Quảng Cáo

Khôi hài căn cứ hạ khung án Phạm Nhật Vũ

Quảng Cáo

Phóng tay đốt nhà táng

Theo dõi vụ án MobiFone mua AVG mới thấy đám quan chức đốt tiền của ngân sách thật là tàn bạo. Một cái xác chết giá chưa đến 2 nghìn tỉ mà phù phép đến mức MobiFone đã mua 95% cổ phần của AVG với số tiền gần 8900 tỉ đồng. Số tiền làm thiệt hại cho ngân sách trong thương vụ này là 6500 tỉ đồng, tương đương 291 triệu USD. Số được lại quả là 6,2 triệu USD, bằng 2,1% số tiền đã làm thiệt hại cho ngân sách, Điều đó có nghĩa là, chỉ cần bỏ túi được 1 thì chúng sẵn sàng đốt đi gần 50 lần như thế.

Tuy nhiên, số 6,2 triệu USD mới chỉ là số Phạm Nhật Vũ đã khai ra và bên nhận đã thừa nhận. Phạm Nhật Vũ còn đưa hối lộ cho ai nữa? Liệu còn ai nữa đứng đằng sau với số tiền được hối lộ còn nhiều hơn? Đó là điều dư luận đang nghi ngờ.

Hoàng Duy Quang, thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá (AMAX) đã ký xác định giá trị AVG là 16.500 tỷ đồng  chỉ để nhằm có thêm tiền “mua sữa cho con”.  Quang được hưởng 60 triệu đồng tiền hoa hồng nhưng phóng tay ký nâng giá trị AVG lên nhiều nghìn tỉ đồng.

Con số 16.500 tỷ đồng được MobiFone dùng làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng.

Trong khi đó tình trạng tài chính của AVG rất be bét. Năm 2014 AVG vẫn đang lỗ trên 330 tỉ đồng, lỗ lũy kế là gần 1.600 tỉ đồng.

Chỉ 19 ngày sau khi ký hợp đồng, MobiFone đã hối hả bằng mọi cách thanh toán 95% giá trị hợp đồng, tương đương trên 8.445 tỉ đồng cho 8 cổ đông của AVG. Động cơ của việc sốt sắng thanh toán cho AVG là gì, nếu không phải là thanh toán nhanh để được “lại quả” sớm?

Lý do hạ khung án cho Phạm Nhật Vũ có thuyết phục?

Sáng 20/12, Viện kiểm sát đề nghị mức án cho các bị cáo. Việc Phạm Nhật Vũ được đề nghị với mức án chỉ có 3 – 4 năm tù, thay cho khung 12 – 20 năm đã gây phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Trong thương vụ này, để chiếm đoạt được nhiều, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin AVG được đối tác nước ngoài (Công ty 8206 Hong Kong) đã trả giá 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD. Vậy tại sao Vũ không bán với giá cao ngất ngưởng như thế mà lại đi đêm với Moniphone để tất cả cùng ra hầu tòa? Câu trả lời ai cũng dễ thấy, đó chỉ là trò lừa bịp.

Trong vụ mua bán này, MobiPhone đã đem tiền ngân sách biếu không cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG 6.500 tỉ. Trong đó, riêng Vũ được hưởng lợi hơn 5.850 tỉ đồng. Mới hay với đám quan chức và đại gia này, kiếm hàng nghìn tỉ dễ như thò tay vào trong két.

Theo cáo trạng, Phạm Nhật Vũ bị truy tố về tội đưa hối lộ, thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, quy định tại Khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 12 – 20 năm, là khung cao nhất trong tội đưa hối lộ. Khung này qui định cho trường hợp tài sản hối lộ trị giá 1 tỉ đồng trở lên, trong khi số tiền Vũ đưa hối lộ đã xác định được tương đương 143 tỉ đồng.

Thế nhưng Vũ lại được đề nghị mức án chỉ 3-4 năm tù, tức là chung mức với nhóm đưa hối lộ 100 – 500 triệu đồng, từ khung hình phạt nặng nhất xuống hẳn khung hình phạt nặng thứ 3. Còn sự bất công nào vô lý, ngang nhiên hơn thế?

Điều này gây bất bình trong dư luận. Lý do để Viện kiểm sát đề nghị mức án ấy là

– Vũ có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo VN.

Hoạt động tôn giáo là hoạt động tín ngưỡng, nó không phục vụ cho lợi ích toàn xã hội. Nếu Vũ bỏ tiền ra xây dựng các công trình công ích như làm đường, tặng nhà văn hóa cho khu dân cư… lại là chuyện khác. Mặt khác, đây cũng chỉ là đề nghị của mấy ông sư quốc doanh mà thôi. Bản thân Vũ cũng là người của phật giáo quốc doanh, cụ thể y làm Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Thử hỏi, nếu bị cáo nào đó bỏ tiền ra xây dựng, tu bổ nhà thờ bên công giáo được các linh mục xác nhận và đề nghị, liệu Viện kiểm sát có căn cứ vào đấy để đề nghị mức án dưới khung?

– Lý do nữa là Vũ có đơn của… Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, đề nghị xem xét cho Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật mà không nói vì sao. Đây là một căn cứ hết sức vu vơ. Trong khi đó, những người hoạt động xã hội dân sự bị kết án rất nặng nề thì chẳng có chính phủ nào can thiệp được, kể cả Liên Hợp Quốc.

– Việc thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra chỉ là những tình tiết để xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự mà thôi, chứ không phải là để giảm từ 20 năm tù xuống mức gần áp chót được.

Hội đồng xét xử trong bất cứ vụ án nào cũng phải thể hiện là cán cân công lý. Tuy họ hay nói “xử đúng người đúng tội” nhưng có rất nhiều vụ án gây phản ứng gay gắt của dư luận. Chưa nói đến các bị cáo khác, với Phạm Nhật Vũ, nếu Hội đồng xét xử tuyên án dựa vào đề nghị của Viện kiểm sát thì vụ án này là minh chứng cho câu dân gian vẫn thường nói: “công lý chỉ là diễn viên hài”.

22/12/2019

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux