Trái với mong mỏi của nhiều trí thức, cựu quan chức “thân chính quyền,” Hội Nghị Trung Ương 11 của đảng cầm quyền ở Việt Nam vào Tháng Mười, 2019, đã biệt tăm nghị quyết về vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính và lên án Trung Quốc, cũng mất tích luôn chuyện nếu “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng không thể đi Mỹ gặp Tổng Thống Donald Trump thì ai sẽ thay thế ông ta.
“Đang là bệnh nhân” đi đứng ra sao?
Ít ngày sau khi Hội Nghị Trung Ương 11 trôi qua như một cái bóng vô hồn, tại buổi họp báo chiều 17 Tháng Mười, 2019, của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, khi được hỏi về “khả năng thăm Mỹ của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng,” Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã trả lời: “Như tôi đã nói ở các lần họp báo trước đây, hoạt động đối ngoại của Việt Nam, trong đó có hoạt động của lãnh đạo cấp cao, sẽ được thông báo vào thời gian thích hợp.”
Cách phát ngôn trên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, như thường thấy trong rất nhiều lần trả lời báo chí khi không muốn hoặc không thể khẳng định về lịch trình công du đối ngoại của chóp bu Việt Nam, đã gián tiếp xác nhận cuộc gặp Trump-Trọng chưa thể diễn ra.
Cũng đã rõ như ban ngày rằng Nguyễn Phú Trọng chưa thể đi Mỹ vào Tháng Mười, 2019, như một số dự đoán trước đó, thậm chí không thể đi trong những tháng cuối năm 2019.
Thậm chí chuyến đi này còn phải dự liệu cho năm sau, nếu như Donald Trump còn chút thời gian ngoài cuộc chạy đua tái cử tổng thống Mỹ bận ngập đầu, và tất nhiên với điều kiện Trọng phải có đủ sức khỏe để không những thực hiện một chuyến bay dài đến Washington, mà còn phải xuất hiện trước ống kính soi mói và phân tích tỉ mẩn của báo giới và các cơ quan tình báo phương Tây đến từng nếp nhăn trên mặt của ông ta.
Ngay trước buổi họp báo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc tiếp xúc bất thường với cử tri Hà Nội, nơi mà ông ta đã lần đầu tiên thú nhận “đang là bệnh nhân” kể từ khi suýt bị cơn bạo bệnh quật ngã tại xứ Kiên Giang “nhà ba Dũng” vào Tháng Tư, 2019.
Đến gần cuối Tháng Mười, 2019, mạng xã hội chợt rộ lên tin đồn về một cú té ngã nào đó do bất cẩn của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng chỉ vài ngày sau đồn đoán này, y như rằng vào ngày 28 Tháng Mười, Trọng lại “tái xuất” trong cuộc đón tiếp Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Lào Bounnhang Vorachith nhân dịp “Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền Thống Lực Lượng Quân Tình Nguyện và Chuyên Gia Việt Nam tại Lào.”
Thế nhưng những hình ảnh trong một bản tin ngắn về cuộc đón tiếp trên do truyền hình báo Nhân Dân phát – một trong hiếm hoi lần là “ảnh sống,” tức nhân vật có cử động tứ chi và cử động cơ mặt, chứ không phải “ảnh chết” – lại khiến lộ ra chân dung một Nguyễn Phú Trọng đi đứng chập choạng, hai chân cố choãi ra, mà làm cho người xem có cảm giác thân hình ông ta có thể đổ nghiêng hoặc đổ ngang bất cứ lúc nào nếu không có người đỡ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng đi đứng chập chững như trẻ chín tháng tuổi của Trọng sẽ khó có thể làm cho Donald Trump còn hào hứng muốn mời ông ta đến Washington nữa.
Quyết định của Trọng đang và sẽ là quá muộn
Tuy nhiên ngoài vấn đề sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng mà giờ đây đã trở thành vấn nạn rất nghiêm trọng đối với ông ta, người ta đã không thấy Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói gì về việc quan chức nào sẽ thay Trọng đi Mỹ gặp Trump.
Nguồn cơn hết sức dễ hiểu của thái độ im lặng trên là Bộ Ngoại Giao – của một Phạm Bình Minh đã trở nên “ngoan hiền, dễ bảo” trước Nguyễn Phú Trọng trong thời gian vài năm gần đây – đã không thể nói gì khác ngoài chỉ thị của ông Trọng. Nếu Nguyễn Phú Trọng đã không có bất kỳ một chỉ đạo hay gợi ý nào về ai đó được phép thay thế ông ta đi Washington, điều đó có nghĩa là mọi người phải chờ quyết định cuối cùng của Trọng.
Tuy thế, quyết định của Trọng về bản thân ông ta hay ai đó được đi thế ông ta sang Mỹ đang và sẽ là quá muộn. Bởi năm 2019 không phải là 2015, và tình thế hiện thời không còn là lúc mà Trọng có thể nhẩn nha vừa đi Mỹ vừa làm cao trước một tổng thống dễ chơi và có phần dễ bị qua mặt vào thời đó là Barak Obama.
Chuyến công du Washington vào Tháng Bảy, năm 2015, của Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh không khí “vừa hợp tác vừa đấu tranh” Việt-Trung chìm trong sự yên tĩnh giả tạo, dù thỉnh thoảng vẫn nổi lên vài vụ “tàu lạ” đâm va và bắn giết ngư dân Việt.
