Đinh Yên Thảo – RFA
Người dân và giới trẻ Hồng Kông cần sự tự do, cần xã hội dân chủ và cần sự sung túc từ một nền kinh tế thị trường phát triển. Họ không cần đảng cộng sản, không cần chủ nghĩa xã hội tập quyền, lại càng không thuộc về một giấc mộng Trung Hoa bá quyền đang bị thế giới ghét bỏ.”
Giữa lúc cuộc tranh đấu dân chủ của giới trẻ Hồng Kông ngày càng khốc liệt với máu và nước mắt thì Tân Hoa Xã cùng báo Nhân Dân Nhật Báo, những cơ quan ngôn luận chính thức của Bắc Kinh đã công bố văn kiện kỳ họp lần thứ tư của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Cộng khóa 19 hồi tuần trước. Nó bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội cùng hệ thống lý luận và phát triển của Trung Cộng trong kỷ nguyên mới, trong đó dành riêng một phần để nói về Hồng Kông và Ma Cao. Đáng chú ý là bên cạnh các biện pháp hành chính, luật pháp, an ninh quốc gia mà Bắc Kinh muốn áp đặt lên hai đặc khu này là bản dự thảo hướng dẫn việc giáo dục tinh thần yêu nước cho giới trẻ đại lục nói chung và tại các đảo quốc này nói riêng.
Theo như văn kiện Trung Ương Đảng được trích đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ấn bản tiếng Anh ra ngày 12 tháng 11 thì “giáo dục tinh thần yêu nước” trong kỷ nguyên mới phải được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Tam Cá Đại Biểu (thuyết Ba Đại Diện của Giang Trạch Dân đề ra rằng Đảng cộng sản đại diện cho lực lượng sản xuất, cho nền văn hóa và quyền lợi nhân dân), Quan Điểm Khoa Học về Phát Triển (học thuyết của Hồ Cẩm Đào trong việc kiến tạo một xã hội cân đối với con người là cơ bản và sự phát triển phải toàn diện) cùng tư tưởng Tập Cận Bình qua mô hình xã hội chủ nghĩa mang đặc tính Trung Hoa.
Văn kiện này thực chất là sự cải đổi bản hướng dẫn đã ra đời đôi chục năm trước từ sau vụ Thiên An Môn, nhằm giáo huấn giới trẻ để khẳng định rằng, yêu nước phải song hành với yêu đảng và yêu chủ nghĩa xã hội trong tình đoàn kết dân tộc để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa hiện nay. Bắc Kinh chỉ thị rằng nó cần được phổ biến và áp dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong văn học nghệ thuật, trên không gian mạng cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt là cần đưa vào chương trình giảng dạy học đường và cơ quan chính phủ, không chỉ dành cho giới trẻ đại lục mà chú trọng đến giới trẻ và công chức tại Hồng Kông và Ma Cao.
Trên thực tế, nếu theo dõi các bài báo cũng trên Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật Báo thì một chiến dịch vận động tinh thần yêu nước, yêu mẫu quốc đã liên tục xuất hiện kể từ khi cuộc xuống đường của giới trẻ Hồng Kông diễn ra trong vài tháng qua, không đợi đến khi văn kiện trên được phổ biến trong tháng này. Bắc Kinh đã sử dụng chính các minh tinh điện ảnh, những ca sĩ, người mẫu Hồng Kông thân cộng để làm công cụ tuyên truyền, kêu gọi lòng yêu nước, trung thành với mẫu quốc. Hoặc đăng tải những câu chuyện kiểu “người tốt, việc tốt” có lòng yêu nước, tự hào khi làm người Trung Quốc. Chúng xuất hiện nhan nhãn và thường xuyên trên các báo đảng.
Đọc các văn kiện về chương trình giáo dục “cộng sản toàn thư” này cũng như một chiến dịch tuyên truyền về “tinh thần yêu nước” của Trung Cộng trong “kỷ nguyên mới”, quả thật nếu không đưa người ta quay về với không gian một thời cộng sản của vài chục năm trước thì cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người về câu chuyện tưởng như đùa mà Trung Cộng đang tái khởi xướng. Bởi những chủ thuyết cộng sản đã trở thành bóng ma quá khứ từ lâu trên thế giới và tượng đài Lenin còn bị kéo đổ trên chính xứ sở của Lenin cùng các quốc gia cựu cộng sản khác. Và ngay chính giới trẻ của các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới, như tại Việt Nam chẳng hạn, cũng chẳng thể nào nhồi nhét họ được huống hồ với giới trẻ Hồng Kông. Nhưng việc tái phát động chiến dịch này, có lẽ Trung Cộng chỉ muốn đề cao vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình hiện nay. Với mục đích gì, cứ cho rằng Trung Cộng vẫn còn thật sự bám víu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản như vậy thì liệu Bắc Kinh có áp đặt việc “yêu nước là yêu đảng và yêu XHCN” này lên giới trẻ Hồng Kông được hay không?
Sau hơn hai thập niên Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Cộng và trở thành một đặc khu hành chính trực thuộc mẫu quốc, các cuộc thống kê mới nhất cho thấy dân Hồng Kông vẫn xem họ là “người Hồng Kông” (Hongkonger) đã lên mức kỷ lục là 76% so với 23% số người nhận mình là Trung Quốc hay Trung Quốc trong Kồng Kông. Nhóm người thân cộng này có lẽ phần lớn là những di dân đại lục từ sau ngày trao trả, còn lại người dân Hồng Kông thực thụ chưa bao giờ thấy mình thuộc về Bắc Kinh. Đó là lý do khiến Bắc Kinh lo ngại và ngày càng muốn đưa người dân Hồng Kông “vào khuôn phép”, bằng cả bạo lực như những gì đang diễn ra tại Hồng Kông hiện nay và qua chiến dịch “văn hóa vận” với chiêu bài kêu gọi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và tình đoàn kết quốc gia như nói trên.
Cho dù người dân và giới trẻ Hồng Kông buộc phải sống trong quy chế “một quốc gia, hai thể chế” dưới bóng dù chung của một quốc gia cộng sản, nhưng suy nghĩ, văn hóa, môi trường sống trong một xã hội dân chủ lâu đời đã thấm đẫm trong con người họ, khó có điều gì khiến họ đổi thay. Thực chất họ vẫn đang sống và hành xử như tại hai quốc gia, hai thể chế đầy khác biệt, nếu không nói là đầy trái ngược. Dân Hồng Kông yêu chuộng giá trị của tự do thay vì sự độc tài sắt máu. Họ đã quen với một thể chế chấp nhận đa đảng chứ không chỉ độc đảng và do đảng lãnh đạo. Và hơn hết, họ từng được hưởng quyền tự do ngôn luận, được chọn lựa quyền nghe-nói điều gì chứ không phải do sự tuyên truyền, nhồi nhét những giáo điều của chủ nghĩa Mao, Mác hay Lê Nin đã quá vãng nào đó. Đó là lý do họ phản kháng từ nhiều năm qua khi Trung Cộng thất hứa trong cam kết trao quyền tự quản cho Hồng Kông và can dự vào đảo quốc này ngày càng nhiều hơn.
Người dân và giới trẻ Hồng Kông cần sự tự do, cần xã hội dân chủ và cần sự sung túc từ một nền kinh tế thị trường phát triển. Họ không cần đảng cộng sản, không cần chủ nghĩa xã hội tập quyền, lại càng không thuộc về một giấc mộng Trung Hoa bá quyền đang bị thế giới ghét bỏ. Họ sẽ không bao giờ yêu nước theo kiểu phải “yêu đảng và yêu xã hội chủ nghĩa” như Bắc Kinh mong muốn. Mà tinh thần yêu nước của họ là tình yêu dành cho một Hồng Kông tự do, là sự tranh đấu quả cảm để bảo vệ những giá trị này.
Hơn ai hết, người Hồng Kông hiểu rằng khi nỗi sợ hãi bao trùm là lúc bạo quyền lên ngôi, còn khi nhà cầm quyền biết sợ người dân, thì đó là lúc hoa tự do trổ bông. Chính vì lẽ đó, giới trẻ Hồng Kông chẳng lùi bước và đang đổ máu trong cuộc chiến với bạo tàn, cho dù không cân sức. Nhưng dẫu có phải hy sinh, họ đã là những người chiến thắng vinh quang. Nguyện vinh quang quy Hương Cảng. Glory to Hong Kong.
Leave a Comment