Hai tòa án ở Việt Nam hôm 26/11 đưa ra các bản án nhiều năm tù đối với hai người bị cáo buộc là đã “dùng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước”, theo truyền thông trong nước.
Ông Phạm Văn Điệp bị Tòa án Nhân dân Thanh Hóa, kết án tù 9 năm và ông Nguyễn Chí Vững, bị TAND Bạc Liêu tuyên 6 năm tù, cùng với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên tuyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Đây đều là các bản án sơ thẩm dành cho hai bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Điệp, 54 tuổi, “thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để tuyên truyền chống phá Nhà nước.”
Ngoài việc rải truyền đơn ở Lào năm 2016, theo cáo trạng, ông Điệp còn “thực hiện hành vi sử dụng Facebook phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm, chia sẻ bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, chế độ XHCN Việt Nam, xúc phạm, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước” cũng như “xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,” từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Cáo trạng này gọi ông Điệp là “đối tượng cơ hội chính trị, từng đi du học tự túc tại Liên bang Nga, sau đó bỏ học, tham gia vào tổ chức Đảng Dân chủ 21.”
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Điệp, cho biết ông Điệp có quốc tịch Nga và một trong các hành vi bị Tòa án tỉnh Thanh Hóa xét xử và kết tội vì cho rằng ông “nói xấu Đảng CSVN; phê phán chủ nghĩa Mác-Lê Nin; cổ xúy đa nguyên, đa đảng; cổ xúy Việt Nam Cộng hòa; tham gia phản đối chống Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam năm 2017; nói xấu Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân.”
Trong đăng tải trên trang Facebook cá nhân sau phiên xét xử hôm 26/11, LS Sơn đưa ra các lý lẽ cho rằng ông Điệp “chỉ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng nhà nước pháp quyền” và “không có hành vi ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền’”. Theo vị luật sư từng bào chữa cho nhiều dân oan và nhà bất đồng chính kiến, cơ quan điều tra không xác định được ông Điệp phạm tội bao nhiêu lần nên truy tố của họ là “không có căn cứ.”
LS Sơn đề nghị HĐXX xem xét tuyên ông Điệp “vô tội và trả tự do ngay cho ông.”
Hôm 20/11, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy mọi cáo buộc chống lại ông Điệp và trả tự do ngay lập tức cho ông.
Trong khi đó cùng ngày tại Bạc Liêu, ông Vững, 38 tuổi, bị cáo buộc “lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook với tên ‘Nguyễn Chí Vững’ và ‘Viên Gạch Nhỏ’ để nhiều lần tổ chức livestream, chia sẻ các thông tin xuyên tạc, kích động tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước,” theo VietNamNet.
Theo cáo trạng được trích dẫn trên VietNamNet, cơ quan chức năng xác định rằng ông “Vững tham gia một nhóm kín, đưa hàng trăm thông tin có nội dung trao đổi, bàn bạc về kế hoạch kích động, lôi kéo người khác tham gia biểu tình vào các ngày lễ lớn của đất nước.”
Cách đây hơn 1 tuần, Việt Nam cũng kết án thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù vì tội danh tương tự, “tuyên tuyền chống nhà nước” qua các đăng tải trên Facebook.
HRW hôm 14/11 nói rằng chính quyền các quốc gia và các nhà tài trợ hữu quan, cũng như Facebook và các công ty Internet khác đang hoạt động ở Việt Nam cần công khai lên tiếng phản đối các trường hợp nhà bất đồng chính kiến bị tù giam chỉ vì đăng tài liệu lên mạng xã hội.
“Những người sử dụng Facebook ở Việt Nam đang bị tù đày chỉ vì sử dụng nền tảng mạng xã hội này đúng mục đích thiết kế: để chuyển tải thông tin và ý kiến đến những người sử dụng khác,” John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của HRW, nói. “Đã đến lúc các quốc gia hữu quan và các công ty mạng xã hội phải lên tiếng.”
Leave a Comment