Tân Phong – Web Việt Tân
Phần 1
Thông tin gần đây của Bộ Giao Thông Vận Tải, nhà cầm quyền cộng sản đang mong muốn thực hiện dự án đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh có trị giá tới 100.000 tỷ, sẽ được triển khai “bằng mọi giá” như lời ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu. Số tiền này, dĩ nhiên, là do ông “bạn vàng” cho vay và kèm theo khoản tiền được “tài trợ” cho bước khảo sát dự án.
Dư luận trong nước lo lắng vì cho rằng Việt Nam sẽ chìm nghỉm trong núi nợ và nghi ngờ tính hiệu quả, cần thiết của dự án này. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, đồng thời là cựu cố vấn của cố Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt, đã phải thốt lên: “Tại làm sao mà có thể tham lam đến như thế?”
Ông Bộ Trưởng Thể, người nổi tiếng từ trước tới nay bằng trò lươn lẹo trẻ trâu thay tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” ở các dự án BOT, là một người có chỉ số IQ khiêm tốn, chuyên môn yếu, nhưng lòng tham thì chắc không kém bậc tiền bối lẫy lừng Đinh La Thăng. Từ khi lên nắm quyền “tư lệnh” của ngành, ông Thể chưa làm được dự án gì cho “ra tấm, ra miếng” mà chỉ toàn “đổ vỏ” cho quan anh trước đó, hẳn vô cùng nóng lòng với dự án này.
Hơn 4 tỷ USD là một số tiền rất lớn, chưa biết hiệu quả dự án sau này như thế nào nhưng ít nhất 1/3 số tiền dự án là “tiền tươi” được “lại mặt” theo “thông lệ đảng” cho đám quan chức từ Bộ Chính Trị cho tới Bộ Giao Thông Vận Tải và các tỉnh thành có dự án đi qua, hẳn cũng đủ phè phỡn mấy đời không hết.
Tuy nhiên, bài viết này không đi sâu vào khía cạnh ăn chia bẩn thỉu trong các dự án hạ tầng của CSVN mà tập trung vào tầm quan trọng của con đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh, cũng như cảng biển Hải Phòng đối với an ninh quốc gia và địa kinh tế, chính trị khu vực Bắc Bộ.
Trước tiên, hãy xem lại lịch sử con đường này để hiểu tham vọng của người Pháp khi xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh từ 1898 – 1910, vai trò quan trọng của cảng Hải Phòng và tuyến giao thông chiến lược hơn 120 năm trước, cũng như hiện nay trong kế hoạch bá quyền “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình. Từ đó, để hiểu rõ những “quyết tâm chính trị” của Hà Nội trong việc triển khai dự án này là gì. Những hệ quả khôn lường mà từ dự án này sẽ xảy ra khi hệ thống chính trị CSVN sẵn lòng “cùng dập bước chung lòng, thờ Mao chủ tịch, thờ Xit-ta-lin bất diệt” như thế nào.
Từ tham vọng dang dở của người Pháp
Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh được Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer cho tiến hành xây dựng ròng rã 11 năm với tốn kém khổng lồ về nhân lực, vật lực và tài chánh. Chi phí xây dựng là 87.700 đồng bạc/km cho đường sắt đoạn Hải Phòng – Lào Cai và 147.300 đồng bạc/km cho đường sắt đoạn Lào Cai- Vân Nam Phủ. Tổng chi phí cho cả tuyến đường lên đến 102 triệu đồng bạc, tương đương với 243.500.000 phơ-răng tính theo tỷ giá của các năm xây dựng.
Con đường này có hai bộ phận, tuyến thuộc lãnh thổ Việt Nam (Hải Phòng – Lào Cai) dài 384km và phần nằm trên đất Trung Quốc (Lào Cai – Côn Minh) dài 464km. Để vượt chênh lệch độ cao 1.900m giữa Hải Phòng và Côn Minh, các kỹ sư người Pháp đã thi công 173 cây cầu và đào 158 đoạn đường hầm xuyên núi, băng qua những núi cao, vực sâu cực kỳ hiểm trở.
Trong quá trình thi công, ít nhất 12.000 phu người Việt Nam, Trung Quốc và 80 kỹ sư Pháp đã chết vì tai nạn, dịch bệnh. Tuyến đường này sử dụng những kỹ thuật tân tiến phức tạp nhất về xây dựng cầu cống, khoa học hỏa xa thời đó, được so sánh với con kênh đào vĩ đại Panama về ý nghĩa chiến lược kinh tế, chính trị, quân sự và qui mô tốn kém của dự án.
Tham vọng của người Pháp là mở một tuyến đường chiến lược lên cao nguyên Vân Nam giàu tài nguyên khoáng sản. Đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh giúp cho việc vận chuyển giảm 1/3 quãng đường thay vì phải xuất cảng qua ngả Hong Kong – Thâm Quyến vốn rất hiểm trở, xa xôi lại thuộc quyền kiểm soát của người Anh. Cảng biển Hải Phòng được đầu tư nâng cấp cùng với tuyến đường sắt chiến lược này sẽ tạo được ưu thế cho người Pháp trong cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi tại Đông Dương cũng như khai thác vùng cao nguyên giàu có còn rất hoang sơ Vân Nam ở phía Tây Trung Hoa đại lục, nhằm giành ưu thế với các cường quốc như Anh, Bồ Đào Nha, Nga, Nhật đang xâu xé các vùng đồng bằng ven biển của đế chế Mãn Thanh.
Cao nguyên Vân Nam mà như viên sĩ quan người Pháp cũng đồng thời là một nhà địa lý Edmond Blanchet thì “mỏ đồng, mỏ chì lẫn bạc, mỏ thiếc, mỏ than và mỏ sắt nhan nhản ở Vân Nam”. Theo Leclère, kỹ sư về mỏ được cử đi nghiên cứu vùng Hoa Nam thì “từ biên giới Trung Việt cho đến sông Dương Tử có những lớp than mỡ đặc biệt rộng, thuộc vào một loại than đặc biệt không có ở Bắc Kỳ mà cũng hiếm ở Châu Cầu Long Biên hay còn gọi là cầu Paul Doumer là một hợp phần của dự án đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh nối hai bờ sông Hồng.
Dọc trên tuyến đường sắt xuyên ngang Bắc Kỳ, nối cảng Hải Phòng lên tới Lào Cai đều đi qua những vùng đất có rất nhiều mỏ quặng quí như wolfram, than đá, đồng, thiếc, sắt… với trữ lượng lớn. Tuyến đường sắt này khiến cho việc thông thương với cao nguyên Vân Nam được mở rộng, đem lại nguồn lợi lớn từ việc khai khoáng, thương mại. Đồng thời còn cung cấp hậu cần cho quân đội Pháp tại Đông Dương, việc vận chuyển quân đội cũng như phu lao động cho ngành khai thác mỏ quặng ở vùng Tây Bắc được dễ dàng thuận lợi.
Công bằng mà nói, Toàn Quyền Đông Dương Paul Doumer là người đặt nền móng, qui hoạch và phát triển tất cả các đô thị lớn ở Việt Nam, xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt đến nay vẫn đóng vai trò trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải của quốc gia này. Ngành đường sắt Việt Nam, sau 120 năm, vẫn không hề tiến hóa hơn và sử dụng hệ thống tuyến đường sắt xây dựng từ thời Paul Doumer. Ông cũng là người nhìn ra tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường sắt Vân Nam – Hải Phòng và cho xây dựng nó trong bối cảnh rất nhiều khó khăn và cản trở.
Cảng Hải Phòng không chỉ là cảng quan trọng bậc nhất cho xứ Bắc Kỳ mà còn đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển kinh tế cả vùng Vân Nam rộng lớn đầy tiềm năng. Về mặt quân sự, từ Hải Phòng, quân đội viễn chinh Pháp dễ dàng khống chế các tỉnh miền Bắc bằng đường thủy. Trong lịch sử chiếm đóng thuộc địa, đây chính là địa phương mà quân Pháp dùng làm căn cứ tiến chiếm các tỉnh phía Bắc thông qua các hệ thống sông Bắc Kỳ. Có được cảng Hải Phòng và nắm trong tay tuyến đường sắt Hải Phòng – Lào Cai – Côn Minh là có được cả vùng đồng bằng Bắc Bộ và cao nguyên Vân Nam rộng lớn.
Tuy nhiên, thời thế thay đổi. Những tham vọng của người Pháp tại Đông Dương đã không được thực hiện như những gì mà Paul Doumer ấp ủ. Nhà Thanh sụp đổ, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn bị thay thế bởi Trung Quốc của những người cộng sản. Ở Đông Dương, người Pháp đi, người Nhật, người Mỹ tới. Những người cộng sản cướp chính quyền Trần Trọng Kim, lập nên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc, dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc và quốc tế cộng sản. Ở miền Nam là thể chế Việt Nam Cộng Hòa với sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây.
Các thể chế chính trị thay đổi theo dòng lịch sử, nhưng địa lý thì không!
Khi nguời Pháp rời bỏ Đông Dương, tham vọng của họ đã được tiếp nối bởi… Mao Trạch Đông. “Hoàng đế Đỏ Phương Đông” nhìn nhận rằng, Trung Hoa “vĩ đại” phải mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng quyền lực của mình xuống Đông Nam Á bằng việc nhuộm đỏ Việt Nam dưới một màu cờ đỏ vô sản sắt máu. Tuyến đường Vân Nam xuống cảng Hải Phòng là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh phía Tây của Trung Quốc đại lục. Ông ta đã làm được nhiều hơn 2/3 ý nguyện bá quyền đó bằng việc nhuộm đỏ Việt Nam bằng máu người Việt trong hai cuộc chiến tranh và một ý thức hệ tàn độc, vô nhân nhất trong lịch sử loài người – Cộng sản chủ nghĩa. Những gì mà ngày hôm nay chúng ta chứng kiến, là phần còn lại của bi kịch đau thương của dân tộc Việt Nam kéo dài qua ba thế kỷ.
Tân Phong
Leave a Comment