Sự tác hại của ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của chính quyền cs

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Một doanh nghiệp nước ngoài làm ra 100 đồng lời, họ đóng thuế cho nhà nước 10 đồng còn 90 đồng. Trong quá trình sản xuất, công ty đó đã thải ra một lượng chất thải độc hại mà nếu được xử lý thật sạch thì phải tốn mất 20 đồng, còn nếu xả chui mà bị phát hiện thì bị phạt 2 đồng. Trong bộ máy chính quyền, quan chức ngành môi trường tham lam nên đã đặt vấn đề với doanh nghiệp này, nếu đưa hắn 1 đồng thì hắn sẽ làm lơ. Cuối cùng, thay vì tốn 20 đồng xử lý môi trường thì công ty này đã chọn cách hối lộ 1 đồng để tự do xả chất thải.

Chất thải được tống ra môi trường làm cho mùa màng thất bát nên nông dân khu vực đó bị thiệt hại 100 đồng. Chưa hết, chất thải đó làm ô nhiễm môi trường nước, không khí nên tỷ lệ bệnh tật trong dân tăng lên nên nhân dân trong vùng đó phải tốn thêm 100 đồng nữa để điều trị. Không những thế, số người bị bệnh tật ấy đã mất sức lao động nên các hộ gia đình của họ đã thiệt hại 100 đồng. Ngoài ra, những chất độc đó ngấm vào nông sản, làm cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chuyên thu mua ở vùng này đã phải mất thêm 100 đồng vì bị các thị trường uy tín thu mua giá cao từ chối họ.

Qua ví dụ trên chúng ta đặt ra 2 giả thiết như sau:

- Quảng Cáo -

– Giả thiết thứ nhất, nếu quan chức vòi vĩnh thì công ty này sẽ chọn cách hối lộ và lúc đó, nhà nước được 10 đồng, quan chức được bỏ túi 1 đồng, công ty được 89 đồng, còn người dân trong vùng chịu thiệt 300 đồng và doanh nghiệp xuất khẩu thiệt 100 đồng;

– Giả thiết thứ nhì, nếu quan chức trong sạch thì tất nhiên công ty phải chi 20 đồng xử lý chất thải. Lúc đó, nhà nước vẫn có 10 đồng, quan chức không có đồng nào, doanh nghiệp chỉ lời 70 đồng nhưng tránh cho nhân dân khu vực đó thiệt hại 300 đồng và tránh cho nhà xuất khẩu nông sản thiệt hại 100 đồng.

Đấy là hình ảnh về sự thiệt hại về kinh tế và sức khỏe khi vấn đề môi trường không được coi trọng. Ngày nay chúng ta thấy, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức vv.. thường thì tốc độ tăng trưởng của họ rất thấp so với Việt Nam. Đối với họ, tốc độ tăng trưởng GDP tầm 3% mỗi năm là họ mừng rồi. Vì sao? Vì họ phát triển kinh tế kèm theo bảo vệ mội trường nên những con số tăng lên là những con số sạch. Còn với Việt Nam, với 7% mỗi năm nếu khấu trừ những thiệt hại do ô nhiễm mang lại thì có khi lại là con số âm.

Ngày 20/12/2019 trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài “Đánh giá lại GDP, còn tổn thất môi trường thì sao?” có nhắc đến GDP xanh. Thực ra với những nước tiến bộ thì GDP và GDP xanh cũng không cách xa mấy vì môi trường của họ được bảo vệ tốt. Nhưng với Việt Nam thì sao? Nếu Việt Nam mà tính ra được GDP xanh chắc chắn nó cách khá xa GDP. GDP xanh được định nghĩa là phần còn lại của GDP sau khi đã trừ các chi phí do khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Bài viết cho biết, tại Ấn Độ, có một nghiên cứu cho thấy chi phí cho môi trường làm giảm đến 9,5% GDP mỗi năm. Trong khi đó nếu chúng ta tra tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2017, thì đất nước này có tốc độ tăng trưởng chỉ là 6,6%. Tương tự vậy, người ta ước tính tổn thất do suy thoái tài nguyên đã làm Trung quốc mất tới 10% GDP mỗi năm, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của nước này chỉ có là 6,9% (lấy con số 2017). Vậy thì chúng ta có cần chấp nhận tăng trưởng bẩn để lấy con số đẹp hay không? Nếu chính quyền có trách nhiệm họ sẽ chọn tăng trưởng sạch, còn nếu chính quyền vô trách nhiệm thì họ sẽ chọn tăng trưởng bẩn để quan chức có tiền và đẩy khốn khổ về cho dân gánh.

Biết rằng, với thân phận nước nghèo thì không thể chọn được những món ngon hảo hạng như những nước giàu được. Nhưng nghèo không có nghĩa là anh phải bốc hốt đủ thứ rác rến hay lùa hốt những đồ ôi thiu để cho vào mồm được mà anh phải biết chọn lọc. Anh nghèo không có nghĩa là anh phải chiều Formosa để nó tàn phá môi trường làm hủy hoại nghề cá của 4 tỉnh. Thực chất, những gì Formosa đã và đang gây ra, nó chẳng khác nào mẫu doanh nghiệp làm ví dụ ở đầu bài viết. Và ở Việt Nam, có thể nói có vô số cái Formosa như vậy nhưng quy mô nhỏ hơn. Mới đây người ta phát hiện Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quốc của người Trung quốc đã thải chất ô nhiễm ra biển Quảng Ngãi là ví dụ mới nhất.

Hiện nay không khí Hà Nội đã ô nhiễm nhất thế giới, trong khi đó chính quyền CS vẫn cứ ưu tiên phát triển nhiệt điện than với công nghệ Tàu lạc hậu. Đồng thời, những dự án của các tập đoàn nhà nước đang ưu tiên nhập toàn đồ Tàu về để rồi hoặc gây ô nhiễm hoặc làm sắt vụn. Hiện nay chúng ta thấy rằng, hầu như Bộ tài Nguyên Môi Trường không có trách nhiệm bảo vệ môi trường mà ngược lại, họ lại bảo kê cho các hành động gây ô nhiễm. Hãy nhìn ông Trần Hồng Hà thì ắt biết, ông này chuyên ăn nói ngược ngạo phủ định mọi thảm họa môi trường thì điều đó cho thấy, chính quyền này không có thiện chí sửa chữa mà tiếp tục bất chấp. Chính quyền CS, một chính quyền vừa tham lam vừa vô trách nhiệm!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here