Quảng Cáo

Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự – Một tội danh không có hậu quả

Quảng Cáo

Nguyễn Ngọc Già

Ngày càng có rất nhiều người dân bị buộc tội và kết án bằng điều luật 117 thuộc Bộ Luật Hình Sự (BLHS) hiện hành. Theo đó, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) quy định cụ thể như sau:
Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Quan hệ Nhân – Quả của điều 117 không xảy ra.

Điều 243 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) cho biết, bản cáo trạng phải ghi rõ: “… thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra…”

Như vậy, khi bị truy tố theo tội danh 117 BLHS, Viện Kiểm Sát phải chứng minh điều quan trọng nhất: MỨC ĐỘ THIỆT HẠI DO HÀNH VI “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” mà người đang đứng trước tòa đã gây ra.

Căn cứ để xác định “mức độ thiệt hại” như điều 243 BLTTHS quy định, lại buộc phải căn cứ vào Luật Giám Định Tư Pháp (LGĐTP)

LGĐTP gồm 8 Chương và 46 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Trong luật này, không có bất kỳ một điều nào quy định phải “giám định tư tưởng”. Điều này có nghĩa, khi kết án một người phạm vào điều 117, Viện Kiểm Sát và Tòa Án phải chứng minh được:

a) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân của cá nhân đang bị truy tố phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.

b) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân của cá nhân đang bị truy tố  phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải  XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.

c) Việc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý của cá nhân đang bị truy tố  phải gây ra hậu quả rõ ràng, bởi “hình sự” là phải  XÁC ĐỊNH ĐƯỢC những thiệt hại vật chất và tổn thương tinh thần cụ thể.

Nghĩa là Viện Kiểm Sát và Tòa Án phải xác định cá nhân đang bị truy tố, chính vì “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCNVN” dẫn đến sự việc cụ thể như 5 ví dụ dưới đây:

1/ Mười ngàn người dân xuống đường biểu tình, nên gây ra đình trệ cho công ty, nhà máy, từ đó gây thiệt hại 100 tỉ đồng mỗi ngày cho các doanh nghiệp.

2/ Một trăm ngàn người dân xuống đường biểu tình làm tắc nghẽn giao thông, từ đó gây thiệt hại 1.000 tỉ đồng mỗi ngày cho xã hội.

3/ Hai mươi ngàn người dân xuống đường biểu tình làm các công sở Nhà nước đình trệ trong việc phục vụ nhân dân, gây thiệt hại 300 tỉ đồng mỗi ngày cho ngân sách Nhà nước.

4/ Chủ tịch nước bị đột quỵ, vì quá uất ức do người đang bị truy tố gây ra từ những tài liệu của họ hay Thứ trưởng Bộ Giáo Dục – Đào Tạo bần thần tê tái đến mức choáng váng đến nỗi té từ lầu 8 xuống đất và chết, bởi chính những bài viết của họ phỉ báng đến tận cùng.  Từ đó làm cho nhà nước CHXHCNVN phải tốn thêm chi phí hàng năm là 100 tỉ đồng cho Chủ tịch nước đáng kính nói trên, cũng như để lại hậu quả cho toàn gia đình của vị thứ trưởng nỗi đau khôn nguôi đến mức trầm cảm mà ngân sách nhà nước tiếp tục tiêu tốn để chữa trị.

5/ Vì những bài viết đó – chính nó đã trực tiếp xúi giục Bộ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông nhận hối lộ ba triệu đô la Mỹ mà nhà nước CHXHCNVN bị thế lực thù địch bôi nhọ tràn lan trên mạng xã hội v.v…

Và còn rất nhiều hậu quả cụ thể khác mà chỉ qua “giám định tư pháp” mới có đủ căn cứ truy tố và kết án theo điều 117 một cách khoa học và kẻ bị kết án hoàn toàn tâm phục khẩu phục.

Kết Luận

Tại Đại hội XII diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016, ĐCSVN đã thông qua Cương lĩnh về lĩnh vực tư tưởng, trong đó có một thay đổi rất quan trọng:

“…tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…”

Viện Kiểm Sát và Tòa Án nên chấp hành theo Cương lĩnh và Hiến pháp để sao cho những ai bị kết án từ “tội danh 117”, họ phải thấy rõ tư tưởng, hành vi của mình là “trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.

Song song đó, Viện Kiểm Sát và Tòa Án  phải chứng minh và xác định rõ các thiệt hại cụ thể mà người bị kết án gây ra. Lúc đó, những người bị kết án chỉ còn cách duy nhất – cúi đầu nhận tội.

Hình ảnh và uy danh của ĐCSVN cũng như của nhà nước CHXHCNVN càng thêm ngời sáng trên trường quốc tế qua cách làm việc khoa học và văn minh như thế.

__________________

Nguyễn Ngọc Già

Ghi chú: Các số liệu trong 5 ví dụ chỉ là con số giả định nhưng cần phải đưa ra cụ thể, bởi vì đó là công việc của Giám Định Viên theo Luật Giám Định Tư Pháp. Nghĩa là, mọi kết quả giám định phải có số liệu cụ thể, rõ ràng.

nguyenngocgia’s blog

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux