Nguyễn Tường Thụy – RFA
Phạm Chí Dũng biết những đánh giá của công luận, của dư luận về mình nhưng hầu như anh không quan tâm mấy. Những lời khen không làm anh lấy đó mà cho rằng mình quan trọng, những lời dị nghị không làm anh phân tâm. Phạm Chí Dũng khiêm nhường nhưng tự tin. Tôi không thấy anh chê bai ai, dù khi cần thiết anh có thể có những nhận xét thận trọng. Không thấy anh ồn ào, lên gân lên cốt bao giờ, nếu có thì chỉ là sự gồng mình lên trước áp lực của công việc.
Tôi thường thấy anh trong những bộ quần áo đơn giản nhưng gọn ghẽ. Chưa bao giờ thấy anh diện bộ trang phục đắt tiền, sang trọng. Anh sống chân thành, không có giọng lấy lòng ai hay xúc phạm đến ai. Có lần bài viết của tôi có tới 1 vạn chia sẻ, nhưng anh bảo bài ấy chưa phải hay, anh có những bài khác hay hơn. Tôi chẳng biết anh nói về bài nào.
Dưới con mắt của nhà cầm quyền, anh là người “không nghề nghiệp” (xem trong quyết định khởi tố). Đó là cách nói của họ, để cho dư luận hiểu anh là kẻ vô công rồi nghề. Không làm công ăn lương cho ai thì coi là không nghề nghiệp nhưng muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp thì người ta phong cho mấy bà phục vụ gia đình có nghề nghiệp nội trợ.
Một nhân vật nổi tiếng như anh, cứ nghĩ anh phải có người giúp việc, hoặc ít ra được rảnh để có thể toàn tâm cho công việc nhưng không phải thế. Trong gia đình, anh cư xử trọn vẹn với trách nhiệm của người con, người chồng, người cha. Anh biết chia sẻ công việc với gia đình, cố gắng làm những gì có thể đỡ đần cho người khác. Quanh năm, anh lãnh trách nhiệm đưa đón 2 con đến lớp một cách đều đặn vì anh không làm hành chính, có thể làm vào lúc khác. Nhiều lần câu chuyện giữa tôi và anh phải tạm dừng vì “đã đến giờ em đi đón các cháu”. Vì vậy, công an muốn bắt anh chỉ cần mai phục ở cổng trường các cháu là tóm được.
Phạm Chí Dũng là người chí tình với bạn bè, thương yêu vợ con, là người con có hiếu của gia đình.
Tôi phải thành thật mà nói rằng, tôi và Phạm Chí Dũng không quá thân thiết với nhau, không phải là “cạ” với những sở thích như ham rượu chè, quán sá. Chúng tôi đối đãi với nhau bằng sự trân trọng, nể nang và tin cậy. Vì thế, trong hai kỳ viết này, tôi không có nhiều những kỷ niệm về anh mà chỉ có thể nói những gì tôi biết. Chúng tôi cũng không phải là không có những bất đồng, nhưng đó chỉ là những việc nhỏ như về một bài viết chẳng hạn. Khi ấy, anh hay tiếp thu ý kiến của tôi, vì tôi rất thận trọng, dè dặt khi quyết định đưa ra một ý kiến nào đó. Anh không bảo thủ trước những ý kiến thuyết phục. Ngược lại về công việc của Hội, tôi tôn trọng việc làm của anh, không tọc mạch những việc tôi không nên biết. Tôi tin anh trong những việc anh không thể chia sẻ.
Bị sách nhiễu
Không nói về hai lần bị bắt, Phạm Chí Dũng thường xuyên bị sách nhiễu. Anh bị theo dõi rất ngặt nghèo. Nhiều lúc anh bị canh giữ gắt gao. Giấy mời, giấy triệu tập thì thường xuyên, anh không đi thì bị đón bắt ngoài đường.
