Quảng Cáo

Hãy đọc trước khi trách móc hay khen ngợi!

Quảng Cáo

Tâm Don – (VNTB) – Khoảng hơn 10 năm trước, tại Việt Nam, thuật ngữ xã hội dân sự ( civil social) đã trở thành một thuật ngữ thời thượng. Nhiều học giả nhà nước và báo chí nhà nước đã bàn luận về khái niệm xã hội dân sự một cách khá cởi mở. Nhưng rồi, sự sôi nổi và nhiệt tình về xã hội dân sự trên báo chí nhà nước nhanh chóng biến mất, thay vào đó là sự im lặng. Thay vào đó là những quy kết của chính quyền rằng, các tổ chức xã hội dân sự chính là những tổ chức phản động.

Dù báo chí nhà nước không còn nhắc đến xã hội dân sự, nhưng trên thực tế, ở Việt Nam vẫn xuất hiện các tổ chức xã hội dân sự như là một yêu cầu không thể khác được. Trong các năm 2013 và 2014, khá nhiều tổ chức xã hội dân sự ra đời, có thể kể đến Hội anh em dân chủ, Hội bầu bí tương thân, Mạng lưới bloggers Việt Nam, Hội đồng liên tôn, Hội nhà báo độc lập Việt Nam…

Vào tháng 6-2014, 16 tổ chức xã hội dân sự đã có cuộc gặp gỡ tại chùa Liên Trì (Sài Gòn) để bàn luận về hiện tình đất nước. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong quá trình hình thành và xác lập xã hội dân sự ở Việt Nam trong bối cảnh cả đất nước kể từ ngày bị độc tài đảng trị đã không hề có các tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa. Sau sự kiện diễn ra tại chùa Liên Trì, chính quyền đã không hề đả động đến xã hội dân sự, và chính thức coi các tổ chức xã hội dân sự non trẻ là thù địch.

Nhưng, xã hội dân sự vẫn được một số học giả có tâm huyết và trách nhiệm quan tâm lý giải bằng học thuật. Hai học giả trẻ tuổi là Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái ở Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vào năm 2018 đã cho ra đời công trình Xã Hội Công Dân Việt Nam Dưới Góc Nhìn Thể Chế (sách tham khảo). Công trình này được Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản rất thầm lặng vào cuối năm 2018. Không hề có bài điểm sách, bài bình luận sách nào về công trình nghiên cứu rất công phu này. Cũng dễ hiểu thôi khi mà hai học giả trẻ tuổi đã phải dùng khái niệm Xã Hội Công Dân thay cho khái niệm Xã Hội Dân Sự. Dù không thích suy đoán và suy diễn, nhưng những người yêu sách ở Việt Nam đều có chung nhận định rằng, hai học giả trẻ phải dùng một khái niệm tiếng Việt khác (dù vẫn chú thích bằng tiếng Anh), và không sử dụng chiến dịch truyền thông để quảng bá cho cuốn sách hay nhằm tránh sự dòm ngó và kiểm duyệt của chính quyền.

Có gì đặc sắc trong cuốn Xã Hội Công Dân Việt Nam Dưới Góc Nhìn Thể Chế?

Nếu như học giả Eamonn Butler trong cuốn Những Nền Tảng Của Xã Hội Tự Do cho chúng ta biết rằng, tự do không phải là một sản phẩm của Châu Âu mà là sản phẩm của Châu Á từ 2000 năm trước, thì hai học giả trẻ tuổi người Việt cũng cho chúng ta biết những điều thú vị không kém, rằng, người Châu Âu khi đến Châu Á vào thế kỷ 13 đã ngạc nhiên về các tổ chức xã hội dân sự ở Châu Á. Cuốn sách của của hai học giả Việt cho biết: “Marco Polo, nhà thám hiểm phương Tây khi đến Hàng Châu (Trung Quốc) vào thế kỷ 13, cho rằng, ông ấn tượng bởi thành phố sầm uất này có những ”tổ chức thiện nguyện” mang tính hiệp hội rất mạnh như nhà tế bần, trại dưỡng lão, những phường hội kinh doanh…..(Edward, 2004). Có lẽ khắp những đô thị phồn hoa của Châu Á trong thời kỳ trung cổ, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến Việt Nam, những tổ chức mang tính hiệp hội như vậy cũng đã tồn tại rất mạnh mẽ.

