Ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung), người phát ngôn Đảng Công dân thay mặt cho phe “Dân chủ”, nói rằng bà Carrie Lam rõ ràng đã vi phạm lời thề phục vụ Hồng Kông khi bà nhậm chức.
Theo truyền thông Hồng Kông, ông Alvin Yeung chỉ ra rằng dự luật này ban đầu dự kiến được đưa ra thảo luận trong Hội đồng Lập pháp hồi tháng 7. Trong vòng nửa năm, bà Carrie Lam đã gây thêm nhiều thiệt hại cho Hồng Kông và cũng dung túng sự lạm dụng bạo lực của cảnh sát. Rõ ràng, bà Lam đã đi ngược lại lời thề phục vụ Hồng Kông; việc luận tội bà là một bước quan trọng để “bạt loạn phản chính” (lập lại trật tự). Ông hy vọng rằng phái nắm quyền cần “chia tay trong thiện chí” bà Lam để Hồng Kông có thể có một bước ngoặt quan trọng.
Ông Alvin Yeung cũng nói rằng chính phủ Hồng Kông đã phớt lờ yêu cầu của hàng triệu người dân Hồng Kông hồi tháng 6 và viện dẫn luật khẩn cấp để ban hành “Luật cấm che mặt”, phá hoại nền pháp trị của Hồng Kông và đẩy Hồng Kông vào tình trạng “xe đổ người chết”. Khi xưa đặt ra chế độ luận tội là mong đợi quan chức nào đó từ chức và chịu trách nhiệm khi phạm sai lầm, nhưng hiện không ai chịu trách nhiệm.
Nghị sĩ Alvin Yeung cho rằng, luận tội bà Carrie Lam là bước quan trọng để lập lại trật tự ở Hồng Kông.
Đồng thời, ông Alvin Yeung cũng nhấn mạnh rằng mức độ uy tín của bà Carrie Lam hiện rất thấp. Trong bất kỳ xã hội dân chủ nào, quan chức nếu không được tỷ lệ dân chúng ủng hộ quá bán đã sớm phải từ chức. Trong khi đó bà Lam chỉ được có 19,7 điểm, thậm chí không được nổi 20 điểm thì tại sao vẫn có thể tiếp tục ngồi ở vị trí lãnh đạo?
Kể từ khi bắt đầu phong trào chống Luật dẫn độ hồi tháng 6 đến nay, một triệu rồi hai triệu người đã xuống đường yêu cầu chính phủ Hồng Kông trả lời những yêu sách. Là người điều hành chính quyền, bà Lam đã không trả lời đầy đủ những yêu cầu đó.
Ngày 29/11, Viện Nghiên cứu dân ý Hồng Kông đã công bố kết quả của cuộc thăm dò dân ý vào giữa tháng 11 cho thấy điểm uy tín mới nhất của bà Lam thấp dưới 20 điểm, cụ thể là 19,7 điểm; tỷ lệ ủng hộ là âm 72 điểm phần trăm – mức thấp nhất kể từ khi có chế độ Trưởng quan Đặc khu ở Hồng Kông đến nay.
Bà Carrie Lam hiện có mức uy tín thấp nhất trong lịch sử các Trưởng quan Đặc khu Hồng Kông.
Tờ Đông Phương cho biết thêm, 25 nghị sĩ phe “Dân chủ” đã cùng nhau đề xuất một nghị án luận tội bà Carrie Lam, yêu cầu ủy nhiệm Chánh án Tòa án phúc thẩm thành lập một ủy ban điều tra độc lập để điều tra. Hội đồng Lập pháp đã bắt đầu một cuộc tranh luận từ ngày 4/12, nhiều quan chức có trách nhiệm đã tham dự cuộc họp.
Nghị sĩ Alvin Yeung đã phê phán các hành động của bà Lam là chống dân chủ, chống tự do và chống chính nghĩa và vi phạm lời thề phục vụ Hồng Kông khi nhậm chức. Ông tin rằng hành động luận tội là một bước quan trọng trong việc đưa Hồng Kông ra khỏi hỗn loạn.
Ông Alvin Yeung mô tả rằng, ngày 12/6, lần đầu tiên cảnh sát sử dụng đạn cao su để đối phó những người biểu tình kể từ khi Hồng Kông được trở về Trung Quốc. Sau đó, các vụ bắt giữ bừa bãi liên tục leo thang, rồi bắn hơi cay trong khu dân cư và bắn đạn thật thẳng vào học sinh. Đáng sợ nhất là quyết định thực thi quy định cấm che mặt. Ông chỉ trích bà Lam đã dung túng lực lượng cảnh sát và chỉ ra rằng quyền lực cảnh sát không có giới hạn thậm chí còn khiến người ta lo ngại hơn về thiệt hại đối với luật pháp.
Ông Lâm Đình Trác phê phán bà Lam kiêu ngạo, coi thường sự phản đối của giới trẻ…
Nghị sỹ Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting) cho rằng toàn bộ đội ngũ quản lý chính phủ đã tan vỡ. Chính phủ đã phớt lờ những cảnh báo của phe dân chủ, cứ thúc đẩy Luật Dẫn độ, đồng thời không đếm xỉa dân ý, buộc người dân không thể sử dụng phương pháp hòa bình để bày tỏ yêu cầu. Ông cũng phê phán bà Lam kiêu ngạo, hoàn toàn coi thường dự phản đối của giới trẻ, là “quan bức dân phản”. Nếu Hồng Kông muốn khôi phục trật tự, trước tiên phải buộc chính phủ đáp ứng “5 yêu cầu chính” của những người biểu tình.
Nghị sĩ Lưu Nghiệp Cường (Kenneth Lau) đã chỉ ra rằng thiệt hại do con người gây ra còn lớn hơn thảm họa do siêu bão “Măng cụt” gây ra năm ngoái, khiến Hồng Kông rơi xuống vực thẳm. Ông cho rằng không chỉ bà Lam mà cả những người khác cũng phải chịu trách nhiệm…
Ông Trương Kiến Tông (giữa), Vụ trưởng Vụ Chính trị, cho rằng bà Lam không vi phạm nghiêm trọng luật pháp hoặc có hành vi không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong khi đó, ông Trương Kiến Tông (Matthew Cheung), Vụ trưởng Vụ Chính trị, lại nói rằng bà Lam không vi phạm nghiêm trọng luật pháp hoặc có hành vi không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông cho rằng nghị án luận tội là một vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu có đủ bằng chứng, Trưởng quan đặc khu đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp mà không từ chức. Sau khi hai phần ba các thành viên của Hội đồng Lập pháp thông qua báo cáo buộc tội, thì có thể báo cáo với chính quyền trung ương quyết định. Ông nhấn mạnh nghị án liên quan là một trình tự hiến định nghiêm túc, không phải là một công cụ chính trị để các nghị sĩ tùy tiện di chuyển theo ý muốn. Ông nhấn mạnh rằng các cáo buộc bà Lam hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ và kêu gọi các nghị sĩ hãy phủ quyết nghị án này.
Nguồn: Báo Mới
Leave a Comment