“Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Chí Dũng”: viễn tưởng!?

- Quảng Cáo -

Yêu cầu “Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phạm Chí Dũng” là viễn tưởng khi cơ chế xét xử hiện nay đối với các nhóm tội thuộc “xâm phạm an ninh quốc gia” còn phân biệt đối xử với các nhóm tội khác.

Phân biệt đối xử

Phân biệt đối xử, một thuật ngữ xã hội học nhằm chỉ tới một sự đối xử đối với một cá nhân hay một nhóm nhất định dựa vào sự phân loại tầng lớp hay đẳng cấp. Trong từng bối cảnh xã hội, thể chế chính trị riêng biệt, phân biệt đối xử sẽ dựa trên giới tính, tôn giáo, chủng tộc, hay quan điểm chính trị,… Dễ dàng nhận ra đối với các quốc gia Hồi giáo sẽ là giới tính (tôn giáo), trong khi các quốc gia theo chế độ cộng sản sẽ là tôn giáo và quan điểm chính trị.

Dù là phân biệt về mặt giới tính hay chính trị, bản chất của phân biệt đối xử là một sự bất công về mặt lập pháp đối với các thực thể xã hội.

- Quảng Cáo -

Câu chuyện “Nhà báo Phạm Chí Dũng không có quyền gặp luật sư vì vụ án chưa kết thúc điều tra” dựa trên Quyết định số 01/QĐ-VKSP1 ngày 16/12/2019 là một trong những minh chứng cho sự phân biệt đối xử đó.

Tác giả Trần Dzạ Dzũng, trong một bài viết liên quan được đăng trên Thời báo Việt Nam vào ngày 24 tháng 12 năm 2019, cũng đã đề cập đến vấn đề này. Lý do đưa ra cho việc hạn chế quyền tiếp cận luật sư được đưa ra bởi công tố vì tội của ông Dũng thuộc loại “tấn công an ninh quốc gia” được quy định tại Điều 74 của Bộ luật truy tố. Tố tụng hình sự 2015.

Hàm ý của “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” là khá rộng và chưa được làm rõ hoặc đưa ra hướng dẫn cụ thể. Do đó, vai trò của luật sư trong việc bào chữa cho các bị cáo trên cơ sở “an ninh quốc gia” dường như chứng kiến và ghi lại bản cáo trạng đến mức cấu thành một truyền thống “án bỏ túi” trong các phiên tòa hình sự này.

Ông Phạm Chí Dũng không phải là người đầu tiên, hay người cuối cùng bị “phân biệt đối xử” vì chính kiến [chính trị/kinh tế/xã hội] của mình, bởi trước đó, rất nhiều trường hợp luật sư bị hạn chế tiếp xúc, thậm chí về cả mặt hồ sơ vụ án khi bầu chữa cho những người bất đồng chính kiến.

Vào tháng 8/2018, Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình về việc Tòa án Nhân Dân tỉnh Nghệ An từ chối cho ông thực hiện quyền sao chụp hồ sơ vụ án hình sự. Lý do, hồ sơ vụ án “thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là tài liệu bí mật của nhà nước”.

“Xâm phạm an ninh quốc gia” trở thành một tội danh tuyệt đối hóa tội trạng của bị can, hạn chế – tước bỏ quyền được bầu chữa của họ, thậm chí, trong một số trường hợp, bầu chữa trong các tội danh “an ninh quốc gia” trở thành tình tiết bị đe dọa là sẽ làm “gia tăng án” [1].

Do đó, để đấu tranh thay đổi sự phân biệt đối xử đối với những người bất đồng chính kiến, cần thiết phải vận động và thay đổi nội hàm “tội xâm phạm an ninh quốc gia”, trong đó có Điều 74, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 của chính những người từng là “nạn nhân” của chính nó, và của chính giới luật sư Việt Nam.

Yêu cầu sự công bình trong xét xử

Trong khi chờ đợi công bình này, thì đối với vấn đề ông Phạm Chí Dũng, đòi hỏi trả tự do không điều kiện cho ông là điều viễn tưởng. Trong khi đó, yêu cầu một phiên tòa công bằng đối với ông là điều nên làm.

Giám sát, thông tin, và phản ứng là điều cần thiết đối với các “vấn đề phát sinh” đi ngược lại nhân quyền.

Trong thông báo khởi tố hình sự đối với ông Phạm Chí Dũng vì có hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” được đăng tải trên trang thông tin của Công an Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/11/2019, có đề cập đến việc, hoạt động của ông Phạm Chí Dũng “tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự Thành phố”.

Tội danh thì đã có căn cứ pháp lý tại Điều 117, nhưng làm thế nào để chứng minh “tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thành phố”. Bởi chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là tình tiết cực kỳ quan trọng trong “định tội, khung hình phạt”. Nếu căn cứ theo thông báo của Sở Công an Tp. Hồ Chí Minh, thì để đảm bảo khách quan và công bình, trên cơ sở của cái gọi là “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, thì phải “lấy mẫu” (số lượng người nghĩ rằng bài viết đó là tác động xấu, tác động về kinh tế thông qua chỉ số sụt giảm, tác động về trật tự an toàn xã hội thông qua gia tăng số người xâm hại an ninh quốc gia,…) để đo được tác động xấu đối với trật tự an ninh và xã hội.

Tuy nhiên, chưa bao giờ phía cơ quan chức năng thực hiện điều này đối với tội danh thuộc “xâm phạm an ninh quốc gia”, mà hoàn toàn dựa vào tính chất chủ quan của cái gọi là “giám định tư pháp” (giám định tư tưởng) để làm căn cứ truy tố và kết án. Cụ thể, tội danh mà ông Phạm Chí Dũng bị áp dụng sẽ thuộc quyền giám định của “Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, theo Thông tư 24/2013 của Bộ thông tin và Truyền thông về “Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông”.

Chính những cơ sở này đã khiến cho bất kỳ ai bị ghép tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” bị đặt ra khỏi tính chất “pháp quyền” vốn đã ít ỏi trong nền chính trị – xã hội hiện tại. Nói cách khác, nếu so với hoàn cảnh của ông Hồ Chí Minh vào thập niên 30 (Thế kỷ XX), khi đối diện với Tòa án Hồng Kông, thì vai trò, vị trí của luật sư Việt Nam bị thua thiệt rất là nhiều. Khi “tranh luận” trong các phiên tòa “xâm phạm an ninh quốc gia” của các luật sư và thân chủ dường như là cuộc chiến chống lại “cối xây gió”.

Ông Phạm Chí Dũng khi còn tự do từng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng “tranh luận” về tính đúng sai của bài viết mà ông phát hành. Tinh thần đó nếu dựa trên quan điểm “không ngại đối thoại, tranh luận” của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo TW ĐCSVN là phù hợp và pháp quyền. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một cuộc “tranh luận” nào được diễn ra, mà chỉ có bắt giam và án tù “đón chào” ông sau khi ông tin vào quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp nhà nước đã quy định.

Thay vì yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và không điều kiện”, những ai quan tâm đến ông Phạm Chí Dũng hãy yêu cầu một “phiên tòa công bằng” đối với chính ông và phù hợp với các Công ước về quyền dân sự – chính trị mà Việt Nam ký kết.

“Mọi người đều bình đẳng trước các toà án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự”, Điều 14, Công ước về Quyền Dân sự và Chính trị.

Chú thích:

[1] https://baotiengdan.com/…/ky-su-nguyen-ngoc-anh-nguoi-nhu-…/
https://vietnamthoibao.org/21201-2/

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here