VOA
Cơ quan công tố hôm 20/12 đề nghị Hội đồng Xét xử TAND Hà Nội tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son án tử hình, đưa ông Son trở thành một trong những quan chức hiếm hoi đối diện với mức án này kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2017.
Chủ mưu?
Bị cáo buộc đóng vai trò “chủ mưu” trong vụ án mua cổ phần AVG gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng ngân sách và nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị 16 – 18 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và mức án tử hình về tội nhận hối lộ. Tổng cộng mức án đề nghị đối với cựu Bộ trưởng TTTT là tử hình.
Mức án cao nhất rất hiếm khi được đề nghị cho các quan chức trong các vụ đại án tham nhũng trước đây đang nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ công luận. Tuy nhiên, việc xác định vai trò “chủ mưu” của ông Son trong vụ đại án này đang gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội.
Một số ý kiến cho rằng với phạm vi quyền lực của một bộ trưởng, ông Son không thể thực hiện trót lọt vụ này nếu không có sự đồng ý hay ủng hộ từ cấp trên.
Một trong những chi tiết khiến công luận nghi ngờ rằng phải có “thế lực đằng sau” rất mạnh chỉ đạo cho ông Son thực hiện vụ này trong phiên toà ngày 18/12, cựu Bộ trưởng TTTT nói ông không có vai trò chủ mưu trong vụ án, mà chỉ là người đứng đầu có cương vị cao nhất trong vụ này. Trong khi trước đó, theo tường thuật của báo Thanh Niên, ông Son “không dưới 1 lần” nhắc lại rằng mình chỉ bút phê chỉ đạo cấp dưới ký phê duyệt đầu tư dự án “theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Bình luận về án tử hình dành cho ông Son, TS. Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự tại Việt Nam, viết trên Facebook rằng “Biết sai nhưng vẫn PHẢI làm, ăn bẫm nhưng bọn SAI hắn làm còn ăn bẫm hơn” và ông dùng cụm từ “đổ oan cho người ta” khi bình luận về vai trò “tổng đạo diễn” của ông Son.
Trong khi đó, Luật sư Lê Công Định cho rằng “Để thuyết phục Bắc Son thừa nhận có hành vi nhận hối lộ hàng triệu USD, chắc chắn phải có sự bảo đảm nào đó về hình phạt”. Vì vậy, theo ông, “dân đen đừng nên hồ hởi với án tử hình được đề nghị vội. Trừ phi tận mắt thấy Bắc Son bị tiêm hoặc bắn, tin cũng chưa muộn”, LS. Định viết trên Facebook.
Chỉ trong vòng vài ngày kể từ khi vụ án bắt đầu được xét xử hôm 16/12, ông Nguyễn Bắc Son đã liên tục thay đổi lời khai về tất cả các cáo buộc liên quan đến ông, từ vai trò trong vụ án đến việc nhận và chi tiêu khoản tiền hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ như thế nào.
Cựu Bộ trưởng Bộ TTTT bị cáo buộc đóng vai trò chủ mưu và nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG, để chỉ đạo cho MobiFone – công ty TNHH một thành viên trực thuộc Bộ TTTT, mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, cao hơn giá trị thực của công ty này gần 6.500 tỉ đồng.
‘Triệt để khoan hồng’
Các bị cáo liên quan trong vụ án, bao gồm ông Trương Minh Tuấn, người giữ chức vụ thứ trưởng trong thời gian diễn ra thương vụ chuyển nhượng, bị đề nghị 6 – 7 năm tù về tội “vi phạm quy định đầu tư” và 8 – 9 năm tù về tội nhận hối lộ 200.000 USD. Tổng cộng 14 – 16 năm tù.
Ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch MobiFone và là người đã ký hợp đồng chuyển nhượng với AVG và nhận của Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG) 2,5 triệu USD bị đề nghị mức án 23 – 25 năm tù.
Cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải bị đề nghị 4 – 5 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư” và 11 năm tù về tội nhận hối lộ 500.000 USD. Tổng cộng 15 – 16 năm tù.
Riêng với Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG và là người đã thực hiện việc đưa hối lộ cho tất cả các quan chức trên chỉ bị đề nghị mức án 3 – 4 năm tù về tội này.
Lý do Viện kiểm sát đưa ra cho việc “áp dụng triệt để nguyên tắc xử lý khoan hồng” đối với Phạm Nhật Vũ là vì doanh nhân này đã “chủ động tích cực khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, chủ động thú nhận hối tội, thực sự ăn năn hối lỗi và tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án”. Đi kèm với giải thích trên là lá đơn xin hưởng chính sách khoan hồng từ Đại sứ quán Nga xin cho ông Vũ và chứng nhận của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo về những đóng góp từ thiện của doanh nhân này, theo tường thuật của Thanh Niên.
MobiFone-AVG là một trong những đại án được trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo phải “khẩn trương xét xử” trong năm 2019, bên cạnh các vụ án về quản lý tài sản nhà nước ở TPHCM, vụ án quản lý đất đai tại Đà Nẵng, vụ Nhật Cường…
Án tử hình đề nghị dành cho ông Nguyễn Bắc Son được xem là “hiếm hoi” đối với các quan chức tham nhũng kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được phát động vào năm 2017.
Trước ông Son, chỉ có một quan chức cấp cao là ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Oceanbank, bị tuyên án tử hình trong đại án kinh tế PVN mua cổ phần của OceanBank, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho ngân hàng này. Tuy nhiên, sau khi y án tử hình, HĐXX cấp phúc thẩm lại nói rằng quan chức này sẽ được kiến nghị giảm án từ tử hình xuống chung thân nếu chịu “khắc phục hậu quả” bằng cách nộp lại ¾ tài sản tham ô.
Trở lại với vụ án MobiFone-AVG, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong phiên toà ngày 20/12 cho biết ông đã được gặp gia đình “để bàn về việc khắc phục hậu quả” và gia đình ông sẽ “sớm nộp tiền” trong những ngày tới, theo VnExpress.
Leave a Comment