Ngành tư pháp được lập ra là để mang lại công lý cho xã hội. Nếu buộc tội đúng người đúng tội thì nó sẽ có giá trị trừng phạt kẻ phạm tội và răn đe kẻ có ý định phạm tội. Thế nhưng, nếu tòa án mà kết tội oan cho một ai đó, thì chính cái tòa án đã gây nên 2 tội ác: tội các thứ nhất kết tội oan kẻ vô tội; tội ác thứ nhì là dung túng cho kẻ phạm tội đích thực tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và rất có thể chính những kẻ này gây thêm tội ác khác. Tòa án lúc này không những không làm cho xã hội giảm đi tội ác mà ngược lại nó còn khuyến khích tội ác bùng phát mạnh hơn.
Vụ án Hồ Duy Hải là một ví dụ điển hình về một cái sai có hệ thống của các cơ quan tố tụng XHCN. Trong vụ án này, những vật chứng như thớt, dao, ghế mang dấu vết của tội phạm chỉ được cơ quan điều tra sao chụp ảnh mà không hề thu giữ nó để truy nguyên. Họ đã cố tình quẳng đi vật chứng gốc và cho người mua mới những vật dụng tương tự để thay thế vật chứng gốc nhằm đưa vào hồ sơ vụ án. Với hành động này, chúng ta thấy cơ quan điều tra đã không làm đúng chức năng điều tra của nó mà ngược lại, nó còn có chủ đích phi tang chứng cứ thật và ngụy tạo chứng cứ giả. Chẳng lẽ đây là nghiệp vụ của một cơ quan điều tra sao? Thật đáng sợ.
Đấy là sự sai phạm của cơ quan điều tra, đến lượt viện kiểm sát thì lại tiếp nối cái sai dựa trên cái sai của cơ quan điều tra. Theo báo chí cho biết, vết vân tay thu giữ tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải nhưng viện kiểm sát vẫn đề nghị truy tố anh ta thì quả thật, đây là hành động thông đồng với cơ quan điều tra quá rõ ràng. Chưa hết, với những bằng chứng không thuyết phục như vậy, nhưng tòa án vẫn kết án tử hình cho Hồ Duy Hải, thì qua đây chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy những cơ quan tố tụng của chính quyền CS đã cùng nhau ngồi lại và sáng tác ra tội và sáng tác ra thủ phạm mới để che đậy cho một thủ phạm thực sự nào đó. Đây là một việc làm vô cùng nguy hiểm cho xã hội, nhưng rất tiếc nó rất phổ biến trong đất nước nước này. Hàng loạt bản án dành cho những tù nhân lương tâm đều là loại án được sáng tác như thế này cả.
Nói đến án oan thì ngay cả những nước có nền tư pháp phát triển nhất vẫn gặp phải, nhưng vấn đề là ở những nơi đó việc xảy ra án oan là rất hiếm chứ không nhiều như tại Việt Nam. Ở những quốc gia có tư pháp độc lập, thì tòa án kết án oan chỉ vì họ không tìm thấy sơ hở trong quá trình tố tụng. Với những loại vụ án mà thủ phạm có khả năng dàn cảnh quá hoàn hảo đến nỗi có thể qua mặt được cả 3 cơ quan tố tụng độc lập là rất hiếm, nên có thể nói, ở những nơi đó, xác suất gặp án oan là rất thấp. Còn cố tình phi tang vật chứng thật, phớt lờ chứng cứ đúng một cách trắng trợn như vụ án Hồ Duy Hải ở Việt Nam thì chắc chắn, ở những nước có tư pháp độc lập không bao giờ có.
Vì sao cần phải có tư pháp độc lập? Nói tới độc lập tức những cơ quan làm việc dựa trên một chuẩn chung mà không hề có sự thông đồng nào cả. Cái chuẩn chúng đó là Luật pháp. Độc lập nghĩa là loại trừ sự thông đồng, mà khi không có sự thông đồng thì cái đúng của cơ quan này sẽ hiệu chỉnh cái sai của cơ quan khác. Chính vì thế mà tư pháp độc lập sẽ hạn chế sự oan sai và đề cao công lý. Còn loại tư pháp được chỉ huy như ở Việt Nam thì tất cả các cơ quan tố tụng đều làm việc theo một thứ mệnh lệnh được ban ra từ bên trên. Mà khi lệnh được ban ra là chắc chắn không khách quan, cũng chính cái mệnh lệnh đó mà buộc các cơ quan tố tụng phải ngồi lại sáng tác ra những tình tiết mới nhằm mục đích bẻ vụ án đi theo ý của kẻ ra lệnh. Thực ra không chỉ khi nhận mệnh lệnh cơ quan tố tụng mới sáng tác án, mà với nghiệp vụ kém và tâm tà ác ngự trị bên trong những kẻ đang cầm cán cân công lý thì sự sáng tác án cũng diễn ra như thường. Chính vì thế mà chúng ta có thể khẳng định rằng, cái sai trong nền tư pháp CS là cái sai có hệ thống. Mà cái gì có tính hệ thống thì nó luôn mang tính phổ biến.
Án oan sai ở những đất nước dân chủ được ví như một vài chi tiết bị lỗi trong một bộ máy khổng lồ đang hoạt động trơn tru tạo ra công lý cho xã hội. Chính vì thế cho nên ở đây, án oan là hiếm hoi và công lý là phổ biến. Còn án oan sai ở Việt Nam nó là cái bản chất của một hệ thống khổng lồ, chính vì thế công lý trong bộ máy này như là một chi tiết hiếm hoi lạc lõng trong một rừng án oan sai do chính hệ thống đó tạo ra. Không phổ biến sao được khi mà 3 cơ quan tố tụng chuyên thông đồng với nhau sáng tác ra tội lỗi tưởng tượng để lấy thành tích hoặc phục vụ ý đồ chính trị cho những có quyền lực lớn. Thật là tởm lợm cái gọi là tư pháp XHCN!
Leave a Comment