Trong cương vị là lãnh đạo một bộ quan trọng trong chính phủ có trách nhiệm giúp người dân được nghe, được nhìn, được biết những thông tin minh bạch và chính xác nhất; nhưng Bộ Trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng thỉnh thoảng lại làm mọi người thất vọng vì cách ăn nói linh tinh của mình.
Hôm 8 tháng Mười Một vừa qua, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, ông Hùng đã ví von: “Nếu chỉ dùng một mạng xã hội, não người Việt sẽ nằm ở nước ngoài và điều này sẽ nguy hiểm tới an ninh quốc gia.” Mạng xã hội đang thịnh hành ở Việt Nam người dân tập trung dùng nhiều nhất mà ông bộ trưởng muốn nói tới chính là Facebook và Google. Ví von xa xôi như thế chỉ để ông bộ trưởng đi đến một ý đồ không giấu diếm: “Não người Việt phải nằm trong nước”, cũng có nghĩa là nằm trong tay đảng.
Bộ Trưởng Hùng cũng không quên khoe công lao từ ngày lên nắm quyền Bộ 4T, số người dùng các loại mạng xã hội từ 50 triệu tăng lên 65 triệu tài khoản. Và ông hứa hẹn nếu tiếp tục đẩy mạnh “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thì “ đến năm 2020 các mạng xã hội Việt Nam có thể đạt mục tiêu 90 triệu tài khoản”, nghĩa là tương đương với Facebook và Google. Lẽ dĩ nhiên ông bộ trưởng không thể cắt nghĩa được tại sao với số người dùng kỷ lục như vậy mà Việt Nam vẫn bị Freedom House xếp vào nhóm nước “không có tự do internet”, chỉ trên Cuba, Syria, Iran và Trung Quốc là những quốc gia mà sự tôn trọng nhân quyền được mô tả là tồi tệ nhất!
Mặt khác, phát biểu của Nguyễn Mạnh Hùng cho thấy tham vọng của ông ta là cổ võ mạnh mẽ cho nhu cầu thành lập một mạng xã hội riêng cho Việt Nam, ngầm hiểu đây là thứ tự do internet tuyệt vời nằm trong sự kiểm soát tuyệt đối của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nói khác đi “não người Việt Nam phải nằm trong bàn tay Ban Tuyên Giáo!”
Đây là điều mà Trung Quốc đã làm được, dĩ nhiên Việt Nam cũng phải làm được theo suy nghĩ của các lãnh đạo Việt Nam mà ông Hùng là người đại diện phát ngôn. Vì thế trong thời gian 2 năm vừa qua, ông Hùng đã ra sức đẩy mạnh việc xây dựng biết bao nhiêu trang mạng, được cho ra mắt rầm rộ trong đó có VC.net rồi đến GAPO và mới nhất là Lotus.
Mặc dầu với những lời lẽ hào nhoáng bay bổng như “nội dung là vua” (Lotus) tất cả trang mạng made in Vietnam có tham vọng thay thế Facebook đều thất bại ê chề. Bởi lẽ dễ hiểu là một số nước Á Châu tiến bộ đã bước vào thời kỳ chinh phục và sáng tạo công nghệ mới sánh ngang với Tây phương, nhưng họ chỉ đưa kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá phẩm chất cao, để phục vụ người dân và đẩy mạnh sự phát triển không ngừng của đất nước, thì Việt Nam chưa qua khỏi trình độ sao chép công nghệ nước ngoài nhưng lại giỏi hô hào, kích động cho một tham vọng ngoài tầm tay là thay thế Facebook và Google.
Thêm một lý do thất bại khác, sự xiết chặt thông tin, kiểm soát nội dung, rình mò lý lịch cá nhân của nhà nước Việt Nam lâu nay cũng làm cho người sử dụng Việt Nam nhìn được bộ mặt thật của việc xây dựng những trang mạng riêng rập khuôn Trung Quốc. Việt Nam không thiếu người tài kể cả trong nước và ngoài nước, nhưng việc sử dụng chất xám để triệt hạ quyền con người, củng cố độc tài dù có thành công cũng chẳng ngăn chận được đà tiến hoá của nhân loại.
Nhưng sở dĩ Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lên giọng phát biểu nguỵ biện vòng vo cũng vì 3 lý do sau đây:
Thứ nhất, lâu nay do nhu cầu càn quét, phân tán và kiểm soát thông tin, Bộ 4T đã liên tục yêu cầu Facebook cũng như Google gỡ bỏ những thông tin mà Hà Nội cho là xấu, độc hại đối với chế độ hơn là cho sự phát triển của đất nước. CSVN liên tục yêu cầu hai mạng xã hội này phải đặt máy chủ tại Việt Nam nhưng bị từ chối thẳng thừng. Sự từ chối này khiến cho CSVN cảm thấy bực tức nên Nguyễn Mạnh Hùng cứ đòi lập mạng xã hội riêng cho Việt Nam để dễ bề khống chế. Nhưng tham vọng thì nhiều mà khả năng quá giới hạn nên cố thiết kế bao nhiêu trang mạng vẫn không thành công, cuối cùng phải đưa nhu cầu “an ninh quốc gia” ra để đe doạ, răn đe, buộc dư luận quần chúng phải đồng tình ủng hộ tham vọng của Nguyễn Mạnh Hùng trong cố gắng lập một trang mạng riêng mà chính Hùng cũng không có khả năng.
Thứ hai, nếu việc thành lập mạng xã hội riêng cho Việt Nam mà thành công, thì qua đó Hùng sẽ dùng công trình này làm bàn đạp để bước sang một tham vọng khác lớn hơn. Nói cách khác, nhờ đó mà trong thời gian tới, Hùng có thể trở thành tổng bí thư hay chủ tịch nước. Vì lẽ trước đây nhờ sự thành công ở Viettel, Tổng Giám Đốc Nguyễn Mạnh Hùng leo được lên chiếc ghế bộ trưởng Bộ 4T. Thì giờ đây, bước kế tiếp là trong đại hội đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021 Hùng sẽ vào Bộ Chính Trị và sau đó là leo lên ghế tổng bí thư với điều kiện lập được công đầu trong việc xây dựng thành công một công cụ siết chặt tư tưởng, nhốt toàn dân vào một chiếc lồng khoá kín tên gọi “mạng xã hội riêng của Việt Nam”. Có thể nói, sự nôn nóng của Nguyễn Mạnh Hùng quy hết vào tham vọng quan trọng đó.
Thứ ba, được biết hôm 4 tháng Mười Một vừa qua tại Thái Lan, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “hân hoan” ra mặt khi nhận chiếc búa chủ tịch luân phiên năm 2020 từ tay Thủ Tướng Thái Prayut Chanocha. Đây chính là dịp tốt nhất để Việt Nam khoa trương thành tích “thế giới chưa ai làm được” của mình trước các quốc gia trong khối ASEAN. Và nếu được vậy, ngôi sao Nguyễn Mạnh Hùng sẽ càng toả sáng trong đại hội 13, làm bệ phóng cho Hùng bước vào Bộ Chính Trị một cách trót lọt.
Từ nền tảng ban đầu đó, CSVN sẽ lôi cuốn và hứa hẹn giúp các nước ASEAN lập trang mạng riêng của họ, cùng Việt Nam thành một liên minh mạng xã hội, dần dần loại trừ ảnh hưởng của Facebook và Google. Thâm ý của Hà Nội là sử dụng liên minh này để ngăn chặn mọi luồng chống đối từ bên ngoài lẫn bên trong mà Facebook và Google không thực hiện đầy đủ như chế độ yêu cầu. Hiện nay, CSVN đã chiêu dụ được Thái Lan và một vài nước trong ASEAN hợp tác về mặt an ninh, và đã thực hiện những vụ bắt người bất đồng chính kiến đang ẩn náu tại đất Thái.
Trong thời đại ngày nay, sự kiện cả thế giới đang sử dụng mạng xã hội Facebook và công cụ tìm kiếm Google là một sự kiện quá bình thường, không làm ai ngạc nhiên hay thắc mắc. Người ta cùng chấp nhận coi đó như một phương tiện liên lạc nhanh chóng và hữu hiệu nhất để trao đổi tin tức nhiều chiều mà không phải sợ hãi điều gì. Nhưng chỉ có đối với những chế độ độc tài như CSVN mới coi việc sử dụng Facebook và Google là “để não trạng bên ngoài” hay đe doạ an ninh quốc gia.
Chính là vì não trạng của những lãnh đạo cộng sản thời nay đang lo sợ sự phát triển của công nghệ cao làm xói mòn quyền lực độc tài, mà sau nhiều thập kỷ toàn trị họ hoàn toàn thất bại trong mục tiêu dân giàu nước mạnh. Cũng chính vì vậy mà CSVN cương quyết không chấp nhận những thông tin trao đổi ngoài tầm kiểm soát của họ để giữ vững sự tồn tại của chế độ.
Xem ra, cách suy nghĩ và tham vọng của Nguyễn Mạnh Hùng cũng như của các lãnh đạo cộng sản khác của Việt Nam chẳng khác nào tham vọng của những tên bạo chúa “đốt sách chôn học trò” thời xưa, để mong tìm sự thống trị muôn đời. Cho nên nếu Nguyễn Mạnh Hùng xây dựng thành công một mạng xã hội riêng cho Việt Nam như Trung Quốc đã làm, và Hùng trở thành tổng bí thư thì hình ảnh anh ta chẳng khác gì hình ảnh của Tập Cận Bình.
Hoá ra bộ trưởng Bộ 4T giờ đây đang ấp ủ tham vọng muốn mình là Tập Cận Bình của Việt Nam chăng?
Leave a Comment