PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment ) do tổ chức OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development) đề xuất. Mục đích là để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu. Chương trình khảo sát này được tạo ra nhằm cung cấp dữ liệu về mặt con người nhằm giúp các nước có có chính sách giáo dục thích hợp. Gần đây nhất là năm 2015 Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong 72 nước tham gia.
Nhìn vào kết quả xếp hạng PISA ta thấy, khả năng học sinh người Việt thuộc loại khá chứ không phải yếu. Đây là một chương trình khảo sát đánh giá chất lượng về trí tuệ của học sinh 15 tuổi, lứa tuổi chuẩn bị học những kiến thức khoa học nền tảng để vào đại học. Mục đích là giúp cho nền giáo dục đó có chính sách thích hợp để chăm bón những cây giống này thành những cây khỏe tốt cho trái ngọt để đất nước sử dụng chứ đây không phải là cuộc khảo sát để đánh giá chất lượng của một nền giáo dục. Ấy vậy mà ngày 18/04/2018 trên báo Giáo Dục Thời Đại có bài viết “Giáo dục Việt Nam tỏa sáng qua kết quả PISA” họ nhận vơ đó là thành quả của nền giáo dục XHCN. Kết quả nền giáo dục XHCN được thể hiện ở đâu mới đúng? Chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước và đạo đức xã hội chính là kết quả nền giáo dục chứ không phải kết quả khảo sát học sinh 15 tuổi.
Ngày 28/09/2019, trên báo Nhân Dân có bài viết “Thừa cử nhân, thiếu lao động có tay nghề” đã thừa nhận một thực trạng đáng buồn như thế. Kết quả PISA cho biết khả năng của người Việt không phải là kém, nhưng rõ ràng qua nền giáo dục XHCN thì họ trở thành những kẻ vô dụng. Bằng cấp đầy mình nhưng không đáp ứng thị trường lao động. Đấy mới là “thành quả” đích thực của giáo dục XHCN về chất lượng lao động. Còn về mặt đạo đức xã hội ở Việt Nam thì khỏi phải nói, nó xuống cấp đến mức nát như tương.
Ngày 19/12/2018 trên báo Công Thương có bài viết “Thiếu hụt lao động tay nghề cao”, bài báo này cho biết dân số Việt Nam năm 2018 ước tính khoảng 94 triệu người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 55,16 triệu người. 55,16 triệu người mà thiếu lao động tay nghề thì rõ ràng là lỗi của nền giáo dục, mà nói thẳng ra đó là lỗi của ĐCS. Nếu ở thời kỳ dân số vàng như Việt Nam hiện nay, nếu nền giáo dục cho ra đời một lực lượng lao động có tay nghề cao thì Việt Nam sẽ ra sao? Thì tôi tin chắc Việt Nam sẽ rút ngắn khoảng cách với thế giới chứ không phải càng ngày càng bị bỏ xa như hôm nay.
Theo tình hình hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có dấu hiệu lắng xuống. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển hướng đầu tư ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Thêm vào đó, hiện nay Trung Quốc có thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ mức trung bình thế giới, như vậy, lợi thế nhân công giá rẻ đã không còn. Điều đó cũng có nghĩa không chỉ doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng đầu tư mà doanh nghiệp của các cường quốc kinh tế khác cũng dần chuyển hướng.
Ngày 23/06/2019, trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã có bài viết “Các công ty Hàn Quốc ồ ạt rút khỏi Trung Quốc” đã mô tả một thực trạng như chuyển hướng. Với vị trí sát Trung quốc, mức sống người dân Việt Nam thấp và giá nhân công rẻ hơn, thì theo lý mà nói Việt Nam sẽ hứng lấy cơ hội này để phát triển. Vậy liệu rằng, Việt Nam đón bắt cơ hội này như thế nào?
Ngày 10/11/2019, trên tờ Vneconomy có bài viết “Xuất khẩu khối FDI giảm tốc, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 2020”. Trong bài báo này người ta cho biết trong 10 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái và tổng giá trị các dự án cũng giảm. Chỉ có những dự án từ Trung Quốc và Hồng Kông là tăng, nhưng hầu hết những dự án từ Trung Quốc đều là những dự án tàn phá môi trường. Rõ ràng Trung Quốc đang muốn quét rác sang Việt Nam nên họ mới bỏ tiền đầu tư tăng mạnh như vậy. Trung Quốc đang ở vào thời kì doanh nghiệp nước ngoài đang rút đi mà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không hề tăng, lý do tại sao?
Dễ hiểu thôi, những doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc đó họ đòi hỏi lao động tay nghề cao phải đủ cho họ. Chẳng lẽ họ đầu tư sang Việt Nam để rồi họ mời lao động tay nghề cao ở nước khác đến Việt Nam làm? Vì thế họ rút khỏi Trung Quốc nhưng không thèm ngó ngàng đến Việt Nam là vậy.
Chất lượng về trí tuệ của học sinh 15 tuổi thuộc loại tốt, nghĩa là cây giống tốt, thế mà qua tay ĐCS họ trở nên vô dụng, rồi từ đó đất nước bỏ mất cơ hội phát triển. Hiện nay tăng trưởng GDP của Việt Nam đang đặt trọng tâm vào các FDI để lấy con số mị dân. Đã 33 năm sau ngày “đổi mới’ mà nền kinh tế không thể trụ nổi trên đôi chân của mình mà chỉ cậy vào FDI như là sự cứu cánh thì đủ hiểu, ĐCS mãi mãi không có khả năng dẫn dắt đất nước.
Về chính trị không tự đứng mà phải quỳ trước ngoại bang, về kinh tế không tự đứng mà phải cậy FDI thì ĐCS được sinh ra để làm gì? Chẳng làm gì ngoài phá hoại.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
http://theconversation.com/international-pisa-tests-show-ho…
https://giaoducthoidai.vn/…/giao-duc-viet-nam-toa-sang-qua-…
https://www.nhandan.com.vn/…/41714802-thua-cu-nhan-thieu-la…
https://congthuong.vn/thieu-hut-lao-dong-tay-nghe-cao-11356…
https://www.thesaigontimes.vn/…/cac-cong-ty-han-quoc-o-at-r…
Leave a Comment