Bộ trưởng 4 T làm sao dám gỡ bỏ trang mạng đứng tên lãnh đạo!

- Quảng Cáo -

Thường Sơn (VNTB)|

Những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ rất có thể nằm trong quỹ đạo phe cánh chính trị, quay quắt và sẵn sàng ‘đâm dao sau lưng’ khi có cơ hội.

một chút đặc biệt xảy ra tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2019, khi Bộ trưởng 4 T (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên bị đại biểu quốc hội chất vấn “thực tế có nhiều trang mạng làm giả những trang mạng của Chính phủ, của Đảng, làm giả những trang của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. “Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với thông tin trái lề vào đó thì chúng tôi, người dân, cử tri không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực thực”.

Bộ trưởng 4 T Nguyễn Mạnh Hùng

Tuy nhiên, cách trả lời của Bộ trưởng Hùng lại có vẻ ‘đi hàng hai’ và né tránh trách nhiệm của bộ này. Theo ông Hùng, vừa qua đã phối hợp và có hẳn một lực lượng để giải quyết vấn đề này. “Bộ đã làm rất mạnh về chuyện gỡ xuống các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong hai tháng vừa qua gỡ 207 trang, có những trang là trang web thì chúng ta ngăn chặn, có những trang trên nền tảng mạng xã hội thì chúng ta hợp tác với nền tảng mạng xã hội. Trong số đó có 46 trang liên quan đến tên của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

- Quảng Cáo -

Cũng theo Bộ trưởng Hùng, vừa qua Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo trực tiếp chỉ đạo, phải xác định xem thực chất trang này có cơ quan nào hay chính đồng chí lãnh đạo đó đứng tên không. Sau khi xác định là mạo danh là cương quyết hạ, theo hướng đó chứ không phải vì đọc trang đó thấy thông tin không đúng thì hạ xuống…

Cần chú ý, thời gian ‘vừa qua’ trên chỉ mới trong vài tháng gần đây, còn các trang mạng giả danh lãnh đạo, hoặc chính xác hơn là ‘đứng tên lãnh đạo’ đã tồn tại trong nhiều năm trời ngay trước mũi Bộ Chính trị đảng.

Vậy thực chất trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ là gì?

Đặc điểm chung của các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ là có được nguồn tin tức nhanh hơn và sâu hơn so với khối báo chí nhà nước nói chung, thỉnh thoảng còn đăng cả những tin tức nội bộ trong ngành công an mà báo chí ngoài ngành này khó mà có được.

Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều dư luận về việc các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm lợi ích nào đó trong đảng. Còn có tin trên mạng xã hội cho biết các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’đều có cùng một bàn tay đạo diễn, và bàn tay này thường họp với ‘ban biên tập’ tại một nhà hàng ở Hà Nội định kỳ hàng tháng.

Việc hệ thống các bài viết của những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ cho thấy tỷ lệ bài tuyên truyền, trong đó rất nhiều bài tuyên truyền một chiều, cho ngành công an là cao, không khác gì báo Công An Nhân Dân.

Nhưng cho tới nay, bất chấp việc những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đã tồn tại trong một thời gian dài, không hề công khai ban biên tập nhưng lại thản nhiên mang danh nghĩa những quan chức chóp bu như ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng công an Tô Lâm, quan chức một thời là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan chức từng là chủ tịch nước nhưng đã chết là Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân…, và còn công khai cả khung nhuận bút, những trang mạng này vẫn không bị bất cứ chế tài hay xử phạt nào từ phía các cơ quan an ninh của bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông, kể cả thời Trương Minh Tuấn còn làm bộ trưởng bộ này với biệt danh ‘sát thủ báo chí’.

Từ sau khi Luật An ninh mạng được triển khai chính thức vào đầu năm 2019, người ta chỉ thấy luật này gia tăng siết bức đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và phản kháng xã hội trên mạng, nhưng không hề đả động đến các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’.

Với thực tế nền chính trị Việt Nam mà bị nhiều người xem là đầy rẫy chất liệu mafia, nguồn cơn thật dễ hiểu là các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ chỉ có thể tồn tại được với điều kiện được một cấp rất cao – thậm chí cấp Bộ Chính trị – bảo đảm cho các hoạt động của chúng.

Công cuộc ‘đấu tranh tư tưởng có vùng cấm’ như thế đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng liệu có thật Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân… không biết gì về những trang mạng vừa nặc danh vừa mạo danh này, hay biết nhưng vẫn ngầm che chắn và toa rập. Thậm chí có dư luận còn cho rằng chính những chóp bu đó của Việt Nam đứng đằng sau và ‘bảo kê’ cho những trang mạng này.

Những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ cũng rất có thể nằm trong quỹ đạo phe cánh chính trị, quay quắt và sẵn sàng ‘đâm dao sau lưng’ khi có cơ hội.

Cơ hội đó sẽ đến một khi nổ ra ‘đảo chính cung đình’. Cơ hội đó sẽ thuộc về các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, dẫn dắt và hướng lái dư luận để phục vụ cho những nhân vật chính trị bất ngờ chiếm ghế khi đó. Cũng khi đó, những trang mạng này sẽ hiện nguyên hình với tên riêng chứ chẳng cần mượn danh lãnh đạo nào nữa.

Luồng dư luận trên không còn là giả thiết, mà đã phần nào được khẳng định trong thực tế khi cho tới nay cả Ban Tuyên giáo trung ương lẫn Bộ 4 T đều không dám có động tác xử lý mạnh mẽ nào đối với những trang mạng này./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here