Khi đó, dù Trung Quốc đã phổ biến “đường lưỡi bò chín đoạn” quét qua hầu hết các lô dầu khí lớn của Việt Nam trên Biển Đông, nhưng các dự án mà Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam liên doanh với nước ngoài cùng khai thác tại mỏ Lan Đỏ, Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh vẫn chỉ trong giai đoạn chuẩn bị. Do đó sau khi cho giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông khủng bố tinh thần Bộ Chính Trị đảng CSVN vào năm 2014, đến năm 2015 Trung Quốc tạm thời để yên cho “đảng em,” để sau khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ về là chuyến đón tiếp Tập Cận Bình tại Hà Nội vào cuối năm đó.
Nhưng giờ đây, tình thế đã biến động rất nhiều. “Đảng em” cùng chính thể độc tài này của nó đã vào ngõ cụt, và mức độ nguy hiểm do bị “đảng anh” Trung Quốc đe dọa ngày càng hiện rõ.
Tình thế nguy khốn ấy buộc “đảng em” – trong nỗi cơ đơn tận cùng dù đã thủ trong túi chẵn một tá “đối tác chiến lược” với nhiều nước – phải tranh cướp thời gian để nhích sang Hoa Kỳ – đối trọng quân sự duy nhất với “đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam” là Trung Quốc ở Biển Đông.
Do đó câu chuyện đi Mỹ hiện nay đang cấp bách đến nỗi không còn thuộc về chủ ý của cá nhân Nguyễn Phú Trọng nữa, và nếu trong thời gian tới Trọng cứ khư khư không chịu ủy quyền cho người khác đi thay mình thì rất có thể ít nhất hai phần ba số ủy viên Bộ Chính Trị sẽ phải gào lên rằng Việt Nam chắc chết nếu không dựa vào Mỹ và liên minh quân sự với Mỹ. Khi đó và dù muốn hay không, Nguyễn Phú Trọng cũng phải chịu một sức ép đáng kể từ những đồng đảng vốn trước đó đã quen im lặng và phục tùng trước ông ta. Khi đó và dù có thích hay không, Trọng có thể sẽ phải gật đầu chấp nhận cử một người khác đi Washington thay cho mình.
Người đó có thể là ai? Ứng cử viên số một cho ghế tổng bí thư là Trần Quốc Vượng chăng?
Hay ai khác?
Nhưng Vượng là người bên đảng, mà Trump thì không có thói quen tiếp đảng chính trị, nhất là đảng Cộng Sản.
Chỉ còn lại Phúc và Ngân – hai nhân vật còn lại trong “tam trụ.”
Nếu xét về số thứ tự trong danh sách ứng viên cho chức tổng bí hoặc chủ tịch nước tại Đại Hội 13, cái tên Nguyễn Xuân Phúc có lẽ chỉ đứng thứ hai sau Trần Quốc Vượng, thậm chí còn xếp sau cả Nguyễn Thị Kim Ngân tại thời điểm này. Nhưng Trump chắc chắn sẽ chẳng tiếp Quốc Hội “nghị gật” của Việt Nam vì sẽ chẳng giải quyết được gì.
Chỉ còn lại Nguyễn Xuân Phúc. Duy nhất Phúc.
Nhưng cần nhắc lại, ngay cả trong thời gian Nguyễn Phú Trọng phải liên tục chuyển giường từ bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn ra bệnh viện Quân Y 108 ở Hà Nội cũng không hề có chỗ cho phương án “Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm Mỹ thay cho Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.” Ai cũng hiểu đi Mỹ là độc quyền của “Tổng Tịch.”
Đến Tháng Sáu, 2019, khi Trọng đã tạm bình phục và đã có thể thoắt hiện thoắt ẩn trong một kỳ họp Quốc Hội để đọc Công Ước Quốc Tế 98 về lao động, một chuyến tiền trạm Mỹ do Phạm Bình Minh thực hiện đã xảy ra, chuẩn bị cho chuyến công du của Trọng dự kiến vào Tháng Bảy.
Thế nhưng nỗi ám ảnh về vỡ động mạch sinh đột quỵ luôn thường trực trong tâm não các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Chuyến đi Mỹ vào Tháng Bảy cũng bởi thế đã không diễn ra.
Chỉ đến khi đó mới loáng thoáng có tin ngoài lề về khả năng Nguyễn Xuân Phúc được cử thay cho Trọng đi Mỹ.
Nhưng rõ là bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng, dù vẫn bộc lộ nhiều dấu hiệu chưa thể đi lại bình thường, đã chẳng hề quên nhu cầu chính trị lẫn nhu cầu danh tiếng nào ngay sau khi ông ta tạm phục hồi sức khỏe. Và kể cả khi những dấu hiệu “xuôi tay” lại lộ ra.
Từ sau Tháng Bảy, 2019 đến nay, và ngay cả khi đã phải thú nhận “đang là bệnh nhân,” vẫn không có bất kỳ một dấu hiệu bật đèn xanh nào của Nguyễn Phú Trọng dành cho Nguyễn Xuân Phúc, cho dù phương án Phúc đi Mỹ sẽ có thể không gặp phải sự phản đối của Trump.
Và cho dù Phúc có thể là người rất thích đi Mỹ, rất muốn mang về Việt Nam “quan hệ đối tác chiến lược” với Mỹ để thỏa ý chí rất thích làm tổng bí thư khóa 13./.
Leave a Comment