Quảng Cáo

Sao không kiện về tội vu khống?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trong một video nói về nhân quyền Việt Nam trước khi bị bắt hôm 21/11/2019

Quảng Cáo

Tôi đọc hết các bài của TS Dũng. Anh ấy có lối hành văn hơi cầu kỳ và khác lạ, nhưng ngồn ngộn thông tin và rất quyết liệt. Nhà nước thấy anh Dũng đưa tin không đúng hoặc vu khống thì cử người ra đối chất, hoặc kiện anh Dũng chứ giở thói cường quyền bắt bớ bịt miệng là cực kỳ hèn hạ và mông muội!”.

“TS Dũng” ở đoạn trên chính là nhà báo Phạm Chí Dũng, một tiến sĩ về kinh tế với người thầy hướng dẫn làm đề tài là giáo sư Trần Trung Hậu, khoa Kinh tế Chính trị trường Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Đoạn trích nhận xét là từ tài khoản fb của ông Lê Quang Hợp, nhân một dòng status trên tài khoản fb của nhà báo Chu Vĩnh Hải, về việc tròn một tháng ngày công dân Phạm Chí Dũng bị bắt giam, với lý do các bài viết của ông mang dấu hiệu phạm luật hình sự ở điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Hiện tại trang điện tử Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn chưa hoạt động trở lại sau vụ người đứng đầu tổ chức này vướng vòng lao lý hôm 21/11/2019, song tất cả các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng trên VOA vẫn còn được đài này giữ nguyên tại https://www.voatiengviet.com/z/4579 kèm dòng chú thích ngay phần giới thiệu: “Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”.

“Không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”, có nghĩa là các nội dung bài viết của Phạm Chí Dũng được VOA chấp nhận đăng và gửi trả nhuận bút, là đáp ứng các yêu cầu về quyền được thông tin mà VOA đã nhấn mạnh: “VOA là cơ quan truyền thông đa phương tiện lớn nhất Hoa Kỳ, phổ biến thông tin qua hơn 45 ngôn ngữ đến độc giả những nơi không có tự do báo chí hoặc tự do báo chí bị giới hạn. Được thành lập năm 1942, VOA cam kết tính toàn diện, độc lập, và đưa tin trung thực. VOA được tài trợ toàn bộ bởi tiền thuế của người dân Mỹ, và là một thành phần của Cơ Quan Truyền Thông Toàn Cầu Hoa Kỳ” – https://www.voatiengviet.com/p/3882.html.

“Tất cả các tin tức của Ban Việt ngữ VOA phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, và cân bằng, với phương châm “Thông tin để tiến bộ”. Câu cuối của phần tự giới thiệu “Về VOA tiếng Việt” đã cam kết như vậy trong việc sử dụng “tiền thuế của người dân Mỹ”.

Các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng trên VOA hầu hết đều nói về hiện tình ở Việt Nam. Ông Dũng chủ yếu sử dụng thể loại bình luận.

Xuất thân là một sĩ quan an ninh, từng là thư ký cho Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh – Trương Tấn Sang, một chính khách sau này được đảng cộng sản Việt Nam tín nhiệm chọn ông Sang vào ghế chủ tịch nước Việt Nam, lẽ tất nhiên khi trong vị trí một người viết báo, ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ về ý nghĩa của một bài bình luận trên báo chí là không dừng lại ở những con chữ sống động, văn phong uyển chuyển, mà còn là ở sự phân tích thấu đáo, có lý, có tình, có tính đến hiệu ứng xã hội sau khi bài báo đăng tải, thậm chí những hệ lụy mà bài báo có thể gây ra.

Quan sát các bài bình luận về kinh tế, chính trị đang diễn ra tại Việt Nam, qua ngòi bút của Phạm Chí Dũng thể hiện trên VOA, không khó để nhận ra là có rất nhiều sự kiện, vấn đề nóng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội kể cả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, đã được ông bình luận kịp thời, nhạy bén, đa chiều để không chỉ đáp ứng, giải quyết nhu cầu tìm hiểu thông tin theo chiều sâu của công chúng, mà còn góp phần khơi thông tinh thần dân chủ, tạo hiệu ứng xã hội lành mạnh theo phương châm “Thông tin để tiến bộ” mà VOA đặt ra khi sử dụng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ cho các hoạt động truyền thông.

Lẽ ra, hiểu theo nghĩa cầu thị như hai slogan quen thuộc trên VOA: “Thông tin để tiến bộ” và “Tự Do Báo Chí là Quan Trọng”, thì việc tạo điều kiện để ông Phạm Chí Dũng duy trì bút lực để có các bài bình luận được truyền thống quốc tế như VOA chấp nhận, sẽ là một biểu hiện rõ nét về tính chiến đấu và năng lực, hiệu quả phản biện từ báo chí mà các cơ quan Đảng, nhà nước và bộ máy công quyền ở Việt Nam cần đến. Qua đó có thêm thông tin hữu ích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội tại Việt Nam.

Sẽ có lập luận từ nhà chức trách biện giải về lý do phải giam giữ ông Phạm Chí Dũng và nhiều trường hợp người viết báo tương tự khác, rằng: “Đồng ý bình luận là một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.

Bởi thực tế đã xuất hiện một số bài bình luận trên báo chí, về văn phong, lập luận khá sắc sảo, nhưng không biết vô tình hay hữu ý mà “cái tôi” chưa thật thiện chí, thiện tâm của tác giả chưa thể hiện rõ trong bài viết. Đáng sợ hơn, có bài bình luận còn bộc lộ ý đồ hướng công chúng vào một cách nhìn khác, cách suy nghĩ khác dễ gây hiểu lầm dư luận, thậm chí làm phương hại đến sự đồng thuận trong xã hội”.

Tuy nhiên ở đây về pháp luật từ dân sự đến hình sự đều có điều luật liên quan về hành vi nói xấu, đơm đặt, vu khống… Nếu bên vi phạm không sửa chữa, đền bù thỏa đáng hay tiếp tục hành vi này thì họ sẽ bị điều chỉnh của pháp luật tương ứng. Cho đến nay, chưa thấy một biên bản xử phạt hành chính nào về các hành vi đó trong các bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng.

Thử đặt câu hỏi thay cho điều 117 của Bộ luật hình sự, mà nhiều luật sư khi biện hộ cho thân chủ đã thắc mắc: Thế nào là “vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”?

Phải chăng những bài đăng trên VOA của nhà báo Phạm Chí Dũng, sắp tới đây nếu có phiên tòa xét xử, thì bên có “quyền và nghĩa vụ liên quan” không ai khác chính là Ban Việt ngữ VOA, bởi đây chính là nơi giúp cho nhà báo Phạm Chí Dũng thực hiện hành vi “tàng trữ, phát tán”?

Xem ra sẽ có nhiều tình huống giả định pháp lý, trong trường hợp vì chủ trương “Thông tin để tiến bộ” và “Tự Do Báo Chí là Quan Trọng” mà ‘chủ quản’ của VOA là Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải hầu tòa ở Việt Nam, vì liên đới trách nhiệm hình sự của cáo buộc “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (!?)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux