Trước khi Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền diễn ra vào nửa đầu tháng 10 năm 2019, không ít người đã hy vọng rằng ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành ‘minh quân’ với một tuyên bố lên án Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính và hội nghị này sẽ phát ra một nghị quyết về Biển Đông, làm tiền đề quan trọng cho việc kiện Trung Quốc.
Vẫn ‘câm như hến’!
Thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước – thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam – đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.
Người dân hy vọng rằng Bộ Chính trị Việt Nam phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Hội nghị trung ương 11 diễn ra trong bối cảnh đã hơn ba tháng kể từ ngày Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền, nhưng lực lượng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vẫn chưa một lần dám nổ súng cảnh cáo. Trong khi đó, toàn bộ chóp bu Việt Nam từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống vẫn kiên định ‘câm như hến’ mà không một lần dám nêu tên Trung Quốc, càng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giới ‘văn dốt, võ dát’ này dám kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Thế nhưng kết quả của Hội nghị 11 thật bi đát: dù kéo dài trong suốt một tuần lễ, hội nghị 11 đã chỉ như mê nhảm khi Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc hội nghị trên với sự lồng ghép câu ‘thần chú’: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế”, sau khi đã phát biểu khai mạc Hội nghị 11 bằng cách thập thò ‘phân tích dự báo tình hình Biển Đông’.
‘Không nhân nhượng’ hay đã ‘nhượng nước’?
Vài ngày sau Hội nghị 11, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng có một cuộc tiếp xúc với các đại biểu thuộc đơn vị bầu cử số 1 thuộc 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ở Hà Nội vào sáng ngày 15/10/2019. Sau khi đã lần đầu tiên thú nhận ‘đang là bệnh nhân’ với giọng có vẻ mệt mỏi và cam phận chung sống với bệnh tật, Trọng huấn thị: “Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng”.
Phát ngôn trên xảy ra trong bối cảnh tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hộ vệ cho tàu này đã tiến rất sâu vào vùng lãnh hải Việt Nam ở các tỉnh Bình Thuận, Phan Rang, Phú Yên, Bình Định…, với nhiều lần di chuyển đan áo mà có lần chỉ còn cách bờ biển Việt Nam khoảng 100 km.
Lời huấn thị của Nguyễn Phú Trọng đã mâu thuẫn, mâu thuẫn khủng khiếp với với thực tế mất chủ quyền và đang dần mất nước.
Không chỉ nhân nhượng, mà về thực chất đảng CSVN đã để mặc cho kẻ thù biến vùng lãnh hải chủ quyền của Việt Nam thành ‘vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam’, bộc lộ sự ươn hèn không thể chấp nhận được.
Nguồn cơn nào đã khiến Nguyễn Phú Trọng và các đồng đảng của ông ta ra nông nỗi ấy?
‘Vi phạm các thỏa thuận song phương’: Trọng đã ký cái gì?
Hãy nhớ lại, vào ngày 18/9/2019 lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tung ra tối hậu thư lên án Việt Nam đã xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính.
Rất đáng chú ý, tuyên bố trên có nội dung: “Kể từ tháng Năm năm nay, phía Việt Nam đã tiến hành khoan dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính (Wan’an Tan) của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Trung Quốc. Đây cũng là hành vi vi phạm các thỏa thuận song phương, bao gồm Hiệp định về các nguyên tắc cơ bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề liên quan đến biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, Điều thứ năm của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những điều khoản của UNCLOS”.
Tuy Cảnh Sảng – người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – không nói rõ về thỏa thuận song phương nào, nhưng chừng đó là quá đủ để dư luận hình dung và liên tưởng đến hàng loạt ‘thỏa thuận song phương’ mà giới chóp bu Việt Nam đã lén lút ký với Trung Quốc nhưng không công khai cho người dân biết, dẫn tới hậu quả mất thác Bản Giốc trước đây, liên quan đến vô số đồn đoán về ‘Mật ước Thành Đô’ 1990 – hay còn gọi là ‘thỏa thuận bán nước’, những thỏa thuận song phương nào đó về xử lý tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’ của Trung Quốc, và quá nhiều thiệt hại trong quan hệ kinh tế Việt – Trung sau này.
Điều mà người ta tự hỏi và cho tới giờ vẫn còn kinh ngạc về cái dấu hỏi to tướng ấy là vì sao cho tới nay, sau hơn 3 tháng tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm vào ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, vẫn không một quan chức nào trong Bộ Chính trị Việt Nam dám nhắc tới cái tên Trung Quốc?
Phải chăng cái gọi là ‘thỏa thuận song phương’ mà những quan chức chóp bu như Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Bắc Kinh đã quá bất lợi cho phía Việt Nam để đẩy tới tình thế ‘há miệng mắc quai’ – cả Bộ Chính trị Việt Nam phải câm như hến khi bị phía Trung Quốc bắt bẻ? Nếu đúng thế, những điều khoản nào bị sơ hở và bất lợi? Trách nhiệm soạn thảo, thông qua và ký kết những điều khoản bất lợi đó thuộc về những quan chức nào? Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam có dám đòi hỏi Nguyễn Phú Trọng và những quan chức cận thần của ông ta phải công khai các thỏa thuận song phương đã ký với Trung Quốc cùng những điều khoản bất lợi đang khiến Trọng ‘ngậm hột thị’?
Lại giở bài ‘độc quyền yêu nước’ và ‘ác với dân’
Cho tới nay và rất tương đồng với tinh thần “hèn với giặc, ác với dân” của năm 2014 và tại nhiều thời điểm khác, chính quyền và giới quân sự Việt Nam vẫn “rúc mặt vào gối” mà không dám hành động mạnh mẽ trước Trung Quốc.
Hội nghị trung ương 11 và cá nhân Nguyễn Phú Trọng đã cung cấp thêm một bằng chứng hùng hồn về tinh thần ‘không kiện Trung Quốc’ như thế – tiền đề dẫn tới tương lai mất trắng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam vào tay kẻ thù.
Không những không dám hé môi cái tên Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng còn nói như chì chiết trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/10: “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?”
Một tuần lễ trước cuộc tiếp xúc cử tri trên là một hội thảo khoa học về Bãi Tư Chính, với thành phần gồm nhiều trí thức phản biện mà bị đảng cầm quyền cho là ‘phản động’. Trong đó, tướng Lê Mã Lương đã mãnh liệt tố cáo nhiều tướng ở Bộ Quốc phòng ‘chỉ giỏi nhiều tiền’ và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch còn không biết xem bản đồ thực địa quân sự. Đa số ‘phản động’ còn lại đều chỉ trích thái độ nhu nhược hèn yếu trước Trung Quốc của chính quyền…
Rõ ràng Trọng đã tìm cách trả đũa ‘thế lực phản động’ đã dám chỉ trích ông ta và đảng CSVN là hèn nhát.
Nhưng với không ít người dân thì từ ‘hèn nhát’ vẫn còn quá lịch sự. Nếu Nguyễn Phú Trọng đủ can đảm đóng vai một gã xe ôm thì chỉ trong vài giờ đồng hồ, ông ta có thể nghe được quá nhiều từ ‘bán nước’ mà người dân dành tặng cho chế độ độc tài và ‘kiên định không kiện Trung Quốc’ của Trọng./.
Leave a Comment