Cách đây 4 năm, bà Phạm Chi Lan làm dậy sóng mạng xã hội khi bà chuyển lời câu nói của các chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới WB rằng “Việt Nam là đất nước không chịu phát triển”. Câu nói này không biết thật sự có tính nghiêm túc như thế nào, nhưng rõ ràng cho đến nay nền kinh tế Việt Nam vẫn như anh cụt chân đang tựa thân vào anh láng giềng Trung Quốc. Điều này rất nguy hiểm, khi Việt Nam đã quá phụ thuộc, thì Trung Quốc ra điều kiện để Việt Nam được tiếp tục tựa vào họ thì phải nhượng chủ quyền. Và thực tế hiện nay đang diễn ra như vậy.
Lời nói tưởng như câu nói đùa của các chuyên gia Ngân Hàng Thế giới hóa ra là thật. Cụ thể là ngày 11/11/2019 ông Nguyễn Xuân Phúc khi thảo luận luật ở Quốc hội ông nói “Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!”. Thật sự đây là một sự thừa nhận, chính quyền CS đang làm dân không có đường phát triển, điều đó có thể khẳng định câu nhận xét trên của các chuyên gia nước ngoài là hoàn toàn nghiêm túc. Và như ta biết, hiện nay danh sách tỷ phú đô la của Trung Quốc đã vượt qua Đức và đứng ở vị trí số 2 thế giới sau Mỹ, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay một người đã rơi ra khỏi danh sách tỷ phú thế giới.
Ngày 27/11/2019 trên tờ Thời Báo Kinh Tế có bài “Kinh tế Việt Nam lún sâu vào phụ thuộc Trung Quốc”, trong bài này người ta đã nói rằng, cứ 100 đồng giá trị sản xuất thì Trung Quốc tạo ra được 32 đồng giá trị tăng thêm, trong khi Việt Nam chỉ tạo ra 29 đồng. Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang là nền kinh tế kém hiệu quả hơn Trung Quốc. Chưa hết, trong bài này người ta cũng cho biết, nếu cắt đứt thương mại 2 chiều với Trunng Quốc thì Việt Nam sẽ mất 5,9% GDP, còn Trung Quốc chỉ mất 0,058% GDP mà thôi. Đây là con số thống kê cho thấy nền kinh tế Việt Nam vừa yếu kém vừa phải phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc.
Ở khía cạnh khác, trên bài “Bức tranh kinh tế 10 tháng qua các con số” của báo Vneconomy đã thống kê rằng, trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc là 62,6 tỷ đô và xuất khẩu sang Trung Quốc 32,5 tỷ đô. Hay nói cách khác là trong 10 tháng, đã có 30,1 tỷ đô chảy từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo lý mà nói, nền kinh tế Việt Nam đang rót ngoại tệ vào nền kinh tế Trung Quốc thì nếu cắt thương mại 2 chiều Trung Quốc thiệt hại hơn chứ sao Việt Nam thiệt hại hơn? Nếu so con số này với số liệu mà tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã đưa ra thì có vẻ như là mâu thuẫn, nhưng liệu nó có thực sự mâu thuẫn hay không? Muốn biết có mâu thuẫn hay không thì ta cần đào sâu hơn nữa mới rõ.
Chắc trong chúng ta không ai không biết câu thành ngữ “Có bột mới gột nên hồ”. Vâng! Hồ là thành phẩm còn bột là nguyên liệu. Câu nói này cảnh báo rằng, nếu chúng ta không chủ động nguyên liệu thì nền sản xuất sẽ dễ dàng bị kẻ khác điều khiển. Đó là ý nghĩa mà những người hoạch định chính sách phải biết mình làm gì! Tuy nền kinh tế Việt Nam đã và đang rót một lượng ngoại tệ rất lớn để nuôi nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thực chất chính Trung Quốc lại nắm thị trường nguyên liệu của Việt Nam. Cái đáng sợ là Trung Quốc đã lợi dụng sự hèn nhát và sự vô minh của chính quyền Hà Nội đánh phá thị trường nguyên liệu non yếu của Việt Nam để mình nhảy vào thế chân, và từ đó nắm trọn sinh mạng nền kinh tế Việt Nam. Vậy nên, nếu giả sử như cắt thương mại 2 chiều thì nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ thiệt hại 5,9% GDP là rất nhiều ngành sản xuất khác phải điêu đứng vì thiếu nguyên liệu.
Nguyên liệu cho nền công nghiệp chế tạo là sản phẩm của ngành công nghiệp khác. Ví dụ nguyên liệu cho sản xuất điện thoại là những nhà sản xuất linh kiện như bo mạch, màn hình vv.. Hiện nay, nền sản xuất chế tạo của Việt Nam gần như chỉ nhập linh kiện Trung Quốc rồi về lắp ráp và dán mác “made in Vietnam” là xong. Nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế tạo phụ thuộc Trung Quốc đã đành, đàng này cả thị trường nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến cũng nằm trong tay Trung Quốc mới đáng nói. Như ta biết, với nền công nghiệp chế biến thì hầu hết nguyên liệu của nó là sản phẩm của ngành nông nghiệp. Việt Nam là một nước nông nghiệp, ấy vậy mà chính quyền CS Việt Nam đã để nông nghiệp Việt phải chết vì nông sản Tàu. Nói tóm lại, Trung Quốc đang nắm gần như toàn bộ thị trường nguyên liệu của các ngành sản suất Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Tàu đang nắm tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam.
Chất xám cho một đất nước bao gồm 2 thành phần, thành phần thứ nhất là chất xám trong bộ máy quán trị quốc gia, thành phần thứ hai là chất xám của toàn dân. Trong 2 nguồn chất xám này thì khối chất xám trong bộ máy quản trị quốc gia đóng vai trò quyết định. Hiện nay chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang lo ký các FTA chủ yếu là để lấy tiếng cho đảng và cho FDI hưởng chứ doanh nghiệp Việt Nam không hưởng được bao nhiêu. Trong bài “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!” đăng trên Infonet có dẫn lời bà Phạm Chi Lan rằng “Nhà nước phải cố gắng rất nhiều để đàm phán và ký kết các FTA, trong đó phải có những nhượng bộ để các đối tác mở cửa thị trường cho mình. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm này tận dụng được tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này thì lại thấy đa phần DN được hưởng ưu đãi lại là DN Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam”. Thế mới đau!
Ở tầm vĩ mô, chính phủ cần phải ra những chính sách mang tính đồng bộ thì đất nước mới phát triển được. Để hiểu sự đồng bộ tôi lấy ví dụ như việc thay thế bộ 3 nhông – sên – dĩa trong chiếc xe Honda wave vậy. Nếu thay không đủ bộ thì rõ ràng cái cũ sẽ phá cái mới nên sự hoạt động của nó sẽ kém hiệu quả. Tương tự như vậy, nếu chính phủ chỉ cố gắng ký được các FTA mà không làm chính sách phát triển ngành khác, đồng thời lại để thị trường nguyên liệu rơi trọn vào tay Tàu thì nói thẳng, đó chỉ là một việc làm kiểu “cốc mò cò xơi” mà thôi. Đứng trước ĐCS Việt Nam, Trung Nam Hải đã đọc được rất rõ cái đảng này và họ đã đi những nước cờ mà ĐCS Việt Nam không thể nào thoát được, kể cả trong kinh tế lẫn chính trị. Chơi thân với thằng vừa hơn mình cái đầu vừa có dã tâm hại mình thì đó là trò chơi dại. Việt Nam sẽ phải trả cái giá rất lớn cho thứ “tình hữu nghị viễn vông” này./.
Leave a Comment