Berlin, 07.12.2019
Trước thềm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 71 (10.12.1948) đông đảo người Việt từ khắp miền nước Đức cũng như một vài quốc gia Âu Châu đã tụ về địa điểm lịch sử „cổng thành Brandenburger Tor“ tại „quảng trường Paris“ để trước nhất chúc mừng người dân Đức đã dùng Đấu Tranh Bất Bạo Động dẹp đi Bức Tường Ô Nhục của chủ nghĩa Cộng Sản cách đây 30 năm (1989), kế đến là cảm ơn chính phủ và người dân địa phương, trong suốt những năm qua, đã ủng hộ những nỗ lực dân chủ hóa của người Việt Nam.
Chương trình kỷ niệm 71 năm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (QTNQ) 2019 do Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn (LHNVTN) tổ chức gồm có phần biểu tình, buổi cầu nguyện liên tôn cũng như hội thảo và văn nghệ đấu tranh.
Trong thời điểm này cũng là lúc nước Đức chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh, nên trước cổng thành lịch sử Brandenburger Tor rất đông du khách từ thập phương theo dõi buổi biểu tình của người Việt tỵ nạn kịch liệt tố cáo trước dư luận quốc tế những hành vi chà đạp nhân quyền dã man của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.
Đặc biệt có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Đức (ủy viên Trung Ương đảng Việt Tân). Ông cũng như ba cựu tù nhân lương tâm có mặt, là cư sĩ Trí Lực, luật sư Nguyễn Văn Đài và bà Nguyễn Thị Thanh Vân, đều đã bị nhà nước Cộng Sản Việt Nam khủng bố, bắt cóc, tra tấn và giam giữ tùy tiện.
Sau khi thức khai mạc bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, chủ tịch LHNVTN, đã trình bầy bằng Đức ngữ về ý nghĩa ngày QTNQ. Ông Nguyễn Ngọc Đức chia xẻ về những trải nghiệm trên con đường về nước đấu tranh bất bạo động cho nhân quyền. Ông đã bị cộng sản Việt Nam khủng bố tạt acid, gây trọng thương trên khuôn mặt. Ông LS Nguyễn Văn Đài nhận định rằng tháng 11.2019 là tháng đen tối nhất cho nhân quyền tại Việt Nam với hơn 20 vụ bắt giam giữ tùy tiện những blogger. Kế tiếp là ông Nguyễn Thế Bảo (Hội NVTN Nürnberg), ông Nguyễn Đình Phúc (Hội NVTN Hamburg), bà Phương Anh (Tổ Chức Sinh Hoạt NVTN) và ông TS Phan Duy Vũ (Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức) phát biểu và thông tin cho công luận Đức về tình hình Việt Nam, cũng như những nguy cơ cho tình trạng nhân quyền nếu Nghị Viện Âu Châu không hoãn thông qua Hiệp Ước Thương Mại Tự Do với Việt Nam. Đặc biệt có sự hiện diện và phát biểu của ông Siebenrock (Tổ Chức bảo vệ các dân tộc bị đe dọa), bà Cindy Cheong (Tổ Chức người Hồng Kông Tự Do) và cụ Nguyễn Đình Tâm.
Trên quảng trường Paris người ta thấy rất nhiều cờ vàng ba sọc đỏ, cờ Đức và cờ Âu Châu cùng với những tấm biển ngữ lớn về Nhân Quyền cho Việt Nam, China get out of Vietnam´s Sea cùng nhiều hình ảnh Tù Nhân Lương Tâm, tạo thành bầu không khí phấn chấn rất đặc biệt, nhất là khi đoàn người đi diễn hành trên quảng trường trong những tiếng hô vang dội cùng với những ca khúc đấu tranh „Trả lại đây cho nhân dân tôi“, „Đáp lời sông núi…“: Đả đảo Cộng Sản Việt Nam Hèn Với Giặc, Ác Với Dân! Đả đảo Cộng Sản Việt Nam bán nước! Trung Cộng cút ra khỏi Việt Nam!
Kế đến, đồng bào đã về giáo xứ St. Aloysius cử hành nghi lễ cầu nguyện liên tôn cho quê hương và dân tộc rất trang trọng, do cư sĩ Trí Lực và linh mục Anton Đỗ Ngọc Hà hướng dẫn. Lời tụng kinh tha thiết cầu xin, trầm bổng như rót vào tim mỗi người những nỗi niềm thương đau của dân tộc. Ông Nguyễn Văn Rị đọc lời nguyện giáo dân xin Thiên Chúa soi sáng và cải hóa những nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam để họ biết thương dân và can đảm bảo vệ chủ quyền đất nước.
Sau giờ cầu nguyện các tham dự viên đã dùng bữa cơm đơn sơ đậm tình đồng bào trước khi bước qua chương trình gặp gỡ và nói chuyện với ông Nguyễn Ngọc Đức và cư sĩ Trí Lực. Nhị vị đã đưa cả hội trường vào một bầu không khí bi hùng, bất khuất và quyết tâm khi chia xẻ những trải nghiệm đau thương của bản thân lúc „vượt biên“ về nước, vận động đoàn kết và liên kết đấu tranh bất bạo động để tháo gỡ độc tài, xây dựng xã hội dân sự hầu canh tân con người và canh tân đất nước. Cả hai đều bị khủng bố, bị tra tấn, bị tạt acid gây trọng thương cũng như bị tù đày…
Để hòa nhịp vào bầu không khí linh thiêng này nhóm văn nghệ đấu tranh gồm Thụy Uyển, Cao Thìn, Vĩnh Điệp, Mỹ Lệ, Minh Mẫn, Thiên Nga và các anh chị em hội NVTN Hamburg đã trình bầy rất tuyệt vời những tác phẩm „Chúng đi buôn“, „Đất nước mình sao lạ quá phải không em?“, „Liên khúc Việt Khang“, „Con đường Việt Nam“, „Rừng đã cạn, biển nhiễm độc sao vẫn lặng câm?“,“Hãy cùng nhau đi!“… Buổi gặp gỡ và tâm tình nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2019 được kết thúc bằng ca khúc „Việt Nam quê hương ngạo nghễ“ và lời hô to vang động hội trường „Việt Nam! Muôn năm!“
Xuân Bình
Leave a Comment