Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Vào đầu Tháng Mười Hai, 2019, dư luận rất băn khoăn về một khoản vay 77 triệu đô la Mỹ để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó hơn 16 triệu đô la Mỹ để biên soạn một bộ sách giáo khoa. Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8 Tháng Tám, 2016 và kết thúc vào năm 2020. Đến Tháng Năm, 2019 Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GD&ĐT) báo cáo là không thực hiện được việc này; nhưng chỉ khi dư luận băn khoăn về ngân khoản 16 triệu đô ấy đã chi vào việc gì, thì thông tin chính thức mới được loan báo vào ngày 1 Tháng Mười Hai, 2019.
Trong một cuộc họp báo sau đó, Bộ GD&ĐT khẳng định số tiền 16 triệu USD vẫn chưa được tháo khoán và vẫn còn nằm nguyên trong quỹ của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Tạm thời cứ tin là như thế.
Đến ngày 21 Tháng Mười Hai, 2019, báo điện tử Giaoduc.net chạy một hàng tít đọc nghe giật mình “Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo Dục đang buông bỏ trách nhiệm!”
Điểm “giật mình” trước tiên là việc biên soạn sách giáo khoa là nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT quy định trong luật. Vậy mà không hiểu vì sao Quốc Hội lại phải bỏ thời gian để ra một Nghị quyết giao cho Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa từ lớp 1-12 cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Nghị quyết được ban hành ngày 28 Tháng Mười Một, 2014 nhưng không hiểu vì lý do gì 4 năm rưỡi sau (Tháng Ba, 2019) Bộ mới ra thông báo mời các nhà khoa học, nhà giáo tham gia xây dựng bộ sách giáo khoa tham dự biên soạn.
Khi đó, ngày 19 Tháng Ba, 2019, Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám Đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông – Bộ GD&ĐT đã khẳng định như đinh đóng cột về khả năng hoàn tất dự án như sau: “Thiếu nguồn nhân lực viết sách giáo khoa chỉ là suy đoán, vì nguồn nhân lực có khả năng viết sách giáo khoa không chỉ có vài trăm người. Việc mời tác giả viết bộ sách giáo khoa, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như quy định, Bộ sẽ không chỉ hướng đến việc mời các tác giả có trình độ đào tạo cao, có uy tín, kinh nghiệm viết sách giáo khoa mà sẽ mời những tác giả có khả năng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận các nguồn tài liệu.”
Sự việc cả một đất nước mang danh thông minh, hiếu học, đất nước của 20 ngàn tiến sĩ và hơn 1 triệu giáo viên các cấp mà bao nhiêu năm trời không soạn nổi một bộ sách giáo khoa là một điều khó tưởng tượng. Nhưng điều còn phi lý hơn là khi nghe các cán bộ trách nhiệm lý giải. Lý do được Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra vào Tháng Năm, 2019 là: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản nên không thể tham dự.”
Vậy thì lý do không phải là thiếu người giỏi nhưng người giỏi lại “đầu quân” cho các nhà xuất bản và điều ai cũng biết là các nhà xuất bản trả thù lao cao hơn của Bộ rất nhiều. Nếu quả thực như thế thì đây là một điều đáng buồn vì những thầy cô có điều kiện và kinh nghiệm soạn sách đã tìm ra cho mình một con đường ưu tiên cho lợi nhuận và điều này cũng cắt nghĩa tại sao Nghị quyết 88 đã được ban hành từ năm 2014 mà 4 năm rưỡi sau cũng chưa tìm ra người soạn. Viết đến đây tôi mới thấm thía cái câu của Nguyễn Phú Trọng “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?”
Sách giáo khoa và nhóm lợi ích
Một vấn đề khác là theo Luật Giáo Dục 2019 thì việc lựa chọn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giao cho… UBND cấp tỉnh quyết định thay vì các cơ sở giáo dục phổ thông như quy định trước đó. Vậy làm thế nào để việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm khách quan, công bằng, hạn chế được thấp nhất tình trạng tiêu cực, “lợi ích nhóm” đã và đang tiếp tục là vấn đề được dư luận xã hội đặt ra.
Có ý kiến lo ngại tiêu cực, “lợi ích nhóm” có thể xảy ra trong việc chọn sách cũng như việc áp từ cấp Sở xuống trường sẽ làm mất quyền của giáo viên, bởi chỉ giáo viên mới biết loại sách giáo khoa nào là phù hợp nhất. Nguyên lãnh đạo một trường đại học sư phạm bày tỏ lo ngại rằng, nếu thẩm quyền chọn sách được giao cho UBND lựa chọn cho toàn tỉnh rất có thể sẽ nảy sinh tình trạng chọn sách do quan hệ, do lợi ích cá nhân, không phù hợp với yêu cầu giáo dục.
Sự lo ngại của xã hội rất có cơ sở vì trong thời đại tham nhũng như rươi ngày nay thì các nhóm lợi ích trong giáo dục là chuyện đương nhiên. Nếu tôi không lầm thì lần thay sách giáo khoa này là lần thứ 4. Lần đầu là vào Tháng Mười, 1993 với kinh phí 73 triệu đô, lần 2 kéo dài từ năm 1996 đến 2008 với vốn vay 1 tỷ USD, lần 3 vào năm 2008 Bộ đề nghị một dự án xấp xỉ 3 tỉ đô nhưng bị dư luận lên án nên xin hạ xuống chỉ còn… 80 triệu đô.
Đây mới chỉ nói đến sách giáo khoa (SGK), chứ nếu tính các dự án như thiết bị trường học hoặc đề án dạy và học ngoại ngữ (của ông Nguyễn Thiện Nhân) thì con số này phải xấp xỉ 7 đến 8 tỉ đô. Một con số khổng lồ, bằng 80% ngân sách giáo dục của cả nước. Nếu tính trung bình một giáo viên lãnh 200 đô/tháng, thì số kinh phí cho 4 lần thay SGK dư sức tăng gấp đôi lương của 1 triệu thầy cô, tạo cho họ có đủ điều kiện làm việc chứ không phải lo lắng về miếng ăn và về tình trạng hợp đồng bấp bênh như ngày hôm nay.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ Việt Nam vẫn vỗ ngực xưng danh là một nước xã hội chủ nghĩa, tạm hiểu là xã hội (tương đối) bình đẳng hơn các nước “tư bản bóc lột”, nhưng thành phần được xã hội tôn trọng nhất là các người thầy lại dùng hết trí tuệ của mình chạy theo lợi nhuận thì họ sẽ đào tạo ra cái gì? Mới đây, ngày 30 Tháng Mười Một, 2019, các em học sinh Việt Nam đã đoạt 36 huy chương trong cuộc thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO), sẽ có bao nhiêu em dùng trí tuệ của mình để đóng góp cho đất nước hay rồi cũng như 20 khôi nguyên của Đường lên đỉnh Olympia, đang là những công dân xuất sắc của… nước Úc?
Vào giờ phút này, chúng ta chỉ còn hơn một tuần nữa là sẽ trở thành một “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” theo tinh thần của Đại hội VIII của đảng Cộng Sản. Chẳng riêng gì tôi, nhìn những gì đã và đang xảy ra chỉ trong ngành giáo dục, chắc mọi người đều có cùng một kết luận rằng cụm từ này đang trở thành một trò hề vĩ đại.
Phạm Minh Hoàng
Leave a Comment