Xin nhắc lại vài vụ:
Ngày 29/11/2013 khi đến thăm Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội thì anh bị chặn ngay từ ngõ rồi bị đưa về đồn câu lưu 6 giờ. Tại đó, công an đưa ra một quyết định rất quái đản là anh không được gặp 3 đối tượng: Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Văn Hải và Lê Thị Công Nhân, trong khi Nguyễn Văn Hải, Lê Thị Công Nhân đang ở… trong tù.
Ngày 1/2/2014, trên đường đi Geneva, Phạm Chí Dũng bị chặn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Anh được tổ chức phi chính phủ UN Watch mời sang làm diễn giả tại một buổi họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 4/2 và tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhân quyền và Dân chủ Geneva vào ngày 25/2. Vụ chặn xuất cảnh ấy, công an cũng thu luôn hộ chiếu của anh cho tới tận bây giờ. Anh không đi được Mỹ để vận động cho tự do báo chí hồi tháng 4/2014 cũng vì thế. Trước đó, Phạm Chí Dũng từng bị “cảnh báo” không nên đi Singapore tham dự một hội nghị về cải cách ở Việt Nam.
Ngày 25/6/2015, sau khi đưa con đến lớp, Phạm Chí Dũng bị đón bắt và đưa về đồn. Trong khoảng 8 giờ thẩm vấn, có nội dung công an yêu cầu chấm dứt trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập.
Ngày 16/4/2016, Phạm Chí Dũng ra Hà Nội từ hôm trước để tham dự tọa đàm của Hội Nhà báo độc lập “Obama đến Việt Nam – The change we need”. Sáng hôm sau anh mượn xe máy của một người bạn tới địa điểm họp thì bị một xe khác tông vào rất khó hiểu. Lấy lý do va chạm, anh bị đưa đến công an phường Giảng Võ để câu lưu. Vụ này, Nhà thơ Bùi Minh Quốc từ Đà Lạt ra cũng bị bắt về đồn câu lưu còn tôi bị canh giữ tại nhà.
Ngày 17/12/2017, Phạm Chí Dũng bị một kẻ lạ mặt ép xe ngã xuống đường rồi bỏ chạy. Anh bị chấn thương phần mềm, ở vai trái, chân trái và hai tay, có những vết bị sâu, phải băng bó khắp người. Thời điểm diễn ra vụ việc, đoạn đường vắng xe đi lại, thủ phạm chọn quãng đường tối để ra tay.
Nhiều năm qua, Phạm Chí Dũng đã nỗ lực làm việc trong hoàn cảnh bị canh giữ, trấn áp như thế.
Cáo trạng về Phạm Chí Dũng sẽ như thế nào?
Những gì nhận xét về việc viết bài của Phạm Chí Dũng ở kỳ trước tôi đều căn cứ vào những bài viết trên mạng có ký tác giả là Phạm Chí Dũng. Tôi cứ tạm coi thế đã. Còn những bài nào của anh hay bài nào không phải, đó là việc của cơ quan điều tra.
Phạm Chí Dũng bị khởi tố về Điều 117, khoản 1, tiết a “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có khung hình phạt từ 5 đến 12 năm. Trong quyết định khởi tố, anh bị cáo cuộc hành vi cụ thể là “Làm, tàng trữ, phát tán các bài viết, trả lời phỏng vấn có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Điều 117 thực chất là Điều 88 cũ nhưng cụ thể hơn. Hành vi là làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền. Đối tượng của hành vi là thông tin, tài liệu, vật phẩm.
Nhưng những thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung như thế nào là tuyên truyền chống nhà nước thì không có qui định cụ thể. Việc này người ta dành cho quan tòa phán, phán thế nào nó ra thế ấy.
Tôi biết có những phiên tòa (ví dụ phiên tòa Hội Anh em dân chủ), người ta mời Hội đồng giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông giám định tài liệu này nọ xem có phải là tuyên truyền chống nhà nước hay hoạt động lật đổ không. Đây là một điều rất kỳ quặc. Người ta có thể dùng khoa học kỹ thuật giám định, chứ không ai dùng tư tưởng của người này để giám định tư tưởng của người kia bao giờ. Khi ấy, nó phụ thuộc vào cách hiểu, cách nghĩ của họ, thậm chí có thể là theo chỉ đạo.
