Trân Văn – VOA|
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội lại vừa phủ nhận chính mình thêm một lần nữa! Nói cách khác, chỉ trong ba ngày, ông Chung có ba tuyên bố mà tự chúng thóa mạ lẫn nhau!
Hôm thứ sáu – 6 tháng 12, khi tiếp xúc với cử tri sau Kỳ họp thứ 11 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 15, trả lời những chất vấn về xử lý ô nhiễm ở sông Tô Lịch, ông Chung tỏ ra hết sức bực bội vì JEBO khoa trương công nghệ nano-bioreactor trong khi đó là thử nghiệm bất hợp pháp (không có giấy phép) và nhấn mạnh, không thể chấp nhận “trò đùa” này (1).
Ngày hôm sau – 7 tháng 12, JEBO gửi kháng thư kèm bằng chứng, chứng minh ông Chung thông tin sai sự thật, việc thử nghiệm công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch đã được báo cáo với cả chính phủ Việt Nam lẫn chính quyền thành phố Hà Nội và chỉ tiến hành khi chính quyền thành phố Hà Nội đồng ý. Ông Chung biện bạch: Tuyên bố của ông hôm 6 tháng 12 là dựa vào báo cáo của thuộc cấp (2)!
Đến thứ hai đầu tuần này – 9 tháng 12, ông Chung lại lên tiếng. Lần này, ông khẳng định: JEBO (Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường của Nhật) không xin phép khi thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Chính quyền thành phố Hà Nội chỉ cho phép JVE (Công ty Cải thiện môi trường Nhật Việt) thử làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor, chứ không cấp giấy phép cho JEBO làm điều đó (3).
Có một điểm đáng chú ý là trước nay, trong nhận thức của cả báo giới lẫn công chúng, việc thử dùng công nghệ nano-bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch vẫn được xem như nỗ lực của JEBO thông qua JVE. Ông Chung cũng biết điều đó nên khi tiếp xúc với cử tri vào ngày 6 tháng 12, ông nhắc đến cả JEBO lẫn JVE như một thực thể thống nhất. Giờ, khi cần cũng chính ông chủ động tách thực thể này làm hai!
***
Tô Lịch là một trong những chi lưu của sông Hồng, nối sông Hồng và sông Nhuệ. Do quản trị tồi, sông Tô Lịch đã bị lấp một đoạn nên chỉ còn thông với sông Nhuệ. Những đoạn còn lại, có chỗ trở thành mương, thành cống ngầm, đoạn còn giữ dáng dấp của sông thì ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước đến không khí vì đủ thứ chất thải lưu cữu hàng thế kỷ. Nhắc đến Tô Lịch, thiên hạ liên tưởng ngay đến ô nhiễm.
Cho dù chính quyền thành phố Hà Nội đã cải tạo đoạn sông Tô Lịch may mắn còn hiện hữu, vừa nhằm chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết một đại họa về môi trường, gia tăng khả năng thoát nước cho nội đô, giảm ngập lụt, song vấn nạn nan giải nhất vẫn còn nguyên: Nước sông vẫn đặc quánh, đen thui, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, sông Tô Lịch vẫn là nơi thiên hạ ngán ngại khi phải qua lại…
Khoảng tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam đồng loạt đề cập đến sự kiện, JEBO – JVE tình nguyện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Sau khi JEBO – JVE lắp đặt hệ thống sục khí nano và sử dụng các vật liệu tự nhiên được gọi là bioreactor tại một đoạn sông Tô Lịch, công chúng hết sức hào hứng khi chứng kiến, chỉ trong hai tháng, thông qua kích thích sự phát triển của vi sinh vật, có thể thúc đẩy các chất gây ô nhiễm tự phân hủy, gia tăng lượng vi sinh vật hữu ích giúp sông tự làm sạch…
Khi nước đã trong, mùi hôi đã giảm đáng kể chỉ còn chờ nghiệm thu thì trung tuần tháng 7, Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơn một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nước quá lớn khiến toàn bộ vi sinh vật – có thể giúp JEBO – JVE thành công trong việc thuyết phục cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam giã biệt những loại hóa phẩm tẩy rửa, chuyển qua ứng dụng công nghệ của Nhật, vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường – trôi sạch!
Sự kiện này đã khiến cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội bị chỉ trích kịch liệt. Chẳng riêng công chúng mà báo giới cũng nghi ngờ vụ xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch là để loại bỏ công nghệ nano-bioreactor, giữ thị trường cho những doanh nghiệp chuyên nhập cảng và độc quyền cung ứng các hóa chất tẩy rửa sông rạch, ao hồ bị ô nhiễm. Một trong những doanh nghiệp sừng sỏ trong lĩnh vực này là Công ty Arktic.
Cho đến bây giờ, những thắc mắc về chuyện tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại chọn Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water làm đối tác xử lý ô nhiễm nước ở Hà Nội, rồi ngay sau đó, Công ty Watch Water dành cho Công ty Arktic độc quyền phân phối hóa phẩm RedOxy-3C, giúp Công ty Arktic (vốn vừa mới ra ràng) lãi ròng hàng chục tỉ đồng (?), chưa bao giờ được làm rõ (4)!
Chỉ có thể thấy rất rõ, ông Chung rất khó chịu với JEBO – JVE. Không phải tự nhiên mà ông Chung lên án JEBO – JVE… khoa trương. Rõ ràng thiện cảm, niềm tin mà cả công chúng lẫn báo giới dành cho công nghệ nano-bioreactor đã khiến những nghi vấn về việc chọn – dùng RedOxy-3C một cách vội vàng, bất minh, không có lợi cho cả ông Chung lẫn chính quyền thành phố Hà Nội.
JEBO – JVE và công nghệ nano-bioreactor không chỉ khiến thiên hạ xôn xao bình phẩm về Công ty Arktic (doanh nghiệp độc quyền nhập và cung cấp hóa phẩm RedOxy-3C) là sản nghiệp của vợ con ông Chung, mà còn là dịp để nhiều người như Tiến sĩ Lương Ngọc Huỳnh thuật lại những chuyện đã từng xảy ra với họ để chứng minh: Hà Nội – thủ đô Việt Nam “có hoàng thành kiên cố, phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận” (5)!
***
Dù gì thì cũng không nên xem những tuyên bố và cách hành xử của chủ tịch một thành phố như Hà Nội là chuyện riêng, chỉ liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung. Phải đặt ông Chung trong tương quan chung. Khi những viên chức cỡ ông Chung mà chỉ như thế và vẫn cứ nhứ thế thì dựa vào đâu để thực thi cam kết “xây dựng một chính phủ hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, một chính phủ có kỷ cương, liêm chính” (5)!
Chú thích
(5) https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1264418757067624
Leave a Comment