Hơn một tuần lễ sau thảm kịch 39 người Việt Nam bị chết cóng trong thùng xe đông lạnh, ngày 1 tháng Mười Một vừa qua, báo Nhân Dân điện tử lên tiếng trong một bài báo có nhan đề “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”. Bài báo có thể coi như quan điểm chính thức của đảng và chính phủ Việt Nam sau nhiều ngày bưng tai bịt mắt trước sự kiện bi thảm ở Anh chẳng những làm cho dư luận Việt Nam mà cả thế giới đều bàng hoàng.
“Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”! rõ ràng là những lời lẽ đầy thách thức và ngạo mạn của Hà Nội gởi đến dư luận đang quan tâm tìm hiểu về vấn đề trách nhiệm về cái chết tức tưởi của 39 nạn nhân xấu số này.
Nhưng trong vị trí là một nhà nước với đầy đủ quyền lực trong tay, nhà nước cũng như đảng CSVN không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trước sinh mạng của 39 công dân Việt Nam. Không ai có thể “lợi dụng cơ hội để vu cáo nhà nước Việt Nam” như tác giả bài báo viết, vì vậy cần phải vạch rõ nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm gì và không thể lấp liếm để chạy trốn.
Trách nhiệm thứ nhất, nói một cách tổng quát sau gần nửa thế kỷ cầm quyền trên cả nước, đảng CSVN đã thất bại trong việc vạch ra đường lối chính sách để phát triển đất nước nhất là về kinh tế, xã hội, giáo dục. Con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa trong ảo tưởng giàu mạnh đã không mang lại niềm hy vọng thăng tiến trong cuộc sống bình thường của người dân Việt. Để đến nỗi thanh niên nam nữ là thành phần mang nhiều sinh lực nhất của quốc gia phải vay mượn, cầm cố đất đai để có tiền tìm đường đi nước ngoài kiếm sống và chết một cách bi thảm. Nói cách khác, nhà cầm quyền CSVN phải chịu trách nhiệm trong việc không có khả năng mang lại một đời sống tốt đẹp để mọi thanh niên nam nữ hãnh diện ở lại đất nước của mình chung sức đóng góp, mà phải chọn con đưòng tha phương cầu thực.
Trách nhiệm thứ hai là đảng và chính quyền CSVN từ lâu đã dung dưỡng những tổ chức tội phạm và đường dây buôn người trên phạm vi cả nước. Những đường dây này núp dưới hình thức dịch vụ môi giới hợp pháp hoặc bất hơp pháp mà họat động của nó không loại trừ có sự tham gia tích cực của những cán bộ có nhiều thế lực ở phía sau. Họ ra sức mồi chài có kế hoạch những gia đình tuyệt vọng trong đời sống, đang tìm cách bán mình ra đi trong nhiều năm qua. Nói cách khác, với hệ thống tham ô nhũng lạm chằng chịt trong mọi cơ quan, cán bộ nhà nước đã đồng lõa và cho phép những tổ chức tội phạm dụ dỗ những người nhẹ dạ không biết cảm bẩy ở phía sau của những chuyến đi tìm tương lai.
Trách nhiệm thứ ba là đảng và nhà nước CSVN đã tỏ ra thái độ thờ ơ, vô cảm với công dân Việt Nam bị nạn nơi xứ người. Trong tuần lễ đầu tiên, chính quyền và toà đại sứ Việt Nam không làm bất cứ điều gì vì tin rằng đó là những người Trung Quốc. Họ chỉ ngồi chờ cảnh sát và chính phủ Anh lên tiếng và báo cáo mà chẳng hề có một ứng xử nào tỏ ra tích cực. Mãi cho đến khi cảnh sát hạt Essex tuyên bố rằng 39 nạn nhân xấu số là người Việt Nam và làm lễ truy điệu thì một vài viên chức Việt Nam mới bắt đầu lên tiếng.
Người ta đọc được trên báo nhà nước Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc “gởi lời chia buồn sâu sắc” đến gia đình các nạn nhân. Còn trên trang Twitter cá nhân, Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh cũng “gởi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc” nhưng bằng tiếng Anh. Rõ ràng đây chỉ là lời chia buồn “sâu sắc” cho có lệ, vì chẳng có mấy gia đình nạn nhân đọc được và biết ông bộ trưởng có chia buồn trên Twitter!
Trách nhiệm thứ tư là sau khi vụ án xảy ra nhà nước CSVN không đưa ra một biện pháp hay có một hành động nào mạnh mẽ để cảnh cáo và trừng phạt những vụ buôn người nguy hiểm như thế này. Cũng mới có những con tép riu trong đường dây bị bắt như những con dê tế thần, nhưng chính Giám Đốc Công An tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu hôm mồng 4 tháng Mười Một khi trả lời phỏng vấn báo chí đã khẳng định “Đây không phải là buôn người, vì họ đi ra nước ngoài làm ăn và có nộp tiền. Không ai bỏ ra 1 tỷ để người ta buôn mình cả.”! Giám đốc công an có vẻ chưa biết buôn người là thế nào và cũng chưa có cuộc điều tra nào mở ra, vậy căn cứ vào đâu để khẳng định “không phải là buôn người”? Nói cách khác, nhà nước Việt Nam đã không làm đúng trách nhiệm cho người dân thấy rõ sự nguy hiểm khi chọn con đường ra đi như 39 nạn nhân vừa qua.
Trách nhiệm thứ năm là cho tới nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn không bày tỏ sự phản tỉnh đối với sự kiện bi thảm xảy ra. Hậu quả của sự kiện ấy không chỉ là 39 người chết mà còn là một bi kịch của xã hội Việt Nam khi người dân liều mình ra đi tìm đường sống, dù phải đánh đổi bằng sinh mạng mình. Nếu là một chính quyền liêm sỉ biết tự trọng, ít ra họ cũng phải nhìn nhận sự hô hào xuất khẩu lao động để có “kiều hối” gởi về là một sự vô trách nhiệm vì không có những biện pháp đối phó khi những thảm kịch xảy ra.
Trách nhiệm thứ sáu của nhà cầm quyền là không hề cử cán bộ hay đại diện các đoàn thể liên quan đến đảng và nhà nước đến thăm, cũng như tìm hiểu sự lo âu và nguyện vọng của những gia đình nạn nhân. Dù là khi chưa có bằng chứng xác nhận con em đã chết, nhưng khi gia đình đón nhận tin buồn như thế mà không làm gì cả thì đó là một chính quyền bất nhân hơn là một chính quyền tự gán cho mình cái nhãn hiệu “của dân, vì dân”. Trong khi đó, Tòa Đại Sứ Anh tại Hà Nội cử người về Nghệ An tiếp xúc một số gia đình nạn nhân thì công an ập đến, chất vấn, câu lưu người của Tòa Đại Sứ Anh và sau đó trục xuất về lại Hà Nội. Những hành xử thô lỗ này cho thấy là cán bộ nhà nước CSVN không hề được dạy như thế nào là nhân bản, tôn trọng quyền con người.
Trách nhiệm thứ bảy là thay vì công bố thông tin rộng rãi, chính quyền lại có thái độ hàm hồ, đả kích những người làm truyền thông độc lập giúp bà con ở nhà biết rõ ngọn ngành. Thậm chí sau khi có tin 39 người tử nạn là người Việt Nam, Ban Tuyên Giáo Trung Ương lập tức bịt miệng báo chí bằng cách “đề nghị” “không mở rộng thông tin khi chưa có thông tin mới từ cơ quan chức năng”; “không đưa tin về nhân thân, hoàn cảnh của các gia đình nạn nhân” và “hạn chế đề cập tình trạng xuất khẩu lao động, di cư bất hợp pháp của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh”. *
Để hưởng ứng chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo, báo Tuổi Trẻ còn muốn đi tìm người “chịu trách nhiệm tối thượng” của tấn thảm kịch này. Không khó để bài báo của Tuổi Trẻ nêu đích danh thủ phạm: “không phải của chính quyền, không phải của nạn nhân và gia đình họ, cũng không phải của bọn buôn người” mà trách nhiệm là của “chính sách nhập cư của các nước giàu”. Như thế sự phủi tay cũng quá dễ dàng.
Nhưng người dân phải đợi đến ngày 5 tháng Mười Một (tức hài tuần lễ sau) mới được nghe Bộ Trưởng Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội Đào Ngọc Dung họp báo quảng cáo cho 400 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có giấy phép, kèm theo lời khuyên đơn giản “Đừng đi theo con đường bất hợp pháp.” Nhưng trong xã hội tham ô như ở Việt Nam, những ai có đủ điều kiện để được đi con đường hợp pháp?
Thật ra, dù là đi hợp pháp hay không hợp pháp cũng đều phải đóng tiền cho cán bộ nhà nước thông qua 400 doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Cho nên ở các tỉnh nghèo miền Trung đã treo đầy những khẩu hiệu khuyến khích xuất khẩu lao động. Những người đi lao động có khoẻ mạnh trở về hay bị nạn dọc đường… không phải là chuyện của nhà nước lo.
Sự vô trách nhiệm của một nhóm người lãnh đạo độc quyền đối người dân chưa bao giờ đáng sợ như lúc này!
Leave a Comment