Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 700 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết do ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, có hàng triệu trẻ em phải sống với bệnh tật cả đời do tổn hại mà ô nhiễm không khí gây ra cho não và cơ thể.[1]
Các con số này không có gì đáng ngạc nhiên bởi có tới 9 trên 10 người đang hít không khí ô nhiễm mỗi ngày, và có hơn 93% trong số 1,8 tỷ trẻ em phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, trong đó có 630 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.[2]
Tại các nước đã phát triển, có hơn một nửa trẻ em dưới 5 tuổi phơi nhiễm với ô nhiễm không khí ở các mức cao hơn giới hạn an toàn của WHO. Trong khi đó, tỷ lệ này lên tới 98% tại các nước đang phát triển.[3]
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nói chung và trước tác hại của ô nhiễm không khí nói riêng. Bên cạnh tác hại của ô nhiễm đối với cơ thể, tác hại của nó đối với não trẻ em đã được chỉ ra qua nhiều nghiên cứu.
Ngay từ cuối thập niên 90, một báo cáo của bác sĩ thần kinh và nhi khoa Lilian Calderón-Garcidueñas cho thấy ô nhiễm không khí có thể đẩy nhanh sự thoái hóa não ở các đối tượng được nghiên cứu, trong đó có trẻ em.[4]
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy hình ảnh hiển vi của các lát não không khỏe mạnh có chất dạng hạt (particulate matter, PM) như những đốm đen nhỏ bị bao quanh bởi mô bị viêm. Xung quanh các chỗ bị viêm có thể là các dải giống vết sẹo, hoặc các cọng màu hồng – là các mảng amyloid thường thấy trong não của người mắc bệnh Alzheimer sau khi chết.[5]
Dù thoái hóa thần kinh nhẹ là một khía cạnh tự nhiên của lão hóa, quá trình này có thể tồi tệ và nhanh chóng hơn do viêm thần kinh được dẫn đến bởi ô nhiễm không khí. Đặc biệt, đối với não trẻ em – vốn ở đỉnh cao của sự phát triển – tác động này còn lớn hơn nữa.[6]
Ngày nay, các báo cáo với những phát hiện tương tự từ các nhà nghiên cứu khác cho thấy sự đồng thuận rằng: ô nhiễm không khí làm tổn hại não trẻ em.
UNICEF, trong một báo cáo năm 2017 có tiêu đề “Nguy hiểm trong không khí: Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sự phát triển não trẻ em như thế nào”,[7] đã chỉ ra tác động của ô nhiễm không khí tới não trẻ em qua một vài cơ chế:
Đầu tiên, chất dạng hạt có thể gây viêm thần kinh bằng cách phá hủy hàng rào máu não (blood-brain barrier), một màng mỏng bảo vệ não khỏi các chất độc hại. PM2.5 có khả năng phá hủy đặc biệt cao vì kích thước siêu nhỏ giúp chúng dễ dàng đi qua hàng rào này. Để làm hỏng não đang phát triển của trẻ em, liều lượng hóa chất độc hại cần thiết thấp hơn nhiều so với trường hợp não của người lớn.
Thứ hai, các hạt ô nhiễm, chẳng hạn các hạt có từ tính, nhỏ đến mức có thể xâm nhập cơ thể thông qua dây thần kinh khứu giác và ruột. Các hạt này xuất hiện nhiều hơn đáng kể trong não của người sống ở nơi có ô nhiễm không khí đô thị cao. Các hạt nano từ tính rất độc hại đối với não do tích điện từ và có khả năng giúp tạo ra stress oxy hóa (oxidative stress) – thường là nguyên nhân gây thoái hóa não.
Thứ ba, PAHs (polycyclic aromatic hydrocarbons), một loại chất ô nhiễm đặc biệt được hình thành từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và thường được tìm thấy ở các nơi có lưu lượng ô tô cao, góp phần làm mất hoặc làm hỏng chất trắng trong não. Chất trắng chứa các sợi thần kinh có vai trò quan trọng trong việc giúp các nơ-ron giao tiếp với các phần khác nhau của não – và các kết nối như vậy là nền tảng cho việc học tập và phát triển của trẻ em.
Báo cáo của UNICEF cũng cho biết nhiều nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa phơi nhiễm ô nhiễm không khí và khả năng nhận thức, bao gồm giảm IQ, trí nhớ, điểm số ở trẻ em học đường, cũng như các vấn đề hành vi thần kinh khác. Ô nhiễm không khí cũng được chỉ ra là ảnh hưởng đến thai nhi. Các chất ô nhiễm không khí khi được phụ nữ mang thai hít vào có thể đi qua nhau thai và ảnh hưởng đến não đang phát triển của thai nhi, với các tác động tiềm tàng suốt đời.[8]
Trước tác động rõ ràng của ô nhiễm không khí đối với não trẻ em, việc cần thiết là bảo vệ trẻ em khỏi ô nhiễm không khí bằng các biện pháp thích hợp. Các biện pháp đó, theo UNICEF, là thay thế các nguồn năng lượng truyền thống bằng các nguồn năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, hạn chế phơi nhiễm trẻ em trước ô nhiễm không khí, và cải thiện lối sống với các hoạt động lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Chú thích:
[1][2][3] Our poisonous air is harming our children’s brains
https://www.weforum.org/agenda/2019/03/our-poisonous-air-is-harming-our-…
[4][5][6] Severe air pollution could speed up the degeneration of your child’s brain
https://www.weforum.org/agenda/2019/10/air-pollution-global-megacities-c…
[7][8] Danger in the air: How air pollution can affect brain development in young children
https://www.unicef.org/sites/default/files/press-releases/glo-media-Dang…
Leave a Comment