Những xã hội mang đậm ảnh hưởng của Khổng tử và hơi hướng Phật giáo ở Đông Á có những đặc điểm rất gần với ý tưởng xã hội công dân ở phương Tây. Trước hết, việc đề cao “việc chung” lên trước “việc riêng”, tinh thần cộng đồng, triết lý hòa hợp giữa cá nhân trong xã hội là những cấu phần tư tưởng quan trọng về XHCD của các triết gia phương Tây như Tocqueville hay Putnam. Thứ hai, cùng với sự phát triển kinh tế như đề cập ở trên, các tổ chức hiệp hội phôi thai, đại diện cho quyền lợi của những nhóm dân cư khác nhau ra đời và phát triển rất mạnh ở các đô thị Châu Á như các phường, hội kinh doanh, thủ công mỹ nghệ, thi ca, nhạc họa….”( trang 8 và 9, sách đã dẫn).

Về sự hình thành và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam, cuốn Xã Hội Công Dân Việt Nam Dưới Góc Nhìn Thể Chế cho rằng “xã hội Việt Nam từ trước đến nay, với đặc trưng của văn hóa làng xã, mang nặng tính kết nối tự nguyện, đã xuất hiện nhiều dạng thức mà hiện nay được tập hợp chung trong nhóm “xã hội công dân”, như, hội, phường, dòng họ, phe giáp…vốn được khai thác, sử dụng để hợp tác và tương trợ không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà còn trong các hoạt động khác nhau của đời sống…..

Không gian công dân mang tính bán tự nguyện ở làng quê Việt Nam trở nên tự nguyện hơn khi dịch chuyển từ xã hội làng xã sang phường, hội ở các đô thị lớn như Thăng Long, Vân Đồn, Hội An. Qua các thời kỳ lịch sử, hệ thống phường, hội kinh doanh phát triển rất mạnh, là chỗ dựa cho việc phát triển cộng đồng kinh doanh ở đây.” (trang 14 và 15, sách đã dẫn).

Có một điều đặc biệt trong cuốn sách XHCDVNDGNTC, đó là cuốn sách đánh gia cao về xã hội dân sự thời Việt Nam thuộc Pháp và miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Đánh giá về xã hội dân sự Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay, hai học giả Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái cho rằng, không gian xã hội công dân bắt đầu được trao quyền trở lại cho tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội độc lập phát triển mạnh; hệ thống pháp luật về tổ chức xã hội phát triển tích cực nhưng chưa đầy đủ; nhà nước nắm quyền kiểm soát không gian xã hội công dân qua chính sách, quản lý nhà nước, và các tổ chức quần chúng. Từ đánh giá chung đó, hai học giả đã có một cái nhìn điềm tĩnh về xã hội công dân Việt Nam hiện tại: “XHCD, với tư cách là một định nghĩa phương Tây, đòi hỏi những điều kiện mà ở Việt Nam trên thực tế chưa tồn tại. Việc có một “không gian công cộng” hoàn toàn tách biệt khỏi nhà nước, và thậm chí đối lập với nó, ở điều kiện của Việt Nam hiện tại là không thể. Chính vì thế, cần phải xét “xã hội công dân” và “TCXH “ ở Việt Nam với góc nhìn đặc trưng hơn, và có những đánh giá mang tính thực tiễn hơn” (trang 23, sách đã dẫn).

Đánh giá điềm tĩnh của hai học giả trẻ tuổi cần được hiểu rằng, các tổ chức xã hội và tổ chức quần chúng được hưởng lương từ ngân sách hoặc được ngân sách tài trợ một phần không phải là những tổ chức xã hội dân sự – tổ chức xã hội công dân mà chính là những tổ chức nối dài của chính quyền và đảng cầm quyền.

Ở một đất nước từ lâu vắng bóng tự do học thuật, vắng bóng những nhà nghiên cứu độc lập, cần phải ghi nhận rằng, việc hai học giả trẻ tuổi Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái tiên phong và can đảm lao vào nghiên cứu một phạm trù nhạy cảm trong nhận thức của chính quyền là một hành động có trách nhiệm của những người có tâm huyết với sự tồn vong của đất nước. Nếu các học giả ở các xứ sở tự do được đi trên con đường thẳng tắp, thì hai học giả Nguyễn Khắc Giang và Nguyễn Quang Thái buộc phải đi trên những con đường vòng vo và quanh co để truyền tải ý niệm của mình đến công chúng. Bạn hãy đọc Xã Hội Công Dân Việt Nam Dưới Góc Nhìn Thể Chế trước khi trách móc họ hay khen ngợi họ!

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux