canhco’s blog – RFA
Không thể xử lý được sự xuống cấp đạo đức vì thiếu kinh phí” là nguyên văn câu nói của ông Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khi bị đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) vặn hỏi về trách nhiệm và giải pháp hạn chế sự xuống cấp của đạo đức lối sống. Câu trả lời của ông Thiện ngay lập tức bị phản ứng dữ dội từ mạng xã hội và cùng với một vài sự kiện đang nóng, câu nói trở thành một thứ thiếu văn hóa điển hình của một ông Bộ trưởng Văn Hóa.
Bởi vì đạo đức không thể dùng tiền mà xây dựng được. Nó chỉ hình thành từ nhiều năm tháng bồi đắp và kiến tạo của toàn xã hội mà điểm xuất phát là môi trường giáo dục. Chính từ mái trường từ lúc ấu thơ con người được bồi dưỡng đạo đức song song với những bài học từ gia đình, xã hội mà đạo đức được nuôi lớn. Mái trường cùng với mái ấm gia đình là nơi không thể thiếu cho hành vi đạo đức của con người.
Cũng không ngoại trừ những trường hợp hiếm hoi của người mồ côi từ bé, kiếm sống bươn chải giữa lòng xã hội thì sao? Có lẽ bất hạnh nhất cho những người này là họ thiếu mái ấm tuổi thơ và sự thiếu vắng giáo dục khó giúp cho họ có cuộc sống ổn định mặc dù ý chí của họ có thể vươn lên trước khó khăn của cuộc sống. Trong những trường hợp này thì đạo đức của họ được vun bồi từ đâu và họ có thực sự thiếu đạo đức trong cách ứng xử với xã hội hay không?
Câu trả lời là có và không. “Có” nếu người ấy may mắn sống trong hoàn cảnh bụi đời nhưng chung quanh là một cộng đồng tốt, biết che chở giúp đỡ lẫn nhau để sống thì cá nhân của họ có cơ may trở thành người tốt, bằng ngược lại nếu cá nhân ấy được nuôi lớn bằng những đồng tiền máu thì tâm lý sống còn sẽ khiến người ấy trở thành vô đạo đức một cách chắc chắn.
Câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh không phù hợp với vai trò ông Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bởi vì không thể quy trách nhiệm giữ gìn hay phát triển đạo đức cho một con người, bất kể người ấy là ai. Bởi vì cơ quan mà ông Thiện lãnh đạo không có hai chữ đạo đức trong đó.
Cũng vì bị hỏi quẩn nên ông Thiện trả lời cũng quẩn quanh theo. Ông Thiện cho biết “Bộ của ông đã tham mưu và Trung ương đã ban hành Nghị quyết 33 xây dựng và phát triển văn hóa con người vào năm 2014. Sau khi có nghị quyết đã triển khai tổ chức thực hiện. Trong 2 năm qua, Bộ đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến chấn chỉnh quản lý lễ hội, xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa và tổ chức hội nghị sau 18 năm để tổng kết công trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.”
Đọc cả đoạn văn này không thể phát hiện ra đạo đức nằm ở đâu trong lễ hội, làng văn hóa, ấp văn hóa hay gia đình văn hóa như ông Thiện nói. Tất cả những gì ông Thiện nêu lên đều cần tiền để xây dựng vì vậy ông đánh đồng với việc bảo vệ đạo đức cũng bằng tiền chăng?
Những cái bên ngoài hào nhoáng được gọi là “văn hóa” ấy đã góp phần gây thương tổn cho đạo đức xã hội một cách khốc liệt. Nó bị nhào nặn lên thành một thứ bái vật mà cán bộ đảng viên thi nhau quỳ mọp trước chúng để tôn vinh một thứ tôn giáo do đảng đẻ ra để tiêu diệt mầm mống còn sót lại của đạo đức xã hội. “Xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa” là cách hành xử vô đạo đức nhất của giới chức chính quyền cấp cơ sở. Những cán bộ này tô vẽ mô hình văn hóa của cộng đồng như một thứ thành tựu hiếm quý của người dân để họ tự hào và sẵn sàng bỏ tiền ra mua những thứ “Xét danh hiệu” một cách tự nguyện. Xã hội biết rất rõ nơi nào có những danh hiệu này thì y như rằng nơi đó là ổ chứa cờ bạc, mãi dâm, sổ đề, hay tệ lắm cũng là cho vay nặng lãi.
Ông Thiện cho rằng chấn chỉnh những lễ hội là chấn chỉnh đạo đức! Ông đã ngộ nhận một cách thàm hại. Lễ hội không bao giờ là bộ mặt của đạo đức. Nó là đám đông, là sự hưng phấn tích hợp và bùng vỡ khi cao trào đến. Trong đám đông là phản xạ và hành vi đạo đức khó xuất hiện kể cả với những người đạo đức nhất.
Cho dù được cung cấp hàng ngàn tỉ thì ông Thiện cũng không thể nào làm cho người dân bỏ thói giết những kẻ trộm chó đáng thương. Hành vi giết người tập thể này là sự xuống cấp đạo đức kinh hoàng nhất chỉ có ở miền Trung Việt Nam. Công an tiếp tay cho sự xuống cấp này bằng cách làm ngơ và lu loa, qua quít khi bất đắc dĩ phải thụ lý vụ án. Bao nhiêu tiền để thúc đẩy bộ máy công an làm việc thưa ông Bộ trưởng?
Cho dù được cung cấp hàng ngàn tỉ thì ông Bộ trưởng cũng không thể làm cho các cháu gái bỏ thói tụ tập phe nhóm hành hung bạn cùng lớp của mình rồi quay clip tung lên mạng như một thứ chiến công.
Cho dù được cung cấp hàng ngàn tỉ thì ông Bộ trường cũng không thể làm cho những hình ảnh mà các bạn trẻ trong Đoàn thanh niên Cộng sản, Bộ đội hay những học sinh trung học đang thực hiện trong những trò chơi mà khi nhìn vào kể cả các cô gái làm tiền, bán thân nuôi miệng cũng phải đỏ mặt. Trong các trò chơi đó nam thì mang trái dưa chuột ngay trước cơ quan sinh dục để một bạn nữ bị bịt mắt ngậm lấy trái dưa một cách thích thú. Còn các bạn nam thì phấn khích ôm lưng các bạn nữ thể hiện hình ảnh của một chú chó đực đang cố gắng phủ nọc với một con chó cái từ phía sau. Những hình ảnh ấy đầy trên mạng xã hội và chưa có ai điều tra tại sao nó lại vô đạo đức đến như vậy nhưng vẫn được đảng và chính phủ khuyến khích ưu ái.
Cho dù được cấp hàng ngàn tỉ thì ông Bộ trưởng cũng không thể níu kéo cái đạo đức đã rụi tàn khi Thầy giáo 55 tuổi làm nữ sinh lớp 10 mang bầu tại một huyện vốn nổi tiếng trong thời gian sau giải phóng, đó là huyện Hòn Đất. Người được xã hội biết đến là ông Nguyễn Văn Chính, sau khi bị tố cáo ông này đã có bản tường trình, thừa nhận mình có quan hệ tình cảm và quan hệ tình dục với em Th. từ tháng 5-2018. Căn cứ theo giấy khai sinh và chứng minh nhân dân thì Trần Hồng Th. sinh ngày 31-12-2002, tức chưa đủ 16 tuổi tại thời điểm có quan hệ tình dục với ông Chính.
Nhưng bi đát nhất vẫn là sự tồn tại khái niệm đạo đức bị con thò lò chính trị khống chế không có cơ hội phát triển ngay trong nhóm lãnh tụ cao nhất.
Làm sao ông Bộ trưởng lại có thể dùng tiền để khuyến khích các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc hay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, những người chủ của ông hành xử một cách đạo đức trước cái chết của 39 người Việt Nam tại Anh? Họ không lên tiếng có nghĩa là họ phủ nhận vai trò đạo đức trong cách ứng phó chính trị. Họ sợ xã hội bất mãn và trở thành bất ổn và vì vậy họ không thiết tha gì tới một lời chia buồn, một phút mặc niệm hay một ngày treo cờ rủ để chứng tỏ họ cũng là người Việt Nam như 39 nạn nhân kia.
Và vì vậy đừng ai bận tâm tới ông Thiện nữa, hãy để ông ấy lo vụ Ngọc Trinh ở truồng tại Liên hoan phim Cannes, đấy cũng là cách hành xử đạo đức mà một cán bộ cộng sản luôn đau đáu trong lòng.
Leave a Comment