Trong các bài viết ký tác giả là Phạm Chí Dũng, không biết người ta có đưa ra được bài nào, ý nào, câu nào để chứng minh tác giả tuyên truyền chống nhà nước hay không, nếu đưa ra thì cũng rất khiên cưỡng. Tôi cho rằng, các bài viết ấy, tác giả chỉ thể hiện quyền tự do biểu đạt tư tưởng, quan điểm, cách nhìn được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia mà thôi.
Vì vậy, cáo trạng trong nhiều vụ án rất buồn cười, khó đưa ra được các bằng chứng để kết tội theo tội danh bị quy chụp, nhất là trong các án chính trị hoặc các vụ án khởi tố theo tội danh thường nhưng thực chất là án chính trị. Ví dụ cáo trạng đối với Đinh Nhật Uy, người ta đưa ra những hành vi như ảnh bìa trang facebook của Uy in chung hình với một số tù nhân lương tâm; hành vi “kêu gọi hướng về phiên tòa xử Uyên – Kha”; lại có cả hành vi viết lời nhắn nhủ “Vững bước nhé những người em thân yêu”. Hay như cáo trạng Nguyễn Phương Uyên có hành vi viết trên mảnh vải trắng “có nội dung không hay về Trung Quốc”.
Trong vụ án Hội anh em Dân chủ, Hội đồng xét xử căn cứ vào bản ghi âm lén một cuộc họp có đề cập nội dung các kịch bản về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Thế là họ qui sống cho các bị cáo tội hoạt động lật đổ, đánh đồng sụp đổ thành lật đổ.
Những sự gán ghép này thật nực cười. Cáo trạng về Phạm Chí Dũng rồi cũng sẽ khiên cưỡng như thế.
Dù có như thế nào, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng vẫn là một người vô tội.
Kết
Trước đây và đồng thời, có nhiều cây viết xuất sắc đóng góp cho tiếng nói phản biện như các blogger Điếu Cày, Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Người Buôn gió, Mẹ Nấm. Nhưng đến Phạm Chí Dũng, anh đã thổi luồng sinh khí mới cho tự do báo chí ở Việt Nam, làm cho diện mạo của báo chí Việt Nam khởi sắc chưa từng có. Có thể có những ý kiến khác, nhưng tôi ghi công đầu cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Trong vụ án này, có thể công an nhằm vào cá nhân Phạm Chí Dũng, điều đó đã rõ, nhưng có thể nhằm cả vào Hội Nhà báo Độc lập. Thế nhưng, chỉ với việc bắt Phạm Chí Dũng, họ cũng đã đạt được cả hai mục đích vì anh là linh hồn của Hội Nhà báo Độc lập. Dễ thấy rằng, việc Phạm Chí Dũng bị bắt gây tổn thất rất nặng nề cho Hội Nhà báo Độc lập. Những khoảng trống mà anh bỏ lại khó có thể thể bù lấp được như về tiếng nói, về đối ngoại…
Khi quyết định bắt Phạm Chí Dũng, hẳn nhà cầm quyền đã tính toán rất kỹ, cho rằng điểm ăn cao hơn điểm thua. Nhưng đó mới chỉ là tính toán, còn thực tế như thế nào lại là chuyện khác. Mời bạn đọc tìm hiểu thêm dư luận quốc tế về vụ này.
Nếu nhà cầm quyền vì đất nước, vì nhân dân thì việc bắt Phạm Chí Dũng là vô cùng sai lầm. Nhưng với mục đích chỉ để bảo vệ ĐCSVN, thì họ có thể đúng. Có thể thôi vì biết đâu việc bắt Phạm Chí Dũng lại gây hại cho họ. Tôi nói thế để khẳng định rằng, quyền lợi của dân tộc, của nhân dân và đất nước khác với quyền lợi của ĐCSVN.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Leave a Comment