lên 300 tỷ USD và xuất siêu lên 2% GDP, khi khai triển kế hoạch xuất cảng! Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam bỏ qua và không lường trước những lời cảnh cáo từ phía Mỹ về một quốc gia “lợi dụng tồi tệ”, đưa đến hệ luỵ Mỹ áp thuế 450% lên thép “Made in Việt Nam” xuất sang nước họ.
Như để hoà nhịp và nâng cao vị thế Thủ Tướng Phúc, Bộ Trưởng Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cho biết năm 2019, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt qua 7%, nghĩa là “đứng hàng đầu thế giới”. Có lẽ vì chói mắt trước những thành tựu chói sáng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 hay vì một lý do thầm kín nào đó, một ông tiến sĩ giảng viên ở Đại Học Fulbright vội vàng lên tiếng. Ông giáo sư tiến sĩ này đã đề nghị trao “huy chương vàng kinh tế” để ghi nhận tài lãnh đạo nổi bật về kinh tế của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2019. Tuy nhiên dư luận trên các trang mạng xã hội lại chế giễu, cho rằng Thủ Tướng Phúc xứng đáng với tài làm “kinh tế gì… kinh thế” vì ông chỉ biết các con số mờ ảo do thống kê mớm cho.
Ở một khía cạnh khác, nếu xét cho kỹ con số tăng 263 tỷ USD mà Thủ Tướng Phúc tự hào, thì có đến 70% do các doanh nghiệp vốn nước ngoài (FDI) tạo ra. Con số 30% đầy khiêm nhường còn lại là của các doanh nghiệp chính cống Việt Nam, tư doanh lẫn quốc doanh. Ai cũng thấy một điều hiển nhiên, con số 30% ấy không thể là một thứ tiềm lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam cất cánh thành rồng thành hổ trong tương lai, như sự hô hào đầy phấn khởi của người đứng đầu chính phủ.
Như vậy, ngoài mặt thì Việt Nam được đánh giá một cách lạc quan là nước hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Nhưng trong thực tế thì chỉ có các công ty ngoại quốc nắm phần thắng, còn các công ty Việt Nam vẫn xơ xác cựa quậy trong thể chế kềm kẹp bởi não trạng kinh tế chỉ huy.
Tệ hại hơn nữa trong năm 2020, vì Việt Nam tiếp tục để Trung Quốc khuynh loát kinh tế lẫn chính trị, Mỹ sẽ đánh Việt Nam mạnh hơn bằng thuế quan. Và cái mục đích cuối cùng Mỹ sẽ đạt được, Việt Nam phải ngả theo lập trường Mỹ nếu muốn hưởng lợi thế như lâu nay. Do đó, thái độ vội vàng vui mừng nhảy múa với các con số xuất cảng gia tăng của Thủ Tướng Phúc chẳng qua là chỉ để che đậy sự yếu kém của chính mình mà thôi.
Sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhuốm một màu u ám hơn, bởi phải đối diện với số nợ công quá lớn. Dù Bộ Tài Chánh luôn trấn an rằng nợ công giảm xuống 48% so với 53% của năm 2016, nhưng thật khó tin Việt Nam có thể xoay sở khả quan với nợ do chính phủ bảo lãnh. Để trả nợ đáo hạn hàng năm, Việt Nam phải tìm cách đi vay nhiều hơn, áp dụng chiến thuật đầy nguy hiểm là lấy nợ mới trả nợ cũ của những con nợ chuyên tiêu hoang tiền thiên hạ.
Cụ thể trong năm 2020, do ngân sách thâm thủng và nhu cầu trả nợ, Việt Nam phải vay thêm 460 ngàn tỷ đồng nhằm 2 mục đích: cân đối ngân sách chi tiêu và trả nợ đáo hạn. Tiềm lực kinh tế bị bào mòn do ngân sách năm nào cũng thâm thủng từ 7 đến 10 tỷ Mỹ Kim; 460 ngàn tỷ đồng vay thêm rõ ràng là một gánh nặng đè lên chính sách thuế khoá ngày càng vắt kiệt sức dân.
Đó là thực trạng kinh tế Việt Nam hôm nay và tương lai, bên cạnh những thành tựu hào nhoáng của 30 năm “Đổi Mới”. Không phải là không có lý do khi sự chậm trả nợ đã khiến cho tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Moody’s Investor Service) hạ Việt Nam xuống mức “tiêu cực” như một lời cảnh cáo nghiêm khắc.
Dĩ nhiên Việt Nam “không thể đổ lỗi cho ai cả” như lời ông Thủ Tướng Phúc nói, nhưng thể chế yếu kém lại đầy ràng buộc, sự phung phí tiền bạc và khả năng quản trị của cán bộ nhà nước chính là những nguyên do quan trọng nhất đã biến Việt Nam thành một quốc gia “không muốn phát triển” duy nhất trên thế giới.
Trong khi Thủ Tướng Phúc khoe sản xuất gia tăng, hàng năm Việt Nam phải đưa từ 70 ngàn đến 120 ngàn lao động xuất khẩu đủ loại ra nước ngoài kiếm tiền nuôi gia đình và nuôi cả bộ máy cai trị. Đó là gì? Đó là một thực tế đắng cay mà các lãnh đạo cộng sản cố tình làm ngơ để chỉ sống và tự hào với những chỉ tiêu kinh tế hoang đường.
Cho nên đừng nhìn vào những con số nhảy múa của Thủ Tướng Phúc, mà hãy nhìn vào thực tế để thấy rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, về căn bản vẫn còn là một nền kinh tế yếu kém, dù chỉ so sánh trong phạm vi Đông Nam Á.
Đó không phải do người dân Việt Nam ù lì ngu dốt, hay kém tài năng mà do họ được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo thiếu kiến thức kinh tế thị trường và những chính sách đầy sai lầm của chế độ toàn trị. Nó khiến cho những cơ hội phát triển của Việt Nam bị bỏ qua và bị trì kéo về thời kỳ lạc hậu. Những cơ hội phát triển hiện nay nếu có, chỉ giúp cho đầu tư nước ngoài ngày càng mở rộng và vươn lên mà thôi./.
Leave a Comment