Không nên ngộ nhận giữa chủ nghĩa Yêu Nước và lòng yêu nước

- Quảng Cáo -

nguyenngocgia’s blog – RFA

Báo Quân Đội Nhân Dân cho biết [1], ngày 11/12/2019, tại Hà Nội diễn ra đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ VIII thuộc nhiệm kỳ 2019 – 2024, theo đó “ban tổ chức đã đồng loạt tổ chức 12 diễn đàn để tập trung thảo luận 6 chuyên đề là những nội dung gắn với phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” dự kiến triển khai ở nhiệm kỳ mới” và chuyên đề “Thanh niên Việt Nam yêu nước, bản lĩnh” là một trong 12 chuyên đề.
Báo Thanh Niên có bài [2] “Hun đúc bản lĩnh, lòng yêu nước qua mỗi việc làm cụ thể”. Trong đó tường thuật các tư tưởng của đại diện thanh niên Việt Nam xoay quanh lòng yêu nước, ví dụ: phải gắn kết yêu nước với yêu CNXH, hoàn thành tốt công việc, trọng trách đang đảm nhận cũng là yêu nước,  giúp đỡ người khác hoặc sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật v.v…  chính là “bồi dưỡng lòng yêu nước” (!).
Ngộ nhận về chủ nghĩa Yêu Nước
Hiện nay, thế giới xem chủ nghĩa Yêu Nước là chủ nghĩa Dân Tộc, vì thế chúng hay được dùng như những từ đồng nghĩa trong tiếng Anh (Patriotism và  Nationalism).
Vì thế, hai loại chủ nghĩa nói trên tuy hai mà một, nghĩa là chúng lý giải quyền lực một nhà nước hình thành trên cơ sở một dân tộc, nó khác với chủ nghĩa Marx cho rằng quyền lực nhà nước căn cứ vào phân chia giai cấp. Hoặc giả, nó cũng khác với chủ nghĩa Tự Do mà quyền lực Nhà nước dựa vào khế ước xã hội của các cá nhân (hầu hết đều thông qua bầu cử tự do, công bằng và cạnh tranh giữa các chính đảng).
Vì lẽ đó, diễn đàn của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam –  quy tụ những người được coi là đại diện cho thanh niên Việt Nam – có vẻ như không có đủ hiểu biết về Triết Học & Chính Trị Học cũng như thiếu hụt các kiến thức về các học thuyết hình thành nhà nước, từ Đông sang Tây và từ cổ chí kim.
Sự ngộ nhận về chủ nghĩa Yêu Nước – thông qua diễn đàn – thể hiện rõ nét từ các phát biểu như: đánh giá việc thờ ơ thời cuộc, phê phán việc hưởng thụ v.v… của thanh niên Việt Nam.
Không những thế, có những cán bộ đoàn còn sử dụng thể thao (bóng đá Việt Nam vừa đoạt huy chương vàng Seagames 30), nghệ sĩ nổi tiếng để làm công cụ tuyên truyền chính trị và ngộ nhận là “tuyên truyền lòng yêu nước” (!).
Hơn cả vậy, không thiếu ý kiến cưỡng bức tư tưởng thanh niên bằng cách “đề nghị áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, khống chế các địa chỉ của lực lượng phản động” (!).
Nguyên nhân dẫn đến sự ngộ nhân giữa chủ nghĩa yêu Nước và lòng yêu nước, bởi hầu hết giới trẻ sống trong môi trường “đơn nguyên độc đảng” từ khi chào đời cho đến nay. Và cũng vì họ không được hưởng tự do tư tưởng, vốn dựa trên nền tảng giáo dục phi triết lý suốt quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Tác hại của sự ngộ nhận
Nói cách khác, không nên đánh đồng giữa chủ nghĩa Yêu Nước (tức chủ nghĩa Dân Tộc) và lòng yêu nước, bởi:
– Đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau về Triết Học, thông qua cặp phạm trù Cái Chung – Cái Riêng. Nói rõ hơn, chủ nghĩa Yêu Nước (Cái Chung) là một học thuyết và lòng yêu nước (Cái Riêng) là một dạng tình cảm.
– Đặt dấu “bằng” giữa chủ nghĩa Yêu Nước và lòng yêu nước sẽ dẫn đến phép ngụy biện dựa vào dân chúng (Fallacy of argumentum ad populum).  Sai lầm của phép ngụy biện này, thông thường là cách kêu gọi về tình cảm nhằm hướng người dân và cả thanh niên Việt Nam đến một kết quả (ngỡ rằng tốt đẹp) bằng tình cảm hơn là lý trí. Tức là, mọi “quốc đề” được giải quyết bằng tình cảm và cảm tính chứ không phải bằng lý trí và khoa học. Theo đó, sự mù quáng tất yếu phải lên ngôi. Khi mù quáng ngập tràn trong dân chúng với bối cảnh xã hội hiện nay, thật khó khăn để ngăn cản sự giận dữ bùng nổ trong mọi thành phần và mọi hoàn cảnh.
– Xã hội từ đó hỗn loạn về mọi mặt, đặc biệt về nhân cách và đạo đức, vì bất kỳ ai (cũng được) chỉ cần nhân danh “lòng yêu nước”, phát hiện “bọn phản động” là “mạnh dạn” thay thế tất cả mọi giá trị và chuẩn mực để hành xử cá nhân và không loại trừ yếu tố nhằm trả thù vì những lý do nào đó.
– Lòng yêu nước chi phối toàn diện, tất nhiên pháp luật sẽ bị bỏ xó. Một xã hội vô chính phủ hiện nguyên hình bằng những hành vi hoang dã nhân danh “lòng yêu nước gắn liền yêu CNXH”, từ đó sẽ làm đảo lộn toàn bộ mọi lãnh vực từ kinh tế – chính trị, an ninh quốc phòng cho đến giáo dục – y tế, văn hóa – thể thao v.v…
Kết luận
Chính vì ngộ nhận giữa chủ nghĩa Yêu Nước (tức chủ nghĩa Dân Tộc) và lòng yêu nước, nên hiện trạng xã hội Việt Nam đầy dãy những trạng ngữ:  “phong trào yêu nước, “thi đua yêu nước” hay những câu chữ phù phiếm chỉ có giá trị tô điểm như một thứ phấn son lòe loẹt: “tôi yêu tổ quốc tôi”, “tổ quốc gọi chúng con lên đường” v.v… để rồi những lớp “son phấn” đó trôi thật nhanh cùng với những bước chân quýnh quáng chạy vội qua xứ người để hưởng lạc trong nhung lụa tại Hoa Kỳ, Anh Quốc v.v… hay vất vưởng và chui lủi làm thuê làm mướn tại Nhật Bản, Hàn Quốc v.v…
Hãy trả lại học thuyết “chủ nghĩa Yêu Nước” (chủ nghĩa Dân Tộc) về đúng vị trí khoa học của nó bằng cách loại trừ ngay những tên gián điệp mà Lê Mã Lương và Trương Giang Long đã từng đề cập tới.
Người Cộng Sản Việt Nam muốn tuân theo học thuyết chủ nghĩa Yêu Nước tức là họ phải để dân tộc Việt Nam chọn ra và bầu lên những con người của dân tộc Việt Nam và vì dân tộc Việt Nam.
Một quốc gia chỉ nên và cần phải được quản trị bằng khoa học, không phải bằng tình cảm – Đó là chân lý.
______________
Nguyễn Ngọc Già
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here