Nguyễn Đức Chung phải chịu trách nhiệm trong vai trò người đứng đầu Hà Nội về vụ làm sạch sông Tô Lịch

- Quảng Cáo -
Sông Tô Lịch ngày nay bị ô nhiễm trầm trọng. Sau trận lụt lịch sử vào tháng 11 năm 2008, người dân Hà Nội chứng kiến nước sông trong vắt trở lại như xưa. Tuy nhiên, niềm vui chỉ kéo dài vài tuần và cuối cùng tình trạng ô nhiễm lại “đâu vào đó” và ngày càng tệ hại hơn.
Những hoài nghi xoay quanh việc làm sạch sông Tô Lịch
Ngày 16/5/2019 dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đã chính thức được khởi động.
Dự án khởi động chưa được bao lâu, trên báo chí rộ lên thông tin Hà Nội sử dụng hóa chất Redoxy-3C để làm sạch hơn 130 hồ nước tại thủ đô Hà Nội. Nhưng điều đáng chú ý, hóa chất này được biết đã dùng trước đó hai năm, tức từ năm 2017. Tại sao “hiệu quả của Redoxy-3C lại được tung ra vào thời điểm sau khi công nghệ Nano – Bioreactor bắt đầu thực hiện?
Cũng từ đó, dư luận đầy hoài nghi về loại hóa chất Redoxy-3C được cho là hiệu quả.
Để xóa tan lùm xùm trong dư luận, Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Hà Nội đã ra lệnh cho Thanh tra thành phố [1] thành lập đoàn liên ngành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C vào ngày 30/5/2019.
Bỗng nhiên vào ngày 16/7/2019, Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản cho biết [2], họ đã gửi công văn tới Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đề nghị lùi thời hạn kết thúc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đến ngày 17/9/2019 bởi 9/7/2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả khoảng 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nơi có khu thí điểm làm sạch, từ đó làm cho toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các thiết bị kích hoạt trong vòng gần 2 tháng đã bị cuốn trôi.
Sau việc xả nước nói trên, cho đến ngày 04/12/2019, kết luận vụ thanh tra về hóa chất Redoxy-3C vẫn chưa được Hà Nội công bố.
Dù đã quá hạn thanh tra gần 5 tháng nhưng Nguyễn An Huy – Chánh thanh tra Hà Nội trả lời rất khiêu khích khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao vẫn chưa đưa ra kết luận [3]:  “Quá hạn thì chúng tôi chịu trách nhiệm với Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Hiện chưa kết luận. Phóng viên muốn biết nhưng chúng tôi lại có những cái thuộc về bí mật nhà nước, trong hoạt động thanh tra có những cái ràng buộc như thế”.
Vẫn “rừng nào cọp nấy”
Giọng điệu trả lời dấm dẳng như Nguyễn An Huy, cho thấy tình trạng “rừng nào cọp nấy” tồn tại hàng chục năm qua không có gì thay đổi trong môi trường pháp luật vẫn vắng bóng như thuở nào!
Song song đó, ngày 6/12/2019 Nguyễn Đức Chung trả lời trước cử tri Hà Nội [4]: “Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội, tôi phải nói thật với các bác như thế” (!).
Hà Nội – Thủ đô của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – không phải của cá nhân Nguyễn Đức Chung dù đã từng là thiếu tướng – Giám đốc Công An Hà Nội, đương kim Chủ tịch Hà Nội, đương nhiệm vai trò Ủy viên Trung ương ĐCSVN khóa XII.
Không những lộng ngôn, Nguyễn Đức Chung còn cho rằng phía Nhật Bản khi vào làm sạch sông Tô Lịch đã “không xin phép” và ông ta cũng nhân tiện đó dạy cho JEBO và JVE phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm” (?!).
Dường như cảm thấy sự tổn thương nghiêm trọng về nhân phẩm, người Nhật Bản đã: “… chính thức phản bác thông tin sai sự thật [từ Nguyễn Đức Chung] với đầy đủ tài liệu chứng minh […] đồng thời nhấn mạnh “với trách nhiệm, nhân cách và khí phách của một người Nhật, chúng tôi thấy cần công bố rõ thông tin chi tiết, tài liệu bằng chứng liên quan để rộng đường dư luận”. Kèm theo thông tin cung cấp, phía Nhật Bản đã trưng ra công văn mang số 142/TB-VP ngày 09/5/2019 do Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hà Nội đồng ý cho phía Nhật Bản thực hiện thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng nguồn kinh phí của họ – báo Thanh Niên đưa tin [5] vào ngày 7/12/2019.
Kết Luận
Khi người Nhật Bản đã dùng tới chữ “trách nhiệm – nhân cách – khí phách”, điều đó có nghĩa mức nhẫn nhịn của họ đã đến đỉnh điểm. Cả thế giới không ai xa lạ với tinh thần Samurai – vốn sẵn sàng bảo vệ đến cùng danh dự phẩm giá Con Người – nền tảng văn hóa đã làm nước Nhật phồn thịnh – văn minh như ngày nay!
Vụ làm sạch sông Tô Lịch ngày càng phơi lột cách quản trị của dàn lãnh đạo Hà Nội thật phản khoa học, kém văn minh, vô văn hóa và nghiêm trọng nhất là Nguyễn Đức Chung với tư cách Chủ tịch Hà Nội – Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương ĐCSVN khóa XII đang trực tiếp bôi nhọ uy danh của đảng và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Bộ Chính trị ĐCSVN và Chính phủ nước CHXHCNVN cần nghiêm túc xử lý Nguyễn Đức Chung với vai trò “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” theo đúng Nghị quyết Đại hội XII đã nhấn mạnh [6].
___________________
Nguyễn Ngọc Già
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here