Mặc Lâm – VOA
Ngày 10-12-2019 trong vai trò đại diện chính phủ Miến Điện bà Aung San Suu Kyi đến trước Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) ở La Haye, để trả lời về vụ kiện của Gambia, đại diện cho 57 quốc gia thành viên Tổ Chức Hợp tác Hồi giáo, cáo buộc chính quyền Miến Điện diệt chủng người thiểu số Rohingya. Báo chí thế giới đưa ra rất nhiều nhận xét về cá nhân bà trước sự kiện này và cho rằng bà đã bị sức ép trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới vào năm 2020 của các phe phái đang chi phối đời sống chính trị tại Miến Điện.
Thật ra những cáo buộc diệt chủng của Tòa CIJ hoàn toàn có cơ sở nhất là sau vụ Hai nhà báo Miến Điện là U Wa Lone, 32 tuổi, và U Kyaw Soe Oo, 28 tuổi làm việc cho Reuters bị tòa án Miến tuyên phạt 7 năm tù vì đưa tin một cuộc thảm sát người Rohingya của quân đội Miến đã đánh động thế giới về thực trạng diệt chủng đang xảy ra một cách hệ thống tại Miến Điện.
Theo điều tra của tờ The Japan Times, bắt đầu vào năm 2011, bạo lực xảy ra khi 280 người Rohingya thiệt mạng và 140.000 người buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ ở bang Rakhine. Một phái viên của Liên Hiệp Quốc đưa tin vào tháng 3 năm 2013 rằng tình trạng bất ổn đã tái xuất hiện giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo của Miến Điện, tức là nó đã âm ỉ trước khi bà Aung San Suu Kyi được dân chúng bầu lên vào năm 2015.
Bạo động tại bang Rakhine là một loạt các cuộc xung đột diễn ra chủ yếu giữa những người Phật tử Rakhine và những người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine phía bắc Miến Điện, đến tháng 10 năm 2012 thì người Hồi giáo thuộc tất cả các dân tộc khác ở quốc gia này đã bắt đầu trở thành mục tiêu bị tấn công
Theo UN ước tính có khoảng 90.000 người đã bị dời chỗ ở do bạo động. Khoảng 2.528 ngôi nhà bị đốt cháy, 1.336 ngôi nhà thuộc người Rohingya và 1192 ngôi nhà thuộc về người Rakhine. Quân đội Miến Điện và cảnh sát bị cáo buộc đóng vai trò hàng đầu trong việc nhắm mục tiêu vào người Rohingya. Một số tổ chức của các nhà sư Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh dân chủ của Miến Điện đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn bất kỳ sự hỗ trợ nhân đạo nào cho cộng đồng người Rohingya.
Theo tổ chức Amnesty International Những vụ bắt giữ tùy tiện, cướp bóc, đốt nhà, hiếp dâm nhắm vào dân thường đã được thực hiện. Hàng trăm người Rohingya bị giết tính đến tháng 12 năm 2016, và nhiều người đã chạy trốn khỏi Miến Điện với tư cách tị nạn để tìm nơi trú ẩn trong các khu vực lân cận của Bangladesh. Cuối tháng Mười một, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng có khoảng 1250 ngôi nhà của người Rohingya trong năm ngôi làng đã bị thiêu rụi bởi các lực lượng an ninh
Theo BBC news thì Quân đội và cảnh sát tuyên bố đã đốt cháy “nhà cửa, trường học, chợ búa, cửa hàng và đền thờ Hồi giáo” thuộc sở hữu hoặc được sử dụng bởi những người Rohingya. Những người chạy trốn khỏi Miến Điện để thoát cuộc đàn áp đã báo cáo rằng phụ nữ bị hiếp dâm, nam giới bị giết chết, nhà cửa bị đốt phá, và trẻ em bị ném vào các ngôi nhà đang bốc cháy. Thuyền bè chở người tị nạn Rohingya trên sông Naf thường bị bắn hạ bởi quân đội Miến Điện.
Tất cả những vụ việc xảy ra xuất phát từ hệ quả của chù nghĩa dân tộc mà giới tăng lữ và Phật tử Miến Điện âm ỉ theo đuổi và mục tiêu của họ là người Hồi giáo Rohingya, bị cáo buộc đã du nhập vào Miến loại tôn giáo cực đoan, phá hoại văn hóa Phật giáo và tranh sống với người bản xứ một cách bất hợp pháp.
Không phải chín mươi phần trăm người Miến theo đạo Phật và hàng chục ngàn tăng lữ cùng ý thức về sự có mặt của người Rohingya là mầm mống khiến Phật giáo tha hóa đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc trở thành cực đoan và với sức mạnh quần chúng ấy chính phủ Miến Điện phải thỏa hiệp để tồn tại. Nhưng số Phật tử hiền hòa cảm thông được nỗi thống khổ của người Hồi giáo Rohingya không đủ lớn để thuyết phục những phần tử cực đoan lấy việc bạo hành người Rohingya như một cứu cánh nhằm nâng chủ nghĩa dân tộc lên thành thứ chủ nghĩa dẫn đắt đất nước Miến Điện trở thành vương quốc của đạo giáo.
Giới tăng lữ Miến Điện nhìn thấy kết quả mà nhà sư Ashin Wirathu nhận được từ Phật tử Miến đã làm quan niệm tu hành của rất nhiều tăng ni thay đổi. Chúng sinh bây giờ đòi hỏi chỉ có Phật giáo là duy nhất trong lãnh thổ Miến Điện và Hồi giáo là mầm mống gây họa cho Phật tử.
Số đông tuyệt đối của Phật tử Miến không muốn người Rohingya có mặt trên đất nước của họ đã kéo theo chính quyền lẫn các đảng phái, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, một khôi nguyên Nobel, một ánh sáng dân chủ nay đã trở thành heo hắt.
Bà Aung San Suu Kyi luôn vâng phục cử tri từ lúc bắt đầu cuộc đấu tranh cho dân chủ của Miến Điện. Bà hiểu rõ chỉ có cử tri Miến mới có thể bảo vệ bà trong khi bị chính phủ quân phiệt giam lỏng suốt 6 năm trời. Trong 6 năm thiếu vắng tự do ấy bà được người dân Miến xem như một vị cứu tinh và âm thầm chờ đợi ngày bà trở lại trong vinh quang. Đối với người dân Miến Điện có hai thứ mà họ sùng bái đó là Đạo Phật và bà Aung San Suu Kyi.
Và khi bà trở lại thì vụ Rohingya bùng nổ, những tín đồ Hồi giáo đến định cư tại bang Rakhin từ nhiều chục năm về trước bị Phật tử Miến gây hấn, bạo hành và kết quả là hàng trăm ngàn người bị đẩy ra khỏi biên giới của Miến.
Người Rohingya đã bị từ chối quyền công dân Miến Điện kể từ khi ban hành Luật công dân 1982. Chính phủ Miến đã cố gắng trục xuất người Rohingya ra khỏi đất nước và đưa những người không phải là người Rohingyas thay thế họ. Chính sách này đã dẫn đến việc trục xuất khoảng một nửa (400.000) người Rohingya ra khỏi Miến Điện. Chính sách phân biệt dân tộc của nhà nước Miến Điện đã khuyến khích người dân Miến nổi lên chống lại người Rohingya một cách triệt để và chủ nghĩa dân tộc được tăng lữ Miến đề cao một cách công khai qua các bài giảng về Phật pháp.
Giờ đây đứng trước vành móng ngựa của tòa La Haye bà Aung San Suu Kyi không biện hộ cho những việc mà bà làm. Bà cố gắng cho thế giới thấy một góc sự thật khác theo cách hiểu của bà đang xảy ra tại đất nước mà bà từng bỏ ra cả cuộc đời đấu tranh cho nó. Nhưng dù cố gắng cách nào bà cũng không thể kềm chế tiếng hoan hô cổ vũ của người dân Miến khi thấy bà đại diện cho họ bênh vực một vụ án có hàng ngàn trang hồ sơ cáo buộc, hàng triệu hình ảnh chứng minh sự diệt chủng có hệ thống cùng hàng trăm con người vẫn còn bị tống giam trong các nhà tù mà bà là một thành viên chính phủ.
Phía sau các lời biện hộ ấy là kỳ vọng, là lá phiếu của người dân Miến dành cho bà. Bà đang cố gắng chứng minh rằng chủ nghĩa dân tộc mà người dân Miến theo đuổi chỉ là chủ nghĩa yêu nước và hành vi bạo động xuất phát từ người Rohingya chứ không phải người Miến.
Phía sau sự sùng bái của người dân Miến Điện là thách thức liệu bà dám đem sự thật cùng lương tri nhân loại để đánh đổi sự sùng bái ấy hay không?
Leave